Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Viết tiếp bài “Dự án xây dựng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh”:

Bồi thường năm 2024 nhưng áp dụng đơn giá, phương án năm 2006 có thỏa đáng?

Minh Nghĩa

Thứ tư, 15/01/2025 - 16:43

(Thanh tra) - Người dân thuộc diện thu hồi đất phục vụ Dự án Xây dựng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đơn giá bồi thường theo phương án năm 2006 là quá thấp, không phù hợp với thực tế và không thể đảm bảo cho người dân tái ổn định cuộc sống...

Toàn cảnh khu vực thu hồi thuộc Dự án Xây dựng Đại học quốc gia. Ảnh: MN

Phải hoàn trả ngân sách Nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng

Trả lời câu hỏi của Phóng viên (PV) Báo Thanh tra liên quan đến tiến độ Dự án Xây dựng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Đình Tứ, Chánh Văn phòng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Chiến lược Phát triển Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 với mục tiêu phát triển khu đô thị xanh, thân thiện và hiện đại. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã phải hoàn trả ngân sách nhà nước gần 2.000 tỷ đồng.

Theo ông Tứ, có 3 nguyên nhân dẫn đến việc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phải hoàn trả ngân sách Nhà nước với số tiền gần 2.000 tỷ đồng.

Thứ nhất, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phải dừng khởi công các công trình xây dựng khi bắt đầu làm điều chỉnh quy hoạch 1/2000, và khi có Quyết định số 790/QĐ-TTg ngày 3/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2.000 trước đó) thì lại xuất hiện thêm yếu tố pháp lý trong việc phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.

Trước đây, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 các dự án thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên sau khi có quyết định phê duyệt mới năm 2023 thì việc ủy quyền hết hiệu lực, việc phê duyệt chi tiết 1/500 chưa được Thủ tướng tiếp tục ủy quyền.

Người dân bị ảnh hưởng tại Dự án Xây dựng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị các vấn đề để TP Thủ Đức giải quyết. Ảnh: MN

Thứ hai, vướng mắc do các quy định về đấu thầu, nhất là đối với hệ thống các trang thiết bị chuyên dụng phục vụ nghiên cứu và phát triển. Ông Tứ cho rằng, việc này ảnh hưởng rất lớn đến công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của gần 100.000 sinh viên và 6.000 thầy, cô giáo, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Thứ ba là khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của 11% diện tích đất còn lại. Theo ông Nguyễn Đình Tứ, tính đến tháng 6/2024, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hồi được 573,07ha trên tổng số 643,7ha, đạt 89,02%. 11% còn lại tập trung nhiều nhất tại khu vực Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Khoa học tự nhiên và Khu Công nghệ phần mềm giai đoạn 2.

“Một số hộ dân chưa có sự chia sẻ, ủng hộ, cố tình chây ì, chống đối, chưa chịu phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác kiểm đếm. Bên cạnh đó, chính sách về đền bù giải phóng mặt bằng thay đổi dẫn đến số tiền dự toán trước đó về giải phóng mặt bằng đã sử dụng hết do giá đền bù tăng, nếu tiếp tục thực hiện phải điều chỉnh tổng mức đầu tư gói đền bù giải phóng mặt bằng. Mà theo quy định mới thì làm rất nhiêu khê”, PGS.TS Nguyễn Đình Tứ, Chánh Văn phòng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Có phải do người dân “cố tình chây ì, chống đối”?

PGS.TS Nguyễn Đình Tứ cho rằng một số hộ dân chưa có sự chia sẻ, ủng hộ, cố tình chây ì, chống đối, chưa chịu phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác kiểm đếm.

Tuy nhiên, tại Công văn số 11399/UBND-BBT ngày 21/11/2024 về việc cung cấp thông tin theo đề nghị của PV Báo Thanh tra, UBND thành phố Thủ Đức không đề cập đến việc chây ì, chống đối của người dân khi tiến hành kiểm đếm. Trái lại, UBND thành phố Thủ Đức khẳng định, đến thời điểm 21/11/2024, dự án cơ bản đã hoàn tất công tác đo đạc và kiểm đếm 1.464/1.464 hồ sơ trên địa bàn phường Linh Xuân và phường Linh Trung thuộc thành phố Thủ Đức (đạt 100%).

Ông Võ Trí Dũng, Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố Thủ Đức thông tin tại họp báo ngày 21/11/2024. Ảnh: TTBC

Theo UBND thành phố Thủ Đức, việc bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất chưa đảm bảo tính liên tục và có kéo dài hơn so với dự kiến là do nguồn kinh phí giải ngân từ ngân sách Trung ương cho dự án có sự hạn chế và sử dụng tập trung, ưu tiên cho một số khu vực trọng điểm nhằm kết nối giao thông theo yêu cầu của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Vấn đề người dân chưa đồng tình đó là chính sách bồi thường. Theo đó, người dân cho rằng bảng chiết tính trị giá bồi thường, hỗ trợ đất và tài sản gắn liền với đất là quá thấp, không phù hợp với thực tế và không đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi; bồi thường đất năm 2024, nhưng áp dụng đơn giá theo phương án năm 2006 là không thỏa đáng.

Trên thực tế, do Dự án xây dựng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh kéo dài nhiều năm, đơn giá phê duyệt năm 2006 không còn phù hợp, mặc dù đã qua nhiều lần điều chỉnh chính sách nhưng mức giá bồi thường, hỗ trợ mà người dân nhận được có sự chênh lệch lớn so với giá thị trường và so với mức giá bồi thường của các dự án lân cận.

Trường hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Nam (địa chỉ tại tổ 18, khu phố 1, phường Linh Xuân, TP Thủ Đức) là một ví dụ. Gia đình ông Nam bị thu hồi 642,6m2 đất, trong đó có 200m2 đất ở và 441,7m2 đất nông nghiệp xen kẽ khu dân cư, nhưng chỉ được bồi thường, hỗ trợ tổng cộng hơn 4,6 tỷ đồng (theo bảng chiết tính giá được lập ngày 4/11/2022). Ông Nam cho rằng, đây là một mức giá quá thấp so với mức giá đất thực tế thị trường hiện tại và không đủ để gia đình ông với 3 thế hệ, 3 hộ ở ghép có đủ chỗ ở, ổn định cuộc sống sau khi bị thu hồi đất.

Liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ Dự án xây dựng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều hộ dân đã làm đơn khiếu nại gửi UBND thành phố Thủ Đức, UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài việc không đồng ý với mức giá bồi thường, người dân còn bày tỏ mong muốn được hoán đổi tái định cư tại chỗ đối với diện tích đất bị thu hồi.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm