Cùng loại đất, cùng D.A, mỗi hộ được đền bù một giá

Theo phản ánh của ông Nguyễn Khắc Kiên (con trai cụ Nguyễn Khắc Lượng), tháng 12/2007, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm (cũ) có Quyết định số 6276 thu hồi đất thực hiện D.A xây dựng nhà ga đề-pô xe điện Nhổn (D.A đề-pô) tại xã Tây Tựu, thu hồi trên 1.000m2 đất nông nghiệp của gia đình. Theo đó, “Trung tâm Phát triển Quỹ đất có trách nhiệm phối hợp với UBND xã Tây Tựu và các phòng, ban liên quan thuộc huyện lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng và thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của Nhà nước”.

Tuy nhiên, theo ông Kiên, trước đó hơn 9 tháng, tại Quyết định số 600 vào tháng 3/2007, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm đã ra quyết định về việc duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (đợt 5) tại xã Tây Tựu cho D.A đề-pô thuộc tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội đối với 18 hộ gia đình, trong đó có gia đình cụ Nguyễn Khắc Lượng và coi đó là thời điểm phê duyệt phương án chính thức.

Một điều phi lý nữa, cũng một loại đất tại cùng D.A và thời điểm có quyết định thu hồi đất như nhau, nhưng mức đền bù lại khác nhau.

“Gia đình tôi và gia đình ông Nguyễn Ngọc Diễn cùng có quyết định thu hồi đất (12/2007), trong cùng D.A, cùng thời điểm, nhưng hộ ông Diễn lại được bồi thường 162.000 đồng/m2, còn gia đình tôi chỉ được 108.000 đồng/m2”, ông Kiên dẫn chứng.

Ông Kiên cung cấp thêm: Cũng năm 2007, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm ra quyết định thu hồi đất của gia đình ông Nguyễn Long Thăng ở thôn Nguyên Xã, Minh Khai cho D.A đề-pô và ông này không đồng tình nên có đơn khiếu nại. Năm 2009, UBND huyện Từ Liêm đã phải giải quyết quyền lợi cho gia đình ông Thăng với mức đền bù 162.000 đồng/m2, cao hơn mức 108.000 đồng/m2 áp dụng cho nhà tôi và nhiều gia đình khác ở xã Tây Tựu.

Để đảm bảo tiến độ thi công cho D.A sớm đưa vào sử dụng, các gia đình đã chấp hành nhận tiền đền bù và bàn giao đất. Tuy nhiên, do phát hiện phương án bồi thường hỗ trợ không đúng với các quy định nên hơn 80 hộ dân đã đồng loạt gửi đơn kiến nghị đến UBND phường Tây Tựu.

Tổng số diện tích đất mà các hộ gia đình thấy đền bù chưa thỏa đáng là khoảng 150.000m2. Và, với chênh lệch 54.000 đồng/m2 thì số tiền này không hề nhỏ, lên tới vài tỷ đồng.

Đất dịch vụ và tiền tỷ đầu tư đi đâu?

Theo quy định tại Điều 4, Nghị định 17/2006/NĐ-CP và Điều 8, Nghị định 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ, “các hộ gia đình bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ bồi thường đất ở hoặc nhà tái định cư”.

Theo danh sách mà ông Lê Văn Việt, Chủ tịch UBND phường Tây Tựu ký ngày 27/9/2014, trong số 120 hộ dân có đất bị thu hồi có tới hơn 80 hộ gia đình có tỷ lệ đất nông nghiệp bị thu hồi lớn hơn 30%.

Để đảm bảo quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất, ngày 16/9/2011, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 7911/UBND-KHĐT chấp thuận điều kiện bố trí kế hoạch chuẩn bị đầu tư của D.A xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư tại vị trí DD1, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm với diện tích là 1,65 ha và tổng vốn (dự kiến) là hơn 52 tỷ đồng từ vốn ngân sách TP cấp.

Thực hiện chủ trương của TP, ngày 31/10/2012, UBND huyện Từ Liêm (cũ) đã có Quyết định số 8231/QĐ-UBND phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho D.A xây dựng khu tái định cư này với diện tích đất thu hồi đã tăng lên 17.947,3m2. Kế hoạch thực hiện từ quý IV/2012 - quý II/2013.

Kế hoạch là như vậy, nhưng ông Nguyễn Khắc Kiên cho biết, với tư cách là Đại biểu HĐND đương nhiệm của phường Tây Tựu, nhưng ông và những hộ dân bị thu hồi đất không hề hay biết vì không được cơ quan nào thông báo, cho đến thời điểm hiện tại (năm 2015).

Bức xúc trước việc làm phi lý của UBND huyện Từ Liêm, ông Kiên đã đại diện cho các hộ dân có đất bị thu hồi tại D.A trên đã khiếu nại tới UBND TP Hà Nội.

Ngày 29/7/2014, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 5611/UBND-TNMT gửi Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), trong đó lý giải: “Việc TP Hà Nội tiếp tục thực hiện Quyết định số 26/2005/QĐ-UBND khi Nghị định 17/2006 của Chính phủ có hiệu lực là phù hợp, không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người bị thu hồi đất”.

Tuy nhiên, giải thích trên đã bị gia đình ông Kiên kịch liệt phản đối: “Văn bản số 5611 do ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP ký, khẳng định việc thu hồi đất áp dụng Quyết định 26/2005/QĐ-UBND cơ bản không có khiếu kiện là sai sự thật. Gia đình tôi đã gõ cửa nhiều cơ quan, đến cả các cấp tòa của huyện Từ Liêm và TP Hà Nội nộp đơn kiện, nhưng họ tìm mọi cách thoái thác trách nhiệm”.

Công văn số 7911 ngày 16/9/2011 thể hiện việc UBND TP Hà Nội đã chấp thuận cấp quỹ đất rộng gần 1,7ha cho việc xây dựng khu tái định cư cho những hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng phục vụ D.A đề-pô.

Căn cứ vào công văn của UBND TP Hà Nội, ông Kiên đặt giả thiết: Nếu nói rằng những hộ dân bị thu hồi đất trong D.A đề-pô không được hưởng đất dịch vụ, vậy căn cứ nào để UBND TP Hà Nội đồng ý cho huyện Từ Liêm xin đất làm khu tái định cư? Và, huyện Từ Liêm (cũ) đã căn cứ vào đâu để xin số đất trên?

Nếu chia ra, trừ cơ sở hạ tầng thì diện tích ấy đủ cho khoảng 110 - 120 hộ, vậy danh sách đó được lập như thế nào khi rõ ràng không một hộ nào thuộc D.A đề-pô nằm trong diện được đền bù đất, nếu xét theo Quyết định 137?

Ông Kiên đã dẫn chứng và cung cấp những tài liệu thể hiện trên cùng loại đất nông nghiệp được chia theo Nghị định 64/CP nhưng huyện Từ Liêm (cũ) lại áp dụng chính sách cho mỗi địa phương, mỗi hộ gia đình khác nhau.

Đơn cử, hộ gia đình ông Lê Văn Dòng (ở xã Thụy Phương, thu hồi theo Quyết định số 4150/QĐ-UBND của huyện Từ Liêm cũ ngày 21/11/2007) được đền bù 80m2 đất dịch vụ sau khi có khiếu nại theo đúng Nghị định 17/2006.

Trước sự việc trên, đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét giải quyết kiến nghị của các hộ dân, bảo đảm quyền lợi theo quy định của pháp luật cho người dân.

Nam Dũng