Nguồn gốc sử dụng đất từ đâu?
Đơn phản ánh của hàng chục hộ dân có đất bị thu hồi tại dự án cải tạo, mở rộng đường Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung cho biết: Năm 1991, họ là những cán bộ, công nhân thuộc Trung tâm Nghiên cứu Sành sứ và Thủy tinh; Viện Công nghệ xạ hiếm được phân chia cho các phần đất lưu không và UBND xã Nhân Chính giao đất tại đường Nguyễn Tuân thuộc xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm (cũ), nay là thuộc phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân.
Trên các phần đất này, các hộ dân đã tiến hành xây dựng nhà cửa và các ki ốt sinh sống ổn định từ đó cho đến nay. Trong suốt quá trình sử dụng đất, họ đã nộp thuế sử dụng đất đầy đủ cho nhà nước.
Theo Kết luận số 578 ngày 5/9/1996 của Thanh tra thành phố Hà Nội kết luận thanh tra việc quản lý sử dụng đất tại xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm, Hà Nội cho biết: UBND xã Nhân Chính đã giao 992 m2 đất cho 2 đơn vị dọc đường Nguyễn Tuân, trong đó: Trung tâm Nghiên cứu Sành sứ và Thủy tinh với 733m2. Trung tâm đã giao đất cho 14 hộ làm nhà ở, có 11 hộ đã xây dựng nhà mái bằng kiên cố từ 1 đến 2 tầng.
Viện Công nghệ xạ hiếm được giao 259m2 đất, đơn vị đã xây dựng nhà kho và các ki ốt.
Thanh tra thành phố đã chỉ ra những sai phạm trách nhiệm thuộc về cán bộ địa chính xã, chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã Nhân Chính khóa 1990 - 1993.
Kết luận thanh tra không đề cập đến việc thu hồi đất của 2 đơn vị nêu trên.
Thậm chí, Thanh tra thành phố đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội: Đối với một số khu đất khác do lấn chiếm, mua bán chuyển nhượng trái phép về nguyên tắc phải thu hồi đất, nhưng hiện tại Nhân dân đã xây dựng nhà ở, đề nghị UBND thành phố xem xét giải quyết. Nếu nằm trong vùng quy hoạch khu dân cư thì có thể cho hợp thức, nhưng các hộ sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định hiện hành.
Chỉ được đền bù bằng 20% giá trị đất ở do thành phố Hà Nội quy định
Ngày 31/10/2018, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6023 về việc phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường Nguyễn Tuân (đoạn từ đầu ngõ 162 đến nút giao Nguyễn Trãi), tỷ lệ 1/500 địa điểm quận Thanh Xuân.
Cùng ngày 31/10/2018, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu đã ký Quyết định số 3854 về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cải tạo, mở rộng theo quy hoạch tuyến phố Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân với tổng vốn đầu tư hơn 399,1 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách quận. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là hơn 277 tỷ đồng, chi phí xây dựng khoảng 56 tỷ đồng, chi phí dự phòng là hơn 52,2 tỷ đồng…
Đến năm 2022, UBND quận Thanh Xuân đã ban hành các quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cải tạo, mở rộng theo quy hoạch tuyến phố Nguyễn Tuân xác nhận rằng đất các hộ gia đình tự xây dựng chuyển đổi sang làm nhà ở từ sau ngày 15/10/1993 và trước ngày 1/7/2004 nên chỉ được đền bù với đơn giá bằng 20% giá đất ở tại tuyến phố Nguyễn Tuân theo quy định khung giá đất của thành phố Hà Nội phê duyệt và không được xét mua nhà tái định cư.
Người dân bức xúc cho biết: Nhà đất chúng tôi sinh sống có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan Nhà nước cấp trước 15/10/1993, nên được pháp luật bảo hộ, được nêu tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/4/2014 của Chính phủ: "Trường hợp sử dụng đất ổn định mà không phải do lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép thì loại đất được xác định theo hiện trạng đang sử dụng". Phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư quận Thanh Xuân nêu: Đất chúng tôi đang ở là (đất lưu không), từ ngữ này không đúng, không có ghi trong Luật Đất đai qua các thời kỳ nhưng quận Thanh Xuân lấy làm căn cứ để áp dụng bồi thường và không bố trí tái định cư cho chúng tôi.
Trong các hồ sơ giấy tờ đất đai như chúng tôi đã nêu trên, là các hồ sơ tài liệu chứng minh về quyền sử dụng hợp pháp đất đai của chúng tôi được quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013. Tại điểm a khoản 1 Điều 100 quy định: "Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam”.
Tại Điều 4 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ, sửa đổi bổ sung Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau: "Đất có nguồn gốc được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 15/10/1993 và có giấy tờ chứng minh về việc đã nộp tiền cho cơ quan, tổ chức để được sử dụng đất đối với diện tích đất được giao mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người đang sử dụng đất được bồi thường về đất đối với diện tích và loại đất được giao".
Đối chiếu với quy định của pháp luật nêu trên, đất chúng tôi đang sử dụng liên tục hơn 30 năm, ổn định không tranh chấp, được ghi trong tất cả hồ sơ tài liệu đất đai, hồ sơ đóng thuế đất là đất ở đô thị.
Theo đó, người dân đề nghị UBND thành phố Hà Nội và UBND quận Thanh Xuân bồi thường, chi trả 100% giá trị đất, nhà ở đô thị và bố trí tái định cư cho người dân theo văn bản pháp luật hiện hành.
Trả lời báo chí trước đó, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung cho biết, hiện có 11 tổ chức thuộc diện giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ dự án cải tạo, mở rộng đường Nguyễn Tuân đã bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, công tác GPMB đối với 160 hộ gia đình vẫn còn một số tồn tại khó khăn. Cụ thể, hiện đã phê duyệt 121 phương án bồi thường, hỗ trợ đối với hộ dân, còn 39 hộ chưa thể phê duyệt phương án GPMB.
Trong 121 hộ đã phê duyệt phương án, mới chỉ có 64 hộ nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Khó khăn chính nằm ở một số hộ gia đình có nguồn gốc đất là đất lưu không hoặc chưa xác định được nguồn gốc đất.
Một số hộ được Trung tâm Nghiên cứu Sành sứ và Thủy tinh; Viện Công nghệ xạ hiếm tạm giao đất để sử dụng từ nhiều năm trước. Tại quyết định giao đất cũng ghi rõ đây là phần đất lưu không và khi nào Nhà nước thu hồi sẽ không được đền bù.
Song, quá trình triển khai GPMB, nhiều hộ dân vẫn không đồng thuận, làm đơn thư kiến nghị, khiếu nại.
Liên quan đến nội dung đền bù GPMB nêu trên, ngày 20/8/2024, phóng viên Báo Thanh tra đã đến trụ sở UBND quận Thanh Xuân để liên hệ công tác tìm hiểu thông tin, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.