Vi phạm đất đai “nóng” tại huyện Sóc Sơn

 Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội có 3 văn bản gửi UBND huyện Sóc Sơn, đề nghị chỉ đạo xử lý vi phạm trên đất quy hoạch lâm nghiệp. Theo đó, UBND huyện Sóc Sơn và UBND các xã để xảy ra hành vi san gạt, xây dựng và khai thác đất trái phép trên đất quy hoạch lâm nghiệp, với diện tích khoảng 10.000m2.

Tương tự, năm 2023, 2022, 2021, 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội có hàng chục văn bản đề nghị UBND huyện Sóc Sơn xử lý hàng trăm trường hợp khai thác đất, san gạt, xây dựng công trình trái phép đất quy hoạch lâm nghiệp tại địa bàn.

Qua số liệu thống kê cho thấy tình trạng vi phạm quy định pháp luật về đất đai, xây dựng trên đất quy hoạch rừng… vẫn xảy ra công khai, rầm rộ, tràn lan, quy mô lớn, có diện tích lên tới hàng chục nghìn m2 (số liệu cụ thể được thông tin ở bài tiếp - PV).

Ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết, cán bộ kiểm lâm chỉ có thẩm quyền phối hợp với UBND cấp xã lập biên bản ghi nhận hiện trạng. Thẩm quyền xử lý vi phạm về đất đai thuộc về UBND các xã và UBND huyện Sóc Sơn.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Siêu công trình tại khu Hùng Gáo trở thành khu nghỉ dưỡng tại Sóc Sơn. Ảnh: TH 

Năm 2023, Báo Thanh tra phản ánh việc bất chấp Thanh tra thành phố Hà Nội yêu cầu dừng mọi hoạt động xây dựng đối với các công trình có vi phạm trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Tuy nhiên, tình trạng xây dựng tại một số xã vẫn đang diễn ra khá phức tạp, nhiều công trình mới đang được xây dựng trái phép.

Đơn cử, vào tháng 5/2023, phóng viên Báo Thanh tra ghi nhận, các công trình vi phạm cũ tại hồ Đồng Đò, thôn Minh Tân, xã Minh Trí vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Thậm chí, những công trình này vẫn còn đang tiếp tục hoàn thiện xây dựng. Đáng nói, nhiều công trình nằm trong danh sách bị đình chỉ thi công, chờ phương án cưỡng chế tháo dỡ, cũng vô tư tiếp tục xây dựng.

Hàng loạt công trình kiên cố bằng bê tông cốt thép, nhà thép tiền chế… đang được xây dựng rầm rộ. Nghiêm trọng hơn, tại khu vực đất rừng phòng hộ, hàng trăm lều bạt, nhà gỗ… cũng được dựng lên để phục vụ du lịch.

Ngày 23/6/2023, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn ký Báo cáo số 393/BC-UBND ngày 23/6/2023 về kiểm tra, xử lý vi phạm tại xã Minh Phú và xã Minh Trí. Theo đó, UBND huyện Sóc Sơn thừa nhận vẫn để tồn tại một số công trình chưa được xử lý kịp thời, được cơ quan báo chí nêu.

Ngoài ra, tại khu Hùng Gáo, thôn Lâm Trường, xã Minh Phú đang tồn tại 4 công trình do bà Nguyễn Hồng Thuỷ đầu tư xây dựng, vi phạm pháp luật về đất đai giai đoạn 2021-2022. Tuy nhiên, đến nay, UBND xã chưa xử lý dứt điểm. Công dân liên tục có đơn thư lên các cấp, các ngành của thành phố Hà Nội, đề nghị chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn xử lý dứt điểm theo quy định pháp luật.

Trách nhiệm Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND huyện ở đâu?

Được biết, năm 2019, ông Phạm Văn Minh được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn. Năm 2021, ông Minh tiếp tục tái đắc cử, giữ chức Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho đến nay.

Giai đoạn ông Minh giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn; Thành uỷ, UBND thành phố nhiều lần lấy chủ đề công tác năm đặt vấn đề “kỷ cương”, “trách nhiệm” lên hàng đầu trong thực hiện nhiệm vụ tại các địa phương. Tuy nhiên, đối chiếu với các vi phạm đất đai “nóng”, tràn lan trên địa bàn Sóc Sơn phát sinh hàng năm, có thể thấy các chủ đề công tác của Hà Nội cần được quán triệt sâu sắc, nghiêm túc hơn tại cơ sở.

leftcenterrightdel
Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn ký văn bản trả lời về vi phạm đất đai, xây dựng trên địa bàn. Ảnh: IT 

Theo Báo cáo số 393/BC-UBND do ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn ký, trước tình trạng vi phạm đất đai “nóng”, riêng tại xã Minh Phú và xã Minh Trí, UBND huyện đã xử lý kỷ luật đối với 11 cá nhân như: Cách chức Chủ tịch UBND xã Minh Phú; cảnh cáo Chủ tịch UBND xã Minh Trí; khiển trách 9 cán bộ, trong đó có 2 Phó Chủ tịch UBND xã, 4 cán bộ đội quản lý trật tự xây dựng, 3 cán bộ địa chính xã.

Nghiên cứu báo cáo nêu trên, chúng tôi chưa thấy đề cập đến trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn và Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn phụ trách lĩnh vực đất đai, xây dựng, lâm nghiệp trên địa bàn.

Căn cứ quy định tại Luật Đất đai năm 2013: Khoản 2, Điều 208 quy định “2. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm”, thì nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời việc sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm là của UBND xã.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 208 Luật Đất đai năm 2013: “Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương”. Khoản 1, khoản 4, Điều 24 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở huyện: “1. Tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn huyện... 4. Kiểm tra, giám sát tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã”, thì việc để xảy ra vi phạm về đất đai nghiêm trọng trên địa bàn, chậm trễ xử lý dứt điểm vi phạm, có trách nhiệm của UBND huyện Sóc Sơn, đứng đầu là Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn và Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực trong việc kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai.

Trước tình trạng vi phạm đất đai, xây dựng, đất lâm nghiệp quy mô lớn, kéo dài qua nhiều năm, dư luận đặt dấu hỏi về việc xem xét trách nhiệm của ông Phạm Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn và Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn phụ trách lĩnh vực đất đai, xây dựng!

Câu hỏi về trách nhiệm của lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn xin được chuyển đến Bí thư Thành uỷ Hà Nội và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội xem xét, xử lý theo quy định.

Liên quan đến xử lý vi phạm về xây dựng, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam đối với Chử Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy về tội “nhận hối lộ”. Bước đầu xác định, ông Hùng đã nhận hối lộ 1 tỷ đồng để bỏ qua cho công trình xây dựng không có giấy phép trên diện tích đất 1.400m2 được hoàn thiện thi công.

Thanh Hoa