Sau khi nhận tiền đền bù, gia đình ông Nguyễn Khắc Kiên (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) kiểm tra lại các văn bản có liên quan tới việc thu hồi đất thì phát hiện Quyết định thu hồi số 6276/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm ký ngày 31/12/2007 không áp dụng Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ra ngày 27/1/2006 có hiệu lực pháp luật hơn 1 năm nên đã làm đơn gửi Bộ Tư pháp khiếu nại.
Ngày 23/4/2014, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có Văn bản số 84/Ktr-VB, kết luận: "Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra văn bản theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản đã tiến hành kiểm tra, đồng thời để có thêm cơ sở, Cục đã chủ trì, tổ chức cuộc họp với đại diện cơ quan liên quan như: Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT); Sở TN&MT Hà Nội; Sở Tư pháp TP Hà Nội. Bước đầu nhận thấy rằng, ý kiến phản ánh nêu trên của anh Kiên về Quyết định số 137/QĐ-UBND ngày 30/11/2007 về việc ban hành quy định về bồi thường hỗ trợ (BTHT) và tái định cư (TĐC) trên địa bàn TP Hà Nội trong khi Nghị định số 17/2006 đã có hiệu lực pháp luật hơn 1 năm là có cơ sở".
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã có văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo việc tự kiểm tra, xử lý nội dung không phù hợp của Quyết định số 137 và thông báo kết quả xử lý theo quy định của Chính phủ.
Trong một diễn biến khác, tại Văn bản số 4859 ngày 24/11/2017 của UBND quận Bắc Từ Liêm gửi UBND TP Hà Nội về việc đề nghị xem xét chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án Đề pô xe điện thuộc Dự án Tuyến đường sắt thí điểm TP Hà Nội (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội) trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, cho biết: Tại một số dự án trên địa bàn huyện Từ Liêm trước đây, các hộ gia đình đã được UBND huyện Từ Liêm ban hành quyết định phê duyệt phương án BTHT tại thời điểm Nghị định 84/2007 ngày 25/5/2007 của Chính phủ có hiệu lực và trước thời điểm 1/1/2008 và đã được UBND thành phố xem xét, chấp thuận bổ xung chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm bằng giao đất ở hoặc bằng tiền.
Dự án Khu đô thị Cổ Nhuế: "Đối với các hộ có quyết định phê duyệt phương án BTHT trước ngày 1/1/2008 cũng có khiếu nại về giao đất dịch vụ; Bộ TN&MT có ý kiến việc UBND TP Hà Nội chậm thực hiện chính sách dịch vụ cho những hộ bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp trước ngày 1/1/2008 là chưa thực hiện theo đúng quy định tại Điều 48 Nghị định 84/2007/NĐ - CP (gọi tắt NĐ 84).
Bộ TN&MT đề nghị UBND TP Hà Nội rà soát, xem xét để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với chính sách đặc thù của Hà Nội. Các trường hợp này đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận bổ sung chính sách chuyển đổi nghề và tạo việc làm tại văn bản số 1751/UBND- TNMT ngày 7/3/2013".
Một điểm nữa, trong Văn bản số 225 ngày 6/4/2016 của Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng TP Hà Nội về xem xét việc UBND quận Bắc Từ Liêm đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho các hộ gia đình khi thu hồi đất thuộc giai đoạn 1 của dự án này đã khẳng định: “Liên ngành thống nhất, về pháp lý, theo quy trình thực hiện giải phóng mặt bằng, quyết định phê duyệt phương án BTHT được ban hành sau quyết định thu hồi đất. Các hộ dân được áp dụng chính sách BTHT và TĐC tại thời điểm thu hồi đất”.
Điều đó khẳng định, các hộ dân tại Tây Tựu bị thu hồi đất vào thời điểm tháng 12/2007 thì đương nhiên được hưởng đền bù 80m2 đất ở theo đúng quy định của pháp luật như những hộ dân khác cũng bị thu hồi đất cùng thời điểm tại huyện Từ Liêm (cũ) nhưng hiện tại vẫn bị bác bỏ.
Khi nào "cần" áp dụng Nghị định 84/2007 của Chính phủ?
Trước đó, ngày 28/12/2007, UBND huyện Từ Liêm (cũ) ban hành Quyết định số 5915/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án BTHT và TĐC (đợt II, đồng thời bổ sung tại 2 xã Minh Khai - Tây Tựu cũ), Dự án Đề pô xe điện.
Quyết định trên căn cứ vào NĐ 84, nhưng đến các quyết định thu hồi đất của các hộ dân ở Tây Tựu ban hành ngày 31/12/2007, thuộc dự án này, thì căn cứ NĐ 84 đã bị loại bỏ. Không chỉ phớt lờ NĐ 84 trên giấy tờ, mà quyền lợi của người dân tại dự án cũng bị “khai tử” theo.
Cùng năm 2007, hộ ông Nguyễn Cao Phong, ở xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, bị thu hồi đất tại dự án xây dựng đường vào khu công nghiệp Nam Thăng Long (nối từ đường Hoàng Quốc Việt kéo dài) theo Quyết định thu hồi đất số 4178/QĐ-UBND của huyện Từ Liêm ngày 21/11/2007. NĐ 84 được lấy làm căn cứ để ban hành quyết định này. Tuy nhiên, phương án đền bù lại không đúng quy định của NĐ 84, nên gia đình ông Phong và 3 gia đình khác đã khiếu nại và được công nhận khiếu nại đúng vào năm 2009, được phê duyệt phương án đền bù 80m2 đất ở (do đã mất hơn 30% diện tích đất nông nghiệp theo quy định tại Điều 48, NĐ 84).
Trong khi gia đình ông Nguyễn Khắc Lượng ở Tây Tựu cũng bị thu hồi hơn 30% đất nông nghiệp tại Dự án Đề pô xe điện giai đoạn 1, theo Quyết định thu hồi đất số 6276/QĐ-UBND ngày 31/12/2007, lại không được nhận 80m2 đất ở như quy định của Điều 48, NĐ 84.
Trước NĐ 84, Nghị định 17/2006/NĐ-CP ngày 26/1/2006 của Chính phủ cũng quy định: Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp mà không được Nhà nước bồi thường bằng đất nông nghiệp tương ứng thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm theo quy định: Được giao đất có thu tiền sử dụng đất tại vị trí có thể làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp…
Đến NĐ 84 của Chính phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2/7/2007, tại Điều 48 quy định rõ: Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp trong trường hợp không được Nhà nước bồi thường bằng đất nông nghiệp tương ứng mà không có nguyện vọng nhận bồi thường bằng đất làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp theo quy định tại Khoản 4, Điều 4 Nghị định số 17/2006/NĐ-CP thì được bồi thường bằng giao đất ở có thu tiền sử dụng đất tại khu TĐC hoặc tại vị trí trong khu dân cư phù hợp với quy hoạch” (có hiệu lực đến ngày 13/8/2009 khi có Nghị định 69/2009/NĐ thay thế).
Như vậy, tại thời điểm thu hồi đất tháng 12/2007, việc đền bù hỗ trợ đất dịch vụ cho các hộ dân Dự án Đề pô xe điện giai đoạn 1, phải được thực hiện theo Điều 48, NĐ 84, thế nhưng quyền lợi của người dân theo quy định của pháp luật, đã bị chính quyền UBND huyện Từ Liêm “đánh cắp” dẫn đến nhiều hộ dân bị ảnh hưởng quyền lợi nghiêm trọng.
Và ngày 25/12/2017, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 12347 về việc UBND quận Bắc Từ Liêm đề nghị xem xét chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án Đề pô xe điện thuộc Dự án Tuyến đường sắt thí điểm TP Hà Nội (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội) đã nêu: UBND TP Hà Nội nhận được Văn bản số 4859 ngày 24/11/2017 của UBND quận Bắc Từ Liêm đề nghị xem xét chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án Đề pô xe điện thuộc Dự án Tuyến đường sắt thí điểm TP Hà Nội (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội) trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm.
Về việc trên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo giao Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét, hướng dẫn UBND quận Bắc Từ Liêm thực hiện theo quy định; đề xuất báo cáo UBND TP những nội dung vượt thẩm quyền.
Tính đến Văn bản 12347 thì đã là văn bản thứ 4 mà TP chỉ đạo nhưng với nội dung không có gì khác của UBND TP Hà Nội chỉ đạo về việc này.
"Thành phố cứ chỉ đạo báo cáo, rồi quận, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP lại báo cáo đã tạo thành cái vòng tròn luẩn quẩn trong nhiều năm qua, không đưa ra kết quả giải quyết theo đúng như các quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Không biết vòng tròn này sẽ quay đến bao giờ thì dừng lại", một người dân ngán ngẩm cho hay.
Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Nam Dũng