Theo Hãng tin AFP, đây là lần thứ 2 bà Boluarte được triệu tập kể từ khi vụ bê bối nổ ra vào tháng 3/2024.

Sau khoảng một giờ thẩm vấn, nữ Tổng thống đã rời Văn phòng Công tố ở trung tâm Thủ đô Lima mà không đưa ra tuyên bố nào.

Bên ngoài tòa nhà được cảnh sát canh gác, hàng chục người biểu tình kêu gọi bà từ chức. Họ phản đối việc bà Boluarte tiếp tục tại vị cho đến năm 2026.

"Chúng tôi không còn có thể hỗ trợ Chính phủ này thêm nữa”, Maria Maldonado, 52 tuổi, nói với AFP.

Cuộc điều tra chống lại nữ Tổng thống nổ ra vào giữa tháng 3 khi một chương trình truyền hình chiếu cận cảnh bà Boluarte đeo chiếc đồng hồ Rolex trị giá tới 14.000 USD.

Với vị trí Tổng thống, bà Boluarte ước tính kiếm được khoảng 55.000 USD mỗi năm.

Giới chức Peru nghi ngờ Tổng thống làm giàu bất chính và không kê khai tài sản cá nhân.

Bà bị cho là sở hữu khoảng 15 chiếc Rolex mà không khai báo khi còn làm Bộ trưởng và Phó Tổng thống Peru từ tháng 7/2021 đến tháng 12/2022. Trong số này, có một chiếc Rolex được đính kim cương trị giá khoảng 19.000 USD.

Tháng trước, Tổng thống Peru đã dành khoảng 5 tiếng để giải trình với các công tố viên về nguồn gốc số đồng hồ Rolex xa xỉ mà bà đeo gần đây. Sau đó, một cuộc họp báo đã được tổ chức tại Lima. Tại đây, nữ Tổng thống cho biết những chiếc đồng hồ được mượn từ người bạn Wilfredo Oscorima (Thống đốc vùng Ayacucho - một đồng minh chính trị của bà). Bà thừa nhận đó là một sai lầm và cho biết đã trả lại chúng.

Để nhấn mạnh lời giải thích, bà Boluarte còn giơ tay đeo đồng hồ, cho hay đó là chiếc Jacques du Manoir mua ở Thụy Sĩ, không phải Rolex.

Tổng thống nói rằng, bà đã đeo những chiếc đồng hồ này với hy vọng sẽ phản ánh tốt về đất nước.

Văn phòng Công tố cũng đang xác minh thông tin về chiếc vòng tay Cartier trị giá 56.000 USD và những món trang sức trị giá hơn 500.000 USD được cho là của bà Boluarte.

Ngoài ra, các khoản tiền gửi ngân hàng khoảng 250.000 USD từ thời bà còn làm bộ trưởng cũng bị điều tra.

Về cáo buộc sở hữu vòng tay và vòng cổ hàng hiệu đắt tiền, trước đó, Tổng thống cho biết, những món đồ được đề cập là đồ trang sức rẻ tiền hơn mà bà đã mua cách đây nhiều năm.

Chính phủ Peru đã hy vọng những giải trình này của bà Boluarte sẽ chấm dứt vụ bê bối, nhưng bà vẫn tiếp tục bị thẩm vấn và đứng trước làn sóng yêu cầu từ chức.

Bà Boluarte cũng đang bị điều tra về tội “tham nhũng thụ động” vì nhận lợi ích không chính đáng từ các công chức nhà nước.

Theo Hiến pháp Peru, các cáo buộc sẽ không dẫn tới một phiên tòa cho đến khi nhiệm kỳ của bà Boluarte kết thúc, dự kiến vào tháng 7/2026, hoặc vào thời điểm bà bị luận tội.

leftcenterrightdel
Các sĩ quan cảnh sát dẫn giải ông Nicanor Boluarte, anh trai của Tổng thống Peru Dina Boluarte, rời khỏi nhà, sau khi ông bị bắt giữ vì cáo buộc lãnh đạo một nhóm lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng, theo Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp ở Lima, Peru ngày 10/5/2024. Ảnh: REUTERS/Gerardo Marin 

Tổng thống Peru hiện phải chịu thêm áp lực, khi anh trai của bà là ông Nicanor Boluarte đã bị bắt hôm 10/5 trong bối cảnh cuộc điều tra tham nhũng riêng biệt.

Cơ quan chức năng nghi ngờ ông Nicanor Boluarte đứng đầu một mạng lưới tham nhũng bổ nhiệm công chức để nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của em gái mình.

Hôm 14/5, Tổng thống Boluarte - người có tỷ lệ ủng hộ là 12% (theo cuộc thăm dò của Ipsos), khẳng định “sẽ tiếp tục cuộc hành trình của mình cho đến ngày 28/7/2026. Bởi vì ở đây, người dân quyết định phiếu bầu tổng thống và theo Hiến pháp, điều này phải được tôn trọng".
Hoài Phương