Hành trình 20 năm xin cấp GCNQSDĐ

Phản ánh đến Báo Thanh tra, ông Trần Văn Thức (trú tại ấp Lộc Thuận, xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), là người có công với cách mạng và con trong gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng cho biết, đã 20 năm qua gõ cửa nhiều cơ quan, ban, ngành của tỉnh Tây Ninh và Chính phủ, mong được chính quyền cấp GCNQSDĐ cho gia đình ổn định cuộc sống.

Theo đơn của ông Thức, bố ông là Trần Văn Khê, là liệt sĩ chống Pháp. Từ trước năm 1945, gia đình đã khai hóa và sinh sống trên mảnh đất hiện tại và con cháu đang quản lý sử dụng, sinh sống thường xuyên, ổn định với diện tích 79.837m2 tại ấp Lộc Thuận, xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Năm 1976, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Thức tiếp tục khai phá, giữ gìn, tu tạo, sử dụng và sinh sống cùng các con cháu trên mảnh đất mà cha ông đã khai phá cho đến nay.

Ông Thức cho biết: “Năm 1981 đến năm 1985, Xí nghiệp Khai thác cát sỏi tỉnh Bến Tre cùng chính quyền địa phương đến trực tiếp trao đổi với ông để mượn một phần đất để khai thác sỏi phún trên diện tích đất mượn, khi nào không khai thác nữa sẽ trả lại mặt bằng cho gia đình”.

“Đến năm 1985, Xí nghiệp Khai thác sỏi cát dừng hoạt động trả lại mặt bằng cho gia đình tôi, nên năm 1986 gia đình tiếp tục trồng cây tràm trên diện tích đất xí nghiệp đã trả lại đến nay, hiện đã lớn thành rừng, chưa khai thác”, ông Thức cho biết thêm.

Năm 2004, gia đình ông Thức đã làm đơn xin cấp GCNQSDĐ nhưng được UBND huyện Trảng Bàng trả lời không đủ cơ sở để cấp. UBND huyện Trảng Bàng cho rằng, phần đất này được Nhà nước giao cho UBND xã Hưng Thuận quản lý từ năm 1981.

20 năm qua, ông Thức và gia đình nhiều lần kiến nghị, khiếu nại và gửi đơn nhiều nơi, từ cấp Trung ương đến địa phương, nhiều bộ, ngành đã vào cuộc xem xét.

leftcenterrightdel
Con gái ông Thức thay cha chỉ dẫn cặn kẽ mảnh đất của gia đình chưa được cấp GCNQSDĐ. Ảnh: MN 

Ngày 12/10/2010, trong biên bản làm việc của đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường với các ban, ngành tỉnh Tây Ninh và huyện Trảng Bàng có nội dung: “Phần đất 4,9ha ông Trần Văn Thức khiếu nại yêu cầu được cấp GCNQSDĐ (số liệu đo đạc của Sở Tài nguyên và Môi trường là 7,9ha) do ông Trần Văn Khê (cha ông Trần Văn Thức) khai phá, trồng trọt từ trước năm 1945 và từ 1976 ông Trần Văn Thức tiếp tục khai phá sử dụng cho đến nay, hiện trạng có nhiều cây điều và cây tràm đường kính từ 30 - 40cm do ông Trần Văn Thức trồng từ năm 1986. Như vậy, ông Thức có quá trình sử dụng đất này… Căn cứ khoản 4 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003, ông Trần Văn Thức đủ điều kiện được cấp GCNQSDĐ với phần đất ông Thức đang quản lý sử dụng…”.

Ngày 15/2/2017, ông Thức làm đơn khởi kiện UBND tỉnh Tây Ninh đến TAND tỉnh Tây Ninh với hành vi không cấp GCNQSDĐ.

Ngày 8/10/2018, TAND tỉnh Tây Ninh đã bác đơn khởi kiện của ông Thức bằng Bản án hành chính sơ thẩm số 14/2018/HC-ST.

Ông Thức tiếp tục kháng cáo lên TAND Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Bản án phúc thẩm hành chính số 566/2019-HC-PT ngày 19/8/2019 của TAND Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra quyết định: “Xác định hành vi hành chính của UBND huyện Trảng Bàng về việc không cấp GCNQSDĐ trong toàn bộ diện tích 79.837m2 tọa lạc tại ấp Lộc Thuận, xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh là trái quy định của pháp luật”.

“Buộc UBND huyện Trảng Bàng thực hiện hành vi hành chính về việc cấp GCNQSDĐ cho ông Trần Văn Thức đối với các phần diện tích đất ông Thức đã sử dụng hợp pháp trong diện tích 79.837m2 tọa lạc tại ấp Lộc Thuận, xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh theo quy định của pháp luật”.

Sau khi TAND Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định, UBND huyện Trảng Bàng vẫn chưa cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Thức.

Trước đó, gia đình ông Thức nhiều lần gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và được Phó Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh Tây Ninh xem xét, giải quyết đất ở, đất sản xuất để gia đình ông Trần Văn Thức ổn định cuộc sống.

Cần xem xét hỗ trợ đối với gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh Hùng

Trao đổi với PV, bà Trần Thị Gái (con của ông Thức) đã bật khóc khi nghĩ về những người thân của mình đã chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc được thống nhất: “Buồn lắm chú ơi, chỉ mong cho ông được có căn nhà và mảnh đất trước khi mất, ông cũng mãn nguyện”.

Anh Lê Văn Thắng, hàng xóm với gia đình ông Thức (từ trước năm 1975) chia sẻ: “Ông Thức đã khai thác và sử dụng đất để trồng điều từ trước năm 1975, đến khi cây điều đã già và không ra trái được nữa thì ông Thức đã chặt bỏ chuyển sang trồng tràm. Như vậy, trước năm 1975, gia đình ông Thức đã sử dụng mảnh đất này và không tranh chấp gì với ai”.

Để tìm hiểu thông tin, PV đã liên hệ với UBND thị xã Trảng Bàng, UBND xã Hưng Thuận. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 1 tháng địa phương vẫn chưa có phản hồi.

Thiết nghĩ, UBND thị xã Trảng Bàng cần sớm giải quyết những nguyện vọng của gia đình ông Thức, tránh gây bức xúc cho nhân dân trên địa bàn.

PV