Lo ngại về hiệu quả xử lý các ván liên quan đến tham nhũng

Báo cáo phản ánh tình hình chống tham nhũng tại Ấn Độ tính đến ngày 31/12/2023, nhấn mạnh sự chậm trễ đáng kể trong quá trình xét xử, làm dấy lên lo ngại về hiệu quả và tốc độ của hệ thống pháp luật trong việc xử lý các vụ án liên quan đến tham nhũng.

Báo cáo thường niên năm 2023 của Ủy ban Giám sát Trung ương vẽ nên bức tranh ảm đạm về tình trạng tồn đọng, trì hoãn của các phiên tòa xét xử tham nhũng, với hơn 2.100 vụ án đang chờ xét xử trong thời gian từ hơn 10 năm đến dưới 20 năm.

Bên cạnh đó, 2.188 vụ án chờ xét xử trong thời gian từ 5 - 10 năm; trong khi 875 vụ án bị trì hoãn từ 3 - 5 năm. Và, có 1.379 vụ án đang chờ xử lý trong thời gian dưới 3 năm.

Đáng chú ý, có tới 361 vụ án đã bị trì hoãn trong suốt hơn 20 năm.

Khối lượng lớn các vụ án đang chờ xử lý không chỉ chỉ ra một vấn đề mang tính hệ thống mà còn làm dấy lên mối lo ngại về khả năng công lý bị trì hoãn và trong nhiều trường hợp, bị từ chối.

Ủy ban Giám sát Trung ương lưu ý: “Điều đáng lo ngại là có 2.461 vụ án đã bị trì hoãn hơn 10 năm vào cuối năm 2023”, nhấn mạnh tốc độ chậm chạp của hoạt động tư pháp và nhu cầu cấp thiết về cải cách để đẩy nhanh các phiên tòa.

Thêm vào sự phức tạp, báo cáo của Ủy ban Giám sát Trung ương tiết lộ rằng, tổng cộng 12.773 đơn kháng cáo và xem xét lại, do cả CBI và bị cáo đệ trình, hiện đang chờ xử lý tại các tòa án cấp cao khác nhau và Tòa án Tối cao Ấn Độ.

Báo cáo phân loại các trường hợp này dựa trên thời gian chờ xử lý, với 501 vụ kéo dài hơn 20 năm và 1.138 vụ đang chờ xử lý từ hơn 15 năm đến dưới 20 năm. Phần lớn, 3.850 vụ, đã bị kẹt trong hệ thống pháp luật trong 5 đến 10 năm, trong khi 2.554 vụ án đã bị trì hoãn dưới 2 năm.

Báo cáo cũng tiếp tục làm sáng tỏ sự chậm trễ trong các cuộc điều tra của CBI, với 658 vụ án tham nhũng đang được điều tra. Trong số này, 48 vụ việc đã chờ điều tra trong hơn 5 năm, 286 vụ việc chờ trong thời gian dưới 1 năm.

Cn nhiều nỗ lực hơn nữa trong giải quyết các vụ án tham nhũng

Ủy ban Giám sát Trung ương chỉ ra rằng, các cuộc điều tra dự kiến sẽ hoàn tất trong vòng 1 năm kể từ khi đệ trình vụ việc. Tuy nhiên, một số yếu tố góp phần gây ra sự chậm trễ, bao gồm khối lượng công việc quá lớn, nhân lực không đủ và sự chậm trễ trong việc xin phê duyệt và trừng phạt cần thiết.

Bên cạnh đó, báo cáo nhấn mạnh bản chất tốn thời gian của việc xem xét kỹ lưỡng các hồ sơ đồ sộ, đặc biệt là trong các vụ án kinh tế và gian lận ngân hàng, cũng như những thách thức khi xác định vị trí và thẩm vấn nhân chứng ở những địa điểm xa xôi.

Những hạn chế về nguồn lực mà CBI phải đối mặt cũng được chỉ ra. Có 1.610 vị trí tuyển dụng còn trống so với số lượng được phê duyệt là 7.295 tính đến ngày 31/12/2023.

Trong số những vị trí tuyển dụng này, 1.040 vị trí thuộc cấp điều hành, trong khi 84 vị trí dành cho cán bộ pháp lý, 53 vị trí dành cho cán bộ kỹ thuật, 388 vị trí dành cho nhân viên thuộc bộ... Số lượng lớn các vị trí tuyển dụng còn trống càng cản trở khả năng tiến hành các cuộc điều tra kịp thời và quản lý hiệu quả khối lượng công việc của CBI.

Bất chấp những thách thức này, CBI đã ghi nhận 876 vụ án thường xuyên và các cuộc điều tra sơ bộ vào năm 2023, bao gồm 198 vụ án về hối lộ và 37 vụ án liên quan đến việc sở hữu tài sản không phù hợp với vị trí công việc.

Báo cáo cũng cho thấy những nỗ lực liên tục của CBI nhằm giải quyết nạn tham nhũng, lưu ý rằng CBI đã hoàn tất điều tra 873 vụ án vào năm ngoái.

Tuy nhiên, CBI cần tiếp tục nỗ lực để giải quyết tình trạng tồn đọng các vụ án cần xử lý.

Ngoài ra, báo cáo của Ủy ban Giám sát Trung ương Ấn Độ cũng cung cấp thông tin chi tiết về kết quả của các phiên tòa và bản án.

Trong số 636 vụ án được xét xử tại tòa và có phán quyết được đưa ra vào năm 2023, có 411 vụ đã kết án, trong khi 140 vụ kết thúc bằng việc tuyên trắng án và 24 vụ đã được bác bỏ. Tỷ lệ kết án năm 2023 là 71,47 phần trăm, gần như bằng so với tỷ lệ 74,59 phần trăm được ghi nhận vào năm 2022.

Đức Anh