Để xây dựng đề-pô xe điện thuộc dự án đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội (đoạn Nhổn - ga Hà Nội), ngày 21/9/2006, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1481/QĐ-UB thu hồi 161.892m2 đất tại các xã Tây Tựu, Minh Khai, huyện Từ Liêm (cũ), giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất để giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất.

Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội đã phối hợp với UBND huyện Từ Liêm triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) từ năm 2006 (từ tháng 1 đến tháng 3/2014 phê duyệt 61/290 hộ; đến ngày 31/12/2007 phê duyệt 229/290 hộ) và trải qua nhiều chính sách về bồi thường, hỗ trợ và GPMB.

Theo quy định tại Điều 4, Nghị định 17/2006/NĐ-CP và Điều 48, Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007 của Chính phủ, “các hộ gia đình bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ bồi thường đất ở hoặc nhà tái định cư”.

Trong số các hộ dân bị thu hồi đất của 2 xã Tây Tựu và Minh Khai (nay là phường Tây Tựu và Minh Khai) thì có hơn 100 hộ có quyết định thu hồi đất vào sau thời điểm Nghị định 84 của Chính phủ có hiệu lực thi hành trong thực tế mà số diện tích bị thu hồi lớn hơn 30% diện tích thì nghiễm nhiên họ phải được cấp một xuất đất dịch vụ là 80m2 theo quy định của TP Hà Nội.

Trong Văn bản số 225 ngày 6/4/2016 của Ban Chỉ đạo GPMB TP Hà Nội về xem xét việc UBND quận Bắc Từ Liêm đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho các hộ gia đình khi thu hồi đất thuộc giai đoạn 1 của dự án này đã khẳng định: “Liên ngành thống nhất, về pháp lý, theo quy trình thực hiện GPMB, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ được ban hành sau quyết định thu hồi đất. Các hộ dân được áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định định cư tại thời điểm thu hồi đất”.

Theo các hộ ông Nguyễn Đăng Quế, Nguyễn Đăng Tuyên, Chu Thị Ngân, Nguyễn Trọng Quế và Nguyễn Đức Tĩnh ở Nguyên Xá, phường Minh Khai là những hộ đã bị thu hồi đất và đủ điều kiện được nhận 80m2 đất dịch vụ theo quy định cho biết là họ không hề hay biết gì về việc này cho đến thời gian gần đây qua các phương tiện báo chí, truyền thông đăng tải thì họ mới biết được rằng mình bị thiệt thòi quyền lợi trong nhiều năm qua.

"Chúng tôi là những người nông dân chân nấm, tay bùn thiếu hiểu biết lẽ ra cán bộ của Ban Bồi thường GPMB phải giải thích và thông báo cho chúng tôi biết về quyền lợi của mình nhưng đằng này không thấy ai nói gì nên chúng tôi không hề hay biết", người dân này bức xúc.

Cũng từ sự đấu tranh của một số hộ dân khi biết mình bị ảnh hưởng quyền lợi nghiêm trọng mà ngày 23/8/2011, ông Lê Văn Thư, nguyên Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm (cũ), hiện đang giữ cương vị Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm đã ký Tờ trình số 86 về việc chấp thuận điều kiện bố trí kế hoạch chuẩn bị đầu tư Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ GPMB dự án xây dựng đề-pô, đường vào khu đề-pô tuyến đường sắt đô thị thí điểm (đoạn Nhổn - ga Hà Nội) tại vị trí DD1, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm.

Công văn này đã nêu về sự cần thiết phải đầu tư là: “Để phục vụ công tác GPMB, bố trí tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất nhà ở nằm trong ranh giới dự án xây dựng đề-pô, đường vào khu đề-pô tuyến đường sắt đô thị thí điểm, do vậy việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư tại thôn Thị Cấm, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (cũ, nay là phường Xuân Phương, quận Nam từ Liêm) là hết sức cần thiết và cấp bách”.

Công văn nhấn mạnh, để dự án được triển khai theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và TP, UBND huyện Từ Liêm kính đề nghị UBND TP, Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt chấp thuận điều kiện bố trí kế hoạch chuẩn bị đầu tư cho dự án. 

Thông tin trong công văn còn cho biết là đã “sơ bộ phân lô các hộ dân”.

Từ yêu cầu của huyện Từ Liêm, ngày 16/9/2011, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 7911/UBND-KHĐT chấp thuận điều kiện bố trí kế hoạch chuẩn bị đầu tư của dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư tại vị trí DD1, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm với diện tích là 1,65 ha và tổng vốn (dự kiến) là hơn 52 tỷ đồng từ vốn ngân sách TP cấp. 

Thực hiện chủ trương của TP, ngày 31/10/2012, UBND huyện Từ Liêm đã có Quyết định số 8231/QĐ-UBND phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho dự án xây dựng khu tái định cư này với diện tích đất thu hồi đã tăng lên 17.947,3m2. Kế hoạch thực hiện từ quý IV/2012 - quý II/2013.

Cho đến thời điểm hiện tại, chưa một người dân nào trong những người đủ điều kiện vẫn chưa được nhận 80m2 đất dịch vụ theo quy định. Điều này khiến cho người dân đặt câu hỏi: Diện tích đất và số tiền TP đồng ý trong Văn bản 7911 ngày 16/9/2011 kia bây giờ đang ở đâu?

"Trong khi kế hoạch cụ thể đã được các đơn vị chức năng của huyện Từ Liêm cũ trình đầy đủ phương án, sơ bộ phân lô các hộ dân và đã được TP chấp thuận bằng các văn bản nhưng sao không thông báo cho chúng tôi được biết vậy ai là người sẽ nhận hơn 1,7 ha đất kia, mà tại sao đến bay giờ các ban ngành vẫn còn cứ đùn đẩy cho nhau là lập, rồi trình phương án, chờ phê duyệt phương án là như thế nào? cái phương án năm 2011 đã vứt đi đâu rồi hay là lập khống rồi giờ phải lập lại?..." - đã có rất nhiều câu hỏi được các ông Chu Hữu Đặng, Nguyễn Khắc Ngọc và Nguyễn Thiện Thân ở đội 10 thôn Hạ, phường Tây Tựu cùng nhiều người dân khác có quyền lợi tại đây đang chờ TP Hà Nội trả lời.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Nam Dũng