Doanh thu, lợi nhuận đều giảm

Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk được chuyển đổi cổ phần hóa theo quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk vào năm 2016. Công ty này có vốn thuộc sở hữu Nhà nước chiếm 99%.

Ngoài công ty mẹ (Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk), còn có 3 công ty con (Công ty Cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Cao su Đaknoruco và Công ty TNHH Phát triển Cao su Đắk Lắk - Mondulkiri), và 2 công ty liên kết (Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Cao su Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Kỹ thuật Cao su).

Công ty này kinh doanh nhiều lĩnh vực khác nhau như: Trồng, khai thác, chế biến cao su; kinh doanh nhà hàng, khách sạn…

Trong quý I năm 2024, mặt hàng sản phẩm chỉ thun của công ty có sản lượng tiêu thụ đầu ra giảm đáng kể do nhu cầu thị trường giảm. Điều này dẫn đến việc doanh thu sợi chỉ thun của công ty này giảm khoảng 121 tỷ đồng.

Cùng với đó, một số thời điểm trong năm, giá mủ cao su trên toàn thế giới giảm làm cho doanh thu bán mủ cao su giảm. Doanh thu năm nay sụt giảm tương ứng giảm 19% doanh thu so với năm trước, làm cho lợi nhuận gộp toàn công ty năm nay giảm 32,72% so với năm trước.

Chưa hết, thời gian qua, công ty này cũng đã có các khoản đầu tư tài chính vào các đơn vị khác, trong đó có Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Cao su Đắk Lắk (tỷ lệ sở hữu 45,13%). Đơn vị này đã tạm dừng hoạt động, đang chờ giải thể, vốn chủ sở hữu tại công ty này đã bị âm. Do đó, Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk xác định không thể thu hồi được khoản đầu tư này và đã trích lập dự phòng tổn thất 100%. Giá trị vốn đầu tư theo phương pháp vốn chủ sở hữu tại công ty liên kết này được xác định bằng 0.

leftcenterrightdel
 Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk đang ráo riết bán cụm dịch vụ Khách sạn Dakruco để trả nợ. Ảnh: Anh Minh

Công ty nợ như “chúa chổm”, lãnh đạo vẫn nhận mức lương “trên trời

Ngoài ra, DAKRUCO đang có nhiều khoản vay ngắn hạn và dài hạn. Mục đích vay để đầu tư, phát triển cao su, cà phê, điều; phục vụ lãi suất kinh doanh; đầu tư tái canh vườn cao su… vay vốn để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh…

Công ty cũng đang có nhiều khoản thuế phải nộp Nhà nước như: Thuế giá trị gia tăng, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên, thuế nhà đất và tiền thuê đất…

Hiện công ty có hơn 5.000 nhân viên đang làm việc.

Bức tranh tài chính không được sáng sủa, thậm chí đang ráo riết bán cụm dịch vụ Khách sạn Dakruco để trả nợ nhưng, dàn lãnh đạo công ty lại hưởng mức lương mà nhiều người mơ ước.

Theo đó, mức lương quý I/2024 của Hội đồng Quản trị gồm: Ông Nguyễn Viết Tượng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị được trả 76.632.000 đồng; ông Bùi Quang Minh 74.190.000 đồng; ông Nguyễn Độ 57.324.000 đồng; ông Nguyễn Minh 55.708.000 đồng; ông Nguyễn Trần Giang 57.024.000 đồng.

Với mức lương trên, nhiều thành viên của Hội đồng Quản trị được hưởng lương cao hơn Chủ tịch UBND tỉnh. Cụ thể, lương của Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định chỉ hơn 13.000.000 đồng/tháng, còn vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty đang nợ như “chúa chổm” này được nhận mức lương hơn 25.000.000 đồng/tháng, cao gần gấp đôi lương Chủ tịch UBND tỉnh.

Như Báo Thanh tra đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố nhiều đối tượng để điều tra vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại doanh nghiệp này.

Cụ thể, vào năm 2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố Võ Tiến Hùng - nguyên Phó phòng Kỹ thuật Kế hoạch đầu tư và Văn Đức Lư - nguyên Tổng Giám đốc Công ty.

Mới đây hồi tháng 4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can đối với Bùi Quang Ninh - thành viên Hội đồng Quản trị - Tổng Giám đốc DAKRUCO để điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra năm 2002-2012 tại công ty.

Anh Minh