Tại Thông báo số 319/CQCSĐT(ĐTKT) ngày 18/6/2020,  Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Bắc Từ Liêm cho biết, đã ra quyết định tạm đình chỉ đơn tố giác liên quan đến việc tố giác Công ty TNHH Xây dựng và Quảng cáo thương mại Tây Đô cấu kết với một số đơn vị thuộc UBND quận Bắc Từ Liêm thay đổi vật liệu khi thi công gói thầu mua sắm, lắp dựng bảng quảng cáo rao vặt miễn phí trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm năm 2018, năm 2019.

Theo thông báo cho biết, cơ quan điều tra đã có yêu cầu định giá tài sản là vật liệu theo thiết kế và thực tế thi công khi thực hiện gói thầu mua sắm, lắp dựng bảng quảng cáo, rao vặt miễn phí trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm năm 2018, 2019 nhưng đến nay chưa có kết quả. Do thời hạn giải quyết đơn đã hết nên đã ra quyết định tạm đình chỉ.

Ngày 19/6/2020, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã kí Thông báo số 348/PC03-Đ9 thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm cho biết, Cơ quan CSĐT đã tiến hành xác minh về thông tin tố giác ông Đỗ Mạnh Tuấn - nguyên Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm, bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quận Bắc Từ Liêm, ông Nguyễn Trọng Thường - cán bộ Phòng TN&MT quận Bắc Từ Liêm, ông Nguyễn Quang Thậm - Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc, bà Đặng Thị Hiên - cán bộ địa chính phường Đông Ngạc có sai phạm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình ông Nguyễn Văn Sản và hộ gia đình ông Đoàn Thanh Nam (trú tại tổ dân phố Liên Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). 

leftcenterrightdel
 Thông báo số 348/PC03-Đ9 ngày 19/6/2020

Do thời hạn xác minh đã hết, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội chưa nhận được kết quả trả lời của Hội đồng Định giá trong tố tụng hình sự quận Bắc Từ Liêm. Nội dung tố giác về tội phạm đã được Thanh tra TP thụ lí giải quyết nhưng đến nay chưa có kết luận. Ngày 19/6/2020, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm trên.

Như vậy, cả hai nội dung tố giác đều bị tắc tại Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự của quận Bắc Từ Liêm.

Theo Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng Định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự: Hội đồng Định giá có thể thành lập theo vụ việc hoặc thường xuyên. Hội đồng Định giá theo vụ việc hoặc thường xuyên cấp huyện đều do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập theo đề nghị của cơ quan chuyên môn về lĩnh vực tài chính cùng cấp để định giá tài sản khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Thành phần của Hội đồng Định giá cấp huyện bao gồm: Một lãnh đạo của cơ quan chuyên môn cấp huyện về lĩnh vực tài chính là Chủ tịch Hội đồng; một chuyên viên của cơ quan chuyên môn cấp huyện về lĩnh vực tài chính là Thành viên Thường trực Hội đồng; đại diện các cơ quan, tổ chức chuyên môn liên quan đến tài sản cần định giá là Thành viên Hội đồng. Căn cứ vào yêu cầu định giá tài sản, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định các thành viên phù hợp với đặc điểm của tài sản cần định giá. Hội đồng Định giá cấp huyện phải là số lẻ và tối thiểu là 3 người.

Như vậy, Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự quận Bắc Từ Liêm sẽ do Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm thành lập. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng sẽ là 1 lãnh đạo Phòng Tài chính kế hoạch. Tham gia Hội đồng này còn có 1 cán bộ thuộc Phòng Tài chính kế hoạch đảm nhiệm vai trò Thành viên Thường trực.

Được biết, gói thầu mua sắm, lắp dựng bảng quảng cáo rao vặt miễn phí trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm trước đây được chào thầu đều đã được Phòng Tài chính kế hoạch quận Bắc Từ Liêm thẩm định giá và thông qua. Tuy nhiên đến nay, khi phải định giá trong thủ tục tiến hành tố tụng hình sự thì quá trình này lại quá chậm trễ. Nhất là nội dung thẩm định hết sức đơn giản chỉ là giá chênh lệch giữa cột inox và cột thép mạ kẽm hay là mảnh đất có vị trí và diện tích rất cụ thể trên chính địa bàn quận đang quản lí.

Dư luận đang đặt câu hỏi: Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự quận Bắc Từ Liêm đang toan tính gì? Phải chăng, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 30 trong trường hợp vụ việc liên quan đến cán bộ công chức của cấp huyện thì chuyển sang cho một cơ quan độc lập hoặc cơ quan định giá cấp tỉnh thực hiện thay vì giao cho cơ quan định giá cấp huyện thực hiện?

Chúng tôi sẽ  tiếp tục thông tin về vụ việc. 

(Nghị định 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018)

Điều 10. Quyền và nghĩa vụ của Hội đồng Định giá tài sản

1. Hội đồng Định giá có quyền:

a) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc định giá;

b) Thuê tổ chức giám định để thực hiện giám định tình trạng kinh tế - kỹ thuật, tỷ lệ chất lượng của tài sản; thuê doanh nghiệp thẩm định giá để thực hiện thẩm định giá tài sản. Việc thuê tổ chức giám định, doanh nghiệp thẩm định giá được tiến hành trong các trường hợp cần thiết do Hội đồng Định giá tài sản quyết định;

c) Từ chối thực hiện định giá tài sản trong trường hợp thời gian không đủ để tiến hành định giá; không đủ các điều kiện cần thiết để tiến hành định giá; các tài liệu cung cấp không đầy đủ hoặc không có giá trị để định giá; nội dung yêu cầu định giá vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình;

d) Được bảo đảm về tài chính đầy đủ, kịp thời và các cơ sở vật chất cần thiết để tiến hành định giá tài sản theo quy định của pháp luật;

đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Hội đồng Định giá có nghĩa vụ:

a) Tuân thủ các nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá tài sản quy định tại Nghị định này và các quy định pháp luật khác liên quan;

b) Thông báo kịp thời bằng văn bản tới các thành viên Hội đồng về nội dung, thành phần, thời gian, địa điểm phiên họp định giá tài sản;

c) Thực hiện định giá tài sản, trả kết luận định giá tài sản theo đúng thời hạn được yêu cầu; trong trường hợp cần có thêm thời gian để thực hiện định giá thì phải thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan yêu cầu định giá biết;

d) Xác định trung thực, khách quan giá trị của tài sản được yêu cầu định giá và chịu trách nhiệm về kết luận định giá tài sản đó;

đ) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Các trường hợp không được tham gia định giá tài sản
Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được tham gia định giá tài sản:

1. Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo.

2. Đã tham gia định giá hoặc định giá lại tài sản đang được trưng cầu định giá.

3. Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó.

4. Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.

5. Có căn cứ rõ ràng để chứng minh người đó không vô tư trong khi thực hiện định giá.

6. Người đang trong thời gian thi hành kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

Điều 14. Tiếp nhận yêu cầu định giá tài sản

1. Văn bản yêu cầu định giá tài sản kèm theo các tài liệu, hồ sơ liên quan đến yêu cầu định giá tài sản được gửi đến Hội đồng Định giá tài sản được yêu cầu đối với Hội đồng Định giá thường xuyên hoặc được gửi đến cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng đối với Hội đồng Định giá theo vụ việc.

Nội dung, thời hạn gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản thực hiện theo quy định tại Điều 215 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng Định giá thường xuyên hoặc theo vụ việc có trách nhiệm yêu cầu các cơ quan chuyên môn liên quan đến tài sản cần định giá lựa chọn và cử những người am hiểu về loại tài sản cần định giá, có kiến thức chuyên môn để tham gia thành viên Hội đồng Định giá theo quy định của Nghị định này.

3. Thời hạn định giá tài sản thực hiện theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Tố tụng hình sự.

 

 

 

 

 

Công Luận