Một tòa án Bangladesh đã ra quyết định cấm xuất cảnh đối với 17 cựu bộ trưởng và 9 cựu đại biểu Quốc hội từ Chính phủ của cựu Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina. Các quan chức này bị cáo buộc có hành vi trái pháp luật và tham nhũng.

Phán quyết này được đưa ra sau khi Chính phủ của bà Sheikh Hasina sụp đổ vào ngày 5/8, trong bối cảnh đất nước rơi vào bất ổn chính trị. Các cuộc biểu tình bắt đầu bùng phát vào tháng 7 vừa qua do các nhóm sinh viên dẫn đầu nhằm phản đối hạn ngạch việc làm của công chức. Biểu tình đã leo thang thành phong trào phản đối Chính phủ, yêu cầu Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức sau 15 năm cầm quyền.

Bà Hasina đã đã rời khỏi Bangladesh chạy sang Ấn Độ, trong khi một số quan chức cấp cao phải đối mặt với nhiều vấn đề pháp lý, bao gồm cả cáo buộc tham nhũng và giết người.

Thẩm phán đặc biệt cấp cao Mohammad Aslamul Haque của Tòa án Thủ đô Dhaka đã ban hành quyết định cấm đi lại vào chiều ngày 2/9 sau khi Ủy ban Chống tham nhũng (ACC) đệ đơn kiến nghị.

Các công tố viên của ACC, Mir Ahmed Ali Salam và Mahmood Hossain Jahangir, đã xác nhận các hạn chế đi lại đối với 26 cựu quan chức.

Công tố viên Salam tuyên bố, ACC đang điều tra cáo buộc chống lại các cựu quan chức. Họ bị cáo buộc tích lũy của cải bất hợp pháp "không thể tưởng tượng được", thông qua nhiều hình thức hành vi sai trái và tham nhũng.

ACC phát hiện ra rằng, một số cá nhân này đang cố gắng rời khỏi đất nước, thúc đẩy sự can thiệp của tòa án trong việc ban hành lệnh cấm xuất cảnh.

Salam nhấn mạnh, "26 cựu bộ trưởng và cựu đại biểu Quốc hội có nguy cơ bỏ trốn khỏi đất nước. Do đó, lệnh cấm đi lại là cần thiết để ngăn chặn điều này".

Trong số những người bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm có những nhân vật nổi tiếng như cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hasan Mahmud và cựu Bộ trưởng Luật pháp Anisul Huq.

Cuối tuần trước, một lệnh cấm xuất cảnh tương tự đã được áp dụng đối với cựu Bộ trưởng Nội vụ Asaduzzaman Khan cùng gia đình ông và 10 cá nhân khác.

leftcenterrightdel
Cựu Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina. Ảnh: Reuters 
Bà Sheikh Hasina (71 tuổi), là con gái của cựu Thủ tướng Bangladesh Sheikh Mujibur Rahman, người dẫn dắt quốc gia này giành độc lập vào năm 1971. Bà là chính trị gia nổi tiếng vì góp phần chấm dứt chế độ quân chủ và hồi sinh nền kinh tế Bangladesh, nắm quyền 15 năm liên tục trước khi phải từ chức vì cuộc biểu tình.
Ngọc Anh