Như Báo Thanh tra đã thông tin, hiện nay, việc vận hành lò đốt rác trong thời gian vừa qua khiến dư luận địa phương đang rất quan tâm đến việc, lò đốt rác thải y tế lây nhiễm (đặt tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường chưa?

Trả lời về vấn đề này, ngày 16/7/2024, ông Phan Trí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Petech (thay mặt liên danh nhà thầu) cho biết, hiện nay, báo cáo đánh giá tác động môi trường và giấy phép môi trường của lò đốt rác đang trong quá trình được phê duyệt…

Theo nguồn tin của phóng viên, ngày 4/6/2024, Sở Y tế đã có văn bản gửi Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang về việc hướng dẫn trình tự thủ tục về môi trường cho gói thầu 51.1E Nhà bao che lò đốt rác 1, 2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh (lò đốt rác).

Ngày 14/6/2024, Sở TN&MT tỉnh đã có văn bản phản hồi về việc này.

Dự án “Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang quy mô 1.020 giường” của Sở Y tế được đầu tư xây dựng tại khu đô thị mới (phường An Hòa, thành phố Rạch Giá) đã được Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 548 ngày 13/3/2015. Theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt thì rác thải y tế nguy hại phát sinh từ quá trình hoạt động của bệnh viện sẽ được thu gom, lưu chứa và hợp đồng bàn giao cho đơn vị xử lý rác y tế nguy hại chuyên trách trên địa bàn thành phố Rạch Giá đến thu gom, xử lý hàng ngày.

Đến năm 2017, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang thay đổi phương án xử lý rác thải y tế nguy hại của Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ hợp đồng thu gom, xử lý sang phương án đốt bằng lò đốt rác y tế theo công nghệ Plasma công suất 210kg/giờ. Khu vực lắp đặt lò đốt có diện tích 240m2, được đầu tư xây dựng và lắp đặt tại khu đốt rác tập trung thuộc khu quy hoạch cụm Bệnh viện Lao, Tâm thần, Trung tâm xạ trị tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Vị trí xây dựng, lắp đặt lò đốt Plasma nằm ngoài diện tích xây dựng bệnh viện đa khoa đã được Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

leftcenterrightdel
Việc người dân phản ảnh lò đốt rác hoạt động gây khói, bụi, mùi hôi là đúng... Ảnh: Nhóm PV 

Do hiện nay, lò đốt rác y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và lắp đặt. Sở TN&MT có ý kiến: Trường hợp các nội dung thuộc gói thầu số 51.1E vẫn còn thuộc Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì Sở Y tế cần phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó có cập nhật các nội dung thay đổi so với báo cáo đánh giá môi trường đã được phê duyệt gửi Bộ TN&MT thẩm định và phê duyệt, cụ thể nội dung thay đổi là phương án xử lý rác bằng lò đốt rác y tế theo công nghệ Plasma; lắp đặt tại huyện Châu Thành có diện tích 240m2

Trường hợp, Sở Y tế thực hiện các thủ tục tách nội dung thuộc gói thầu số 51.1E thành dự án mới không thuộc Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì Sở Y tế phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án mới trong đó có nội dung lò đốt rác gửi Bộ TN&MT thẩm định và phê duyệt.

Đối với việc cấp giấy phép môi trường cho lò đốt rác tại huyện Châu Thành, Sở TN&MT cho biết, đối với cả 2 trường hợp trên, Sở Y tế đều phải xin giấy phép môi trường trước khi vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải. Thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Bộ TN&MT...

Trước vấn đề này, nếu việc lò đốt rác thải y tế hoạt động thử nghiệm trong thời gian vừa qua như báo chí đã phản ánh mà chưa có giấy phép môi trường thì sẽ bị xử lý như thế nào? Ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm về việc này?

leftcenterrightdel
 Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang Hồ Văn Dũng trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Kiên Giang... Ảnh: Nhóm PV

Ở một diễn biến khác, ngày 18/7 vừa qua, tại phiên chất của kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Kiên Giang, vấn đề xử lý rác thải y tế, thiếu thuốc, vật tư y tế, lãng phí trong đầu tư y tế được các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, chất vấn. Đặc biệt là về lò đốt rác thải y tế theo công nghệ Plasma do Sở Y tế làm chủ đầu tư khi vận hành đã gây ra khói, bụi, mùi hôi khiến cuộc sống của người dân khu vực xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng…

Trong văn bản trả lời, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang Hồ Văn Dũng đã nhận một phần trách nhiệm về vấn đề này.

“Việc để xảy ra sự cố ngoài mong muốn như báo chí nêu đã làm ảnh hưởng đến người dân sinh sống xung quanh khu vực lò đốt rác, Sở Y tế chia sẻ với người dân và nhận một phần trách nhiệm, đồng thời đã nghiên cứu phương án sớm khắc phục tình trạng nêu trên theo hướng: Sau khi nhận được thông tin có sự phản ánh của người dân, Sở Y tế cũng đã cho dừng ngay việc đốt rác và cho lưu giữ rác còn lại (chưa đốt) theo đúng quy định và trình UBND tỉnh cho đấu thầu xử lý trong tình huống khẩn cấp. Hiện tại, Sở TN&MT tỉnh thành lập tổ kiểm tra giám sát các nội dung xử lý rác thải tại khu vực lò đốt rác Plasma theo chỉ đạo của UBND tỉnh, tổ sẽ tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh trong thời gian tới”, ông Dũng cho biết.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Nhóm PV