Các lệnh trừng phạt nhắm vào Chủ tịch Quốc hội Uganda Anita Annet Among và 2 cựu bộ trưởng phụ trách Karamoja - những người bị cáo buộc xà xẻo hàng ngàn tấm lợp kim loại dành cho một chương trình cứu trợ ở vùng nghèo khó Karamoja.

Bà Mary Goretti Kitutu - cựu Bộ trưởng Phụ trách Các vấn đề khu vực Karamoja và bà Agness Nandutu - cựu Quốc vụ khanh Phụ trách Các vấn đề Karamoja bị cho là đã xà xẻo tấm lợp và chuyển chúng đến tay các chính trị gia cũng như gia đình họ.

Vương quốc Anh cho biết, Chủ tịch Quốc hội Anita Annet Among bị cáo buộc đã thu lợi từ kế hoạch này.

Trong một tuyên bố, Thứ trưởng Ngoại giao Anh Andrew Mitchell cho biết: "Vương quốc Anh đang gửi một thông điệp rõ ràng tới những người cho rằng việc hưởng lợi từ sự tổn hại của người khác là có thể chấp nhận được. Tham nhũng gây ra hậu quả và bạn sẽ phải chịu trách nhiệm".

"Hành động của những cá nhân này, trong việc lấy đi viện trợ của những người cần nó nhất và giữ số lợi ích thu được, là hành vi tham nhũng tồi tệ nhất và không có chỗ đứng trong xã hội", tuyên bố nêu.

Vương quốc Anh cho biết, đã trừng phạt 42 cá nhân và tổ chức theo Chương trình Chống tham nhũng toàn cầu (Global Anti-Corruption scheme) kể từ khi chương trình này được thiết lập vào năm 2021.

Các cá nhân và tổ chức bị trừng phạt bao gồm đến từ Nam Sudan và Venezuela.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Phụ trách Các vấn đề khu vực Karamoja của Uganda Mary Goretti Kitutu (áo vàng) đến Tòa án Chống tham nhũng Kampala, ở Kololo, Kampala, Uganda, ngày 6/4/2023. Ảnh: REUTERS/Abubaker Lubowa 

Hai cựu bộ trưởng Kitutu và Nandutu đã bị buộc tội tham nhũng ở Uganda và vụ việc của họ vẫn đang được tòa án xét xử.

Theo các tài liệu của Tòa án Chống tham nhũng Thủ đô Kampala, bà Mary Goretti Kitutu bị buộc tội "làm thất thoát tài sản công" và "âm mưu lừa gạt".

Cáo trạng cho biết, bà Kitutu đã chuyển hướng 14.500 tấm tôn lợp mái "vì lợi ích của chính bà ấy và lợi ích của các bên thứ ba".

Cựu Bộ trưởng này đã ra hầu tòa nhiều lần trong năm 2023.

Trong khi đó, bà Nandutu bị buộc tội đã nhận 2.000 tấm lợp từ Chương trình cứu trợ được điều hành bởi Văn phòng Thủ tướng.

leftcenterrightdel
 Quốc vụ khanh Phụ trách Các vấn đề Karamoja, bà Agnes Nandutu tại Tòa án Chống tham nhũng ở Kololo, Kampala, ngày 19/4/2023. Ảnh: ABUBAKER LUBOWA/ monitor

Người phát ngôn của Quốc hội Uganda tuyên bố các biện pháp trừng phạt đối với Chủ tịch Quốc hội Anita Annet Among là một phản ứng đối với Luật chống đồng tính luyến ái được thông qua ở Uganda.

Kể từ khi luật này được ban hành, đất nước Uganda chứng kiến những vụ bạo lực nhắm vào người đồng tính. Theo các nhà phân tích, là quốc gia mà tín đồ Công giáo chiếm đa số, Hồi giáo chỉ khoảng 14,4%, người đồng tính từ lâu đã bị kỳ thị, nhưng nó chưa đến nỗi khốc liệt như bây giờ.

Trước các biện pháp trừng phạt của Anh đối với Chủ tịch Quốc hội Anita Annet Among, người phát ngôn của Quốc hội Uganda Chris Obore nói với Hãng tin Reuters: “Uganda có các cơ quan quản lý, điều tra, kỷ luật để giải quyết vấn đề tham nhũng và không cơ quan nào trong số đó phát hiện ra Chủ tịch Quốc hội có tội; do đó, các cáo buộc tham nhũng đều có động cơ chính trị”.

Chương trình cứu trợ dành cho khu vực Karamoja - một vùng xa xôi giáp biên giới Kenya và Nam Sudan, là nơi sinh sống của những người du mục, thường xuyên bị hạn hán và xảy ra các cuộc tấn công chết người của gia súc, được điều hành bởi Văn phòng Thủ tướng.

Những cuộc điều tra tham nhũng chống lại các bộ trưởng được cho là rất hiếm ở quốc gia Đông Phi này.

Tham nhũng là một vấn nạn ở Uganda. Theo xếp hạng Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), mức độ tham nhũng khu vực công năm 2023, Uganda chỉ đạt 26 điểm (trên thang điểm 100), xếp thứ 141/180 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tổng thống Uganda Museveni, 79 tuổi, người đã lãnh đạo Uganda trong 38 năm đã nhận định, kẻ thù duy nhất mà đất nước cần phải chống lại là tham nhũng và sự yếu kém trong triển khai các chương trình mục tiêu của Chính phủ. Ông đặt cuộc chiến chống tham nhũng, phát triển cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm và phát triển ngành điện là các ưu tiên chính.

Trong khi đó, các nhà hoạt động chống tham nhũng đánh giá, Uganda có khung pháp lý và chính sách tốt để chống tham nhũng. Tuy nhiên, thách thức đối với quốc gia này nằm ở việc thực thi những điều đó như thế nào.
Hoài Phương