Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trở lại vụ việc “Nỗi uất nghẹn và góc tối cần sớm làm rõ sau những lá đơn kéo dài của Công ty Dương Minh”:

Cục Quản lý Dược đã ra văn bản hỏa tốc đề nghị lấy mẫu sản phẩm của Obagi Việt Nam

Nhóm PV

Thứ sáu, 20/12/2024 - 09:56

(Thanh tra) - Báo Thanh tra đã có bài viết về “Nỗi uất nghẹn và góc tối cần sớm làm rõ sau những lá đơn kéo dài của Công ty Dương Minh” trong câu chuyện nhận ủy quyền phân phối các sản phẩm của Obagi Hoa Kỳ.

Mặc kệ các phản ánh về việc có chất cấm, các sản phẩm Obagi vẫn được chào bán rộng rãi trên các trang web. Phiên livestream trên trang Obagi Vietnam từ 23h - 24h ngày 12/12. Ảnh: Nhóm PV

Vụ việc tranh chấp thương mại đang được Công ty Dương Minh khởi kiện tại tòa án Mỹ nhưng hàng loạt vấn đề cần phải có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng Việt Nam để bảo vệ doanh nghiệp Việt, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh mà thua ngay trên sân nhà. Trước hết là đơn vị có chức năng quản lý thuộc Bộ Y tế, Bộ Công Thương.

Văn bản trả lời của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, cho biết, các sản phẩm OBAGI NU - DERM BLENDER, OBAGI SUNFADER, OBAGI-C RX SYSTEM C-CLARIFYING SERUM do Công ty TNHH MTV Thương mại xuất nhập khẩu Obagi Việt Nam (địa chỉ: 12-12A Núi Thành, phường 13, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) đứng tên công bố, chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường. Hồ sơ công bố 3 sản phẩm mỹ phẩm nêu trên đáp ứng quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BYT, đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. Thành phần công thức của 3 sản phẩm nêu trên đáp ứng các phụ lục (Annexes) của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN theo quy định, không có thành phần Hydroquinone 4%. Hydroquinone là chất thuộc Danh mục các chất không được phép sử dụng trong sản phẩm mỹ phấm chăm sóc da theo quy định tại Tham chiếu số 1339 Phụ lục II Hiệp định mỹ phẩm ASEAN.

Theo tài liệu chúng tôi được cung cấp, vi bằng của một đơn vị lập khi tra cứu về các sản phẩm OBAGI NU - DERM BLENDER, OBAGI SUNFADER, OBAGI-C RX SYSTEM C-CLARIFYING SERUM được giới thiệu công khai của chính hãng tại trang web www.obagi.com đều được công bố có thành phần Hydroquinone 4%.

Làm việc với nhóm phóng viên Báo Thanh tra chiều ngày 18/12/2024, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết: Ngay khi tiếp nhận được các thông tin trên, Cục Quản lý Dược đã gửi văn bản hỏa tốc đến Viện Kiểm nghiệm thuốc TP Hồ Chí Minh để nghị đơn vị này lấy mẫu của Công ty TNHH MTV Thương mại xuất nhập khầu Obagi Việt Nam (địa chỉ hiện tại: Tầng 2, Hà Đô Airport Building, số 2 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) để kiểm tra chất lượng các sản phẩm mỹ phẩm OBAGI NU - DERM BLENDER, số tiếp nhận phiếu công bố 202987/23/CBMP-QLD; sản phẩm OBAGI SUNFADER, số tiếp nhận phiếu công bố 202932/23/CBMP-QLD và sản phầm OBAGI-C RX SYSTEM C-CLARIFYING SERUM, số tiếp nhận phiếu công bố 202945/23/CBMP-QLD. Kết quả báo cáo bước đầu của Viện Kiểm nghiệm thuốc TP Hồ Chí Minh thì đơn vị này không lấy được mẫu 3 sản phẩm trên do trong kho hàng của Công ty không có.

Ông Hùng cho biết, ngày 26/11/2024, Công ty TNHH MTV Thương mại xuất nhập khầu Obagi Việt Nam đã ban hành Văn bản số 001/CV-OBAGI về việc xin tự nguyện thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. Công văn cho biết, Công ty TNHH MTV Thương mại xuất nhập khầu Obagi Việt Nam đã nộp hồ sơ công bố 33 sản phẩm nhưng chưa nhập khẩu và kinh doanh các sản phẩm này. Do vậy, Công ty TNHH MTV Thương mại xuất nhập khẩu Obagi Việt Nam xin tự nguyện thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm đối với 33 sản phẩm, trong đó có 3 sản phẩm OBAGI NU - DERM BLENDER, OBAGI SUNFADER, OBAGI-C RX SYSTEM C-CLARIFYING SERUM nói trên.

Phó Cục trưởng Tạ Mạnh Hùng cũng cho biết, Cục Quản lý Dược quản rất nghiêm với bất kỳ các sản phẩm dược, mỹ phẩm nào liên quan đến sức khỏe của người tiêu dùng. Do công ty phân phối cam kết là chưa nhập về thị trường nên Viện Kiểm nghiệm thuốc TP Hồ Chí Minh không lấy được mẫu. Tuy nhiên, nếu tiếp nhận được bất kỳ mẫu sản phẩm nào có chất cấm, không chỉ riêng Hydroquinone 4%. Nếu tiếp nhận được các mẫu này do đúng Công ty TNHH MTV Thương mại xuất nhập khầu Obagi Việt Nam phân phối thì đơn vị này còn bị xử phạt với các tình tiết tăng nặng như: gian dối, không trung thực trong kê khai hồ sơ xin cấp công bố và vi phạm từ sản phẩm thứ hai trở lên...

Trước đó, tại văn bản Cục Quản lý Dược gửi đến Báo Thanh tra cung cấp thông tin có nêu: Năm 2023, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược đã tổ chức cuộc họp có đại diện: Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia; Tổng cục Quản lý thị trường, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương); Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế); Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Dương Minh; Công ty TNHH MTV Thương mại xuất nhập khẩu Obagi Việt Nam; Công ty Obagi Cosmeceuticals LLC (Mỹ) liên quan đến việc công bố và phân phối sản phẩm Obagi tại Việt Nam. Theo đó, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Dương Minh chưa cung cấp được hồ sơ, tài liệu, bằng chứng chứng minh Công ty TNHH Một thành viên thương mại xuất nhập khẩu Obagi Việt Nam vi phạm khoản 1 Điều 47 Thông tư số 06/2011/TT-BYT, do vậy chưa có căn cứ tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với Công ty TNHH một thành viên thương mại xuất nhập khẩu Obagi Việt Nam. Trước đây, Công ty Obagi Cosmeceuticals LLC (Mỹ) ủy quyền cho Công ty TNHH xuất nhập khẩu Dương Minh phân phối sản phẩm mỹ phẩm nhãn hàng Obagi tại Việt Nam. Từ năm 2023, Công ty Obagi Cosmeceuticals LLC (Mỹ) ủy quyền cho Công ty TNHH một thành viên thương mại xuất nhập khẩu Obagi Việt Nam phân phối sản phẩm mỹ phẩm nhãn hàng Obagi tại Việt Nam.

Người tiêu dùng Việt Nam dễ dàng mua được những sản phẩm này, trong khi Công ty phân phối độc quyền nói chưa nhập về bán. Ảnh: Nhóm PV

Ngoài ra, văn bản cũng cho biết, ngày 3/6/2024, Cục Quản lý Dược đã ban hành Công văn số 1686/QLD-MP về việc tạm ngừng lưu hành lô sản phẩm mỹ phẩm OBAGI ELASTIDERM EYE CREAM do Công ty TNHH một thành viên thương mại xuất nhập khẩu Obagi Việt Nam (địa chỉ: 12-12A Núi Thành, phường 13, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) nhập khẩu và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Lý do là trong sản phẩm có chất cấm sử dụng.

Tại buổi làm việc với nhóm phóng viên báo Thanh tra chiều ngày 18/12, đại diện Cục Quản lý Dược cũng cho biết, theo văn bản thỏa thuận 3 bên ngày 26/9/2024, Công ty Obagi Cosmeceuticals LLC (Mỹ) ủy quyền song song cho Công ty TNHH MTV Thương mại xuất nhập khẩu Obagi Việt Nam và Công ty  Waldencast Việt Nam đồng thời được nhập khẩu, phân phối và công bố sản phẩm nhãn hàng Obagi Việt Nam. Gần đây, ngày 6/11 và 13/11/2024, Công ty  Waldencast Việt Nam đã nộp 49 hồ sơ công bố mỹ phẩm nhãn hàng Obagi. Hồ sơ đã được Cục Quản lý Dược giải quyết theo qui định. Có 40 hồ sơ yêu cầu bổ sung và 9 hồ sơ đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Nhìn lại cả chuỗi sự việc liên quan, có bất thường trong việc kê khai xin cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm của Công ty TNHH MTV Thương mại xuất nhập khẩu Obagi Việt Nam với các sản phẩm của Obagi, trong đó có 3 sản phẩm OBAGI NU - DERM BLENDER, OBAGI SUNFADER, OBAGI-C RX SYSTEM C-CLARIFYING SERUM. Đây cũng là doanh nghiệp đã từng vi phạm trong việc phân phối sản phẩm mỹ phẩm OBAGI ELASTIDERM EYE CREAM có chất cấm.

Xin không bàn đến triết lý kinh doanh trong thời buổi hội nhập quốc tế. Bởi lẽ, Obagi Hoa Kỳ đương nhiên là được hưởng lợi khi mở rộng thị trường ở Việt Nam với nhiều chục triệu người dân có nhu cầu làm đẹp. Tuy nhiên, nếu vì cái lợi đó mà bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng Việt thì các cơ quan chức năng, trong đó đặc biệt là Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cần thận trọng khi cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm cho các sản phẩm của công ty này.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm