Nhiều biểu hiện bất thường

Theo người dân, trong D.A này có những biểu hiện bất thường như: Cùng chung một D.A nhưng việc bồi thường lại không công bằng. Một số gia đình ở xã Minh Khai có quyết định thu hồi ngày 29/11/2007 thì được bồi thường về đất là 162.000 đồng/m2 còn ở Tây Tựu có quyết định thu hồi đất ngày 31/12/2007 nhưng chỉ được bồi thường về đất là 108.000 đồng/m2

Một điều nữa khiến người dân vô cùng bức xúc cũng liên quan đến giải phóng mặt bằng (GPMB) là theo quy định tại Điều 4, Nghị định 17/2006/NĐ-CP và Điều 8, Nghị định 84/2007/NĐ-CP, “các hộ gia đình bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ bồi thường đất ở hoặc nhà tái định cư”. Cụ thể là các hộ sẽ được cấp 80m2 đất dịch vụ.

Việc cấp đất dịch vụ này đã được UBND TP Hà Nội có Văn bản số 7911/UBND-KHĐT ngày 16/9/2011 chấp thuận điều kiện bố trí kế hoạch chuẩn bị đầu tư của D.A xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư tại vị trí DD1, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (cũ) với diện tích là 1,65 ha và tổng vốn (dự kiến) là hơn 52 tỷ đồng từ vốn ngân sách TP cấp. Đến nay, chưa người dân nào được nhận đất dịch vụ như Báo Thanh tra đã thể hiện trong bài viết “Khu đất dịch vụ và hơn 52 tỷ đồng đầu tư giờ ở đâu?” theo quy định của Nhà nước.

Từ đó, người dân đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại lên UBND quận Bắc Từ Liêm và TP Hà Nội nhưng không được giải quyết thỏa đáng.

Văn bản số 21 ngày 31/5/2017 thông báo ý kiến chỉ đạo của ông Đỗ Mạnh Tuấn, Chủ tịch quận Bắc Từ Liêm tại buổi tiếp công dân cùng ngày cũng như trước đó, trong Thông báo số 19 ngày 17/5, Thông báo số 16 ngày 26/4, Thông báo số 15 ngày 19/4 và Thông báo số 14 ngày 12/4 thì lãnh đạo quận đều giao Ban Bồi thường GPMB tham mưu cho quận để trả lời công dân và Ban Bồi thường GPMB quận đang chờ TP chỉ đạo để trả lời người dân. 

Người dân cho biết, Ban Chỉ đạo GPMB TP Hà Nội (khẳng định với dân) đã trả lời Văn bản số 791 của quận Bắc Từ Liêm bằng Văn bản số 262 ngày 25/4/2017. Tuy nhiên, đến ngày 31/5/2017, khi người dân đến hỏi thì cán bộ có thẩm quyền của quận Bắc Từ Liêm trả lời: vẫn chưa nhận được trả lời của thành phố (!?).

Thanh tra Chính phủ vào cuộc, Ngân hàng Phát triển Châu Á lên tiếng

Ngày 16/5/2017, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Nguyễn Đức Hạnh cùng đoàn thanh tra (theo Quyết định số 1103 ngày 8/5/2017 của Tổng Thanh tra) đã công bố quyết định thanh tra tại UBND TP Hà Nội. Theo đó, TTCP sẽ thanh tra làm rõ các nội dung tố cáo của công dân theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đối với D.A đầu tư xây dựng điểm dịch vụ du lịch sinh thái Song Phương thuộc huyện Hoài Đức và D.A đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 3, Nhổn - Ga Hà Nội), TP Hà Nội, cụ thể: Thanh tra toàn diện việc phê duyệt, thu hồi đất, thực hiện D.A để làm rõ các nội dung tố cáo. Đoàn do ông Trần Hữu Lợi, Phó Cục trưởng Cục I làm Trưởng đoàn, có nhiệm vụ thanh tra theo nội dung quy định và kế hoạch tiến hành thanh tra được phê duyệt. Thời gian thanh tra là 40 ngày làm việc thực tế kể từ ngày công bố quyết định.

 

Ngày 23/5/2017, tại báo cáo trả lời kiến nghị cử tri tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp giữa năm 2017 của HĐND quận Bắc Từ Liêm, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Đỗ Mạnh Tuấn đã xác nhận việc Cơ quan Công an Hà Nội ngày 9/12/2016 đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Hữu Khiêm - nguyên Chủ tịch UBND xã, phường Xuân Đỉnh, bà Nguyễn Thị Xuân Hương - cán bộ địa chính xã Xuân Đỉnh và bà Nguyễn Thị Gấm - Chủ nhiệm Hợp tác xã Xuân Đỉnh do “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự và tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” quy định tại Điều 281 của Bộ luật Hình sự.
Mặt khác, trong thư gửi các hộ dân tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm đề ngày 23/5/2017 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có nội dung: “Liên quan thư của các hộ dân đề ngày 8/5/2017 (ADB nhận ngày 16/5/2017) liên quan tới đề xuất đền bù đất ở cho các hộ dân bị mất trên 30% đất nông nghiệp theo Điều 48, Nghị định 84/2007/NĐ-CP cho việc xây dựng đề - pô cũng như việc giá đất không công bằng. Thư và các đề xuất của các ông, bà đã được gửi sang Ban Quản lý đường sắt đô thị (MRB) - chủ đầu tư D.A để họ ghi nhận và có các hành động cần thiết. ADB đảm bảo rằng các nguyên tắc trong tuyên bố về chính sách an sinh (2009) về tái định cư không tự nguyện sẽ được áp dụng với tất cả các D.A do ADB tài trợ”.

 

Thư này cũng được ADB gửi tới ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và ông Nguyễn Cao Minh, Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị.

Từ Bí thư Quận ủy đến Phó Chủ tịch quận đều sai phạm

Từ ngày 24/2 đến ngày 8/5/2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành 2 kết luận (Kết luận số 19/KL-UBND ngày 24/2/2017 và Kết luận số 39/KL-UBND ngày 8/5/2017), trong đó chỉ rõ nhiều sai phạm tại huyện Từ Liêm cũ liên quan đến nhiều cán bộ lãnh đạo của huyện đang đảm nhiệm các vị trí chủ chốt hiện tại ở quận mới Bắc Từ Liêm.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm trước đây là ông Lê Văn Thư, hiện là Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm đã ban hành nhiều văn bản trái quy định pháp luật. Kết luận 19 cho thấy, ông Lê Văn Thư cùng UBND quận Bắc Từ Liêm đã thực hiện nhiệm vụ của UBND TP giao tại Thông báo số 39/TB-UBND ngày 13/3/2014 về việc giải quyết đơn tố cáo của đại diện một số hộ kinh doanh tại chợ Cầu Diễn, huyện Từ Liêm. Tuy nhiên, thực tế với tư cách là người trực tiếp ký văn bản và là người đứng đầu, ông Lê Văn Thư lại không bị xem xét kỷ luật trong khi việc ban hành quyết định sai gây ra hậu quả rất lớn và mang tính chủ quan rất rõ ràng.

Kết luận thanh tra số 19 ngày 24/2/2017 của TP Hà Nội còn chỉ ra hàng loạt sai phạm về công tác GPMB của lãnh đạo và cán bộ quận Bắc Từ Liêm và phường Minh Khai. Trong đó, chỉ rõ ông Nguyễn Kim Vinh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Bồi thường, nay là Phó Chủ tịch quận Bắc Từ Liêm) đã có những sai phạm trong thực hiện GPMB tại Quốc lộ 32 trước đây.

Bên cạnh ông Nguyễn Kim Vinh còn có các lãnh đạo, cán bộ khác của quận Bắc Từ Liêm như ông Nguyễn Văn Sỹ (Chánh Văn phòng UBND quận Bắc Từ Liêm), Vũ Đình Thẳn (Chủ tịch UBND phường Minh Khai) và của Nam Từ Liêm hiện nay.

Một nhân vật khác là ông Lê Văn Việt, nguyên Chủ tịch UBND xã Tây Tựu (nay là phường Tây Tựu) trong vòng 3 năm (từ 2013 - 2016) đã bị Chủ tịch quận Bắc Từ Liêm ký tới 4 kết luận thanh tra về sai phạm nhưng cũng chỉ bị xử lý rất nhẹ và vẫn đang giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Tây Tựu. Điều đó không khỏi khiến dư luận tại địa phương đặt câu hỏi: Liệu có vùng cấm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại quận Bắc Từ Liêm? 

Kết luận thanh tra số 19 của Hà Nội còn yêu cầu kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến phương án bồi thường, hỗ trợ đối với hộ ông Lê Văn Việt tại D.A cải tạo, nâng cấp tuyến đường 1, 2, 3 xã Tây Tựu (trước đây). Đồng thời, kiểm tra, rà soát và điều chỉnh lại phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với hộ ông Việt theo quy định.

Kết luận thanh tra đã nêu UBND TP giao Thanh tra TP theo dõi, đôn đốc, tổng hợp việc thực hiện và báo cáo kết quả về UBND TP.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Nam Dũng