Đan Mạch với tham vọng trở thành “quốc gia xanh” nhất thế giới

Không chỉ đặt mục tiêu trở thành “quốc gia xanh” nhất châu Âu, Đan Mạch còn có tham vọng đứng số 1 thế giới về phát triển xanh bền vững.

Chính quyền Đan Mạch hướng tới chuyển đổi xanh với 3 trụ cột chính là xe đạp, năng lượng gió và xử lý rác thải.

Cách đây hơn 60 năm, Copenhagen đã hình thành văn hóa đi xe đạp, thông qua tăng thuế xe hơi và khí đốt, đồng thời lắp đặt giá treo xe đạp, làn đường và đèn giao thông.

Đan Mạch là quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ gió và đặt mục tiêu biến Copenhagen trở thành thủ đô trung hòa các-bon đầu tiên trên toàn cầu vào năm 2025.

Quốc gia nổi tiếng hạnh phúc bậc nhất thế giới cũng đã thông qua mức thuế đặc biệt với việc xử lý chất thải, bao gồm cả mức phí xử lý chất thải xây dựng. Đồng thời, chi tiêu công cho các sản phẩm hàng hoá do nhà nước điều chỉnh nhằm giảm thiểu lượng rác sinh hoạt và việc sản xuất quá nhiều bao bì hàng hoá.

Mỹ đưa chính sách chống biến đổi khí hậu thành trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia

Mỹ là một trong những nước đi đầu thế giới về thực hiện chính sách kinh tế xanh, với các biện pháp hỗ trợ tài chính ở quy mô chưa từng có.

Chính phủ nước này đặt mục tiêu đến năm 2025, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 25% lượng phát điện, nhu cầu điện trung bình sẽ giảm 15% vào năm 2030.

Mỹ đã thành lập Cơ quan Triển khai Năng lượng Sạch (CEDA) thuộc Bộ Năng lượng, có chức năng như một “ngân hàng xanh", để huy động và giải ngân vốn đầu tư cho các chương trình năng lượng sạch.

Bên cạnh các chính sách phát triển công nghệ đổi mới, đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn, Mỹ sử dụng bộ chỉ số về phát triển kinh tế xanh để đánh giá và kiểm soát nền kinh tế xanh, các chỉ số như: Điểm hành động và chính sách kinh tế xanh; Thu hồi, sử dụng và lưu trữ các bon; Tiết kiệm năng lượng; Lưu trữ năng lượng; Hiện đại hóa lưới điện; Chuyển đổi chất thải thành năng lượng...

Singapore với Kế hoạch Xanh vạch ra các mục tiêu cụ thể

Singapore được xem như hình mẫu ở khu vực châu Á về phát triển kinh tế xanh ứng phó với biến đổi khí hậu.

Năm 2021, đảo quốc sư tử đã ban hành Kế hoạch Xanh hướng tới năm 2030, vạch ra các mục tiêu đầy tham vọng và cụ thể.

Một “phong trào toàn quốc” được lan rộng khắp Singapore nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự quốc gia về phát triển bền vững và đạt mục tiêu không phát thải ròng "càng sớm càng tốt".

Kế hoạch Xanh có 5 trụ cột chính với sự quản lý của 5 cơ quan là Bộ Giáo dục, Bộ Phát triển Quốc gia, Bộ Môi trường và Bền vững, Bộ Thương mại và Công nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải, được hỗ trợ bởi toàn bộ Chính phủ với các nội dung như: Thành phố trong tự nhiên; Cuộc sống bền vững; Tái tạo năng lượng; Nền kinh tế xanh; Tương lai kiên cường.

Trung Quốc xây dựng hệ thống thuế xanh

Trung Quốc là một ví dụ điển hình về sự cấp thiết lựa chọn tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế xanh. Sau hơn 45 năm mở cửa và phát triển mạnh mẽ theo chiều rộng, bên cạnh những thành tựu to lớn về kinh tế, Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái suy giảm nghiêm trọng, thiếu hụt lớn nguồn tài nguyên và năng lượng cho phát triển kinh tế.

Trung Quốc đã tập trung vào 6 nhóm chính sách chủ yếu: Chính sách về năng lượng; công nghiệp; thị trường tiêu dùng với sự tham gia trực tiếp của khu vực công trong thực hiện các hành động xanh và luật về mua sắm công xanh; chính sách về đầu tư; các chính sách về đổi mới công nghệ xanh trong công nghiệp và năng lượng; cuối cùng là các chính sách quản lý.

Đáng chú ý, Trung Quốc đã xây dựng hệ thống thuế xanh, tăng chi tiêu ngân sách cho sự phát triển nền kinh tế các-bon thấp như: Tăng phí ô nhiễm, tăng phạm vi thu, từng bước thay thế phí ô nhiễm bằng các loại thuế ô nhiễm, bảo đảm nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền…

Hàn Quốc kỳ vọng là 1 trong 5 cường quốc kinh tế xanh của thế giới vào năm 2050

Về phát triển kinh tế xanh, Hàn Quốc thuộc nhóm quốc gia duy nhất được công nhận rộng rãi đã triển khai thực hiện phát triển kinh tế xanh trên quy mô toàn quốc bằng cách thiết lập các mục tiêu đầy tham vọng và thực hiện các kế hoạch hành động. Hội đồng Quốc vụ Hàn Quốc đã thông qua chiến lược tăng trưởng xanh, kỳ vọng đưa Hàn Quốc là 1 trong 5 cường quốc kinh tế xanh của thế giới vào năm 2050.

Hàn Quốc tập trung vào các lĩnh vực được ưu tiên như: tập trung xử lý nguồn chất thải, quản lý nguồn nước thải, triển khai gói Kích cầu xanh…

Đáng chú ý, Hàn Quốc đã ban hành đạo luật xanh. Trên tinh thần đạo luật này, Hàn Quốc cũng đã tiên phong thành lập Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu với chức năng hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong việc thiết lập các chính sách phát triển kinh tế xanh thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc, đưa ra các kết quả nghiên cứu chất lượng cao cho các nhà hoạch định chính sách và xây dựng mạng lưới phát triển kinh tế xanh.
Ngọc Anh