Lãnh đạo quận "bao che" cho sai phạm?

Một lần nữa, dự án nâng cấp đường, rãnh thoát nước thôn Đình, Đông Sen, Hồng Ngự lại bị yêu cầu tiếp tục thu hồi tiếp  hơn 33 triệu đồng do thi công phần cổ rãnh thoát nước không đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt song vẫn nghiệm thu thanh quyết toán khối lượng theo hồ sơ thiết kế.

Trước đó, vào năm 2011, sau kết luận của Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và tố cáo của công dân, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm giao Phòng Tài chính Kế hoạch kiểm tra, rà soát hồ sơ nghiệm thu, thanh quyết toán và chất lượng công trình. Theo đó, xác định tại dự án có một số vật liệu xây dựng công trình không đảm bảo theo đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt (xi măng, nhựa đường), một số hạng mục như khe co giãn, hố ga và rãnh thoát nước chưa thi công đúng kỹ thuật dẫn đến giá trị khối lượng thi công thực tế so với giá trị khối lượng theo hồ sơ thiết kế được duyệt chênh lệch giảm hơn  98 triệu đồng. Từ đó, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm ra quyết định thu hồi số tiền hơn 98 triệu đồng giảm trừ với lý do “thanh toán thừa”.

Công dân cho rằng, đây là hành vi bao che cho việc lập hồ sơ không đúng thực tế thi công (lập sai, lập khống) để rút ruột tiền Nhà nước nên tiếp tục tố cáo lên UBND TP Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ra kết luận cho rằng Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm trước đây kết luận là “thanh toán thừa” là chưa đúng nhưng cũng không kết luận chính thức hình thức “thanh toán thừa” kia chính thức gọi đúng tên là gì?

Tháng 1/2018, qua giám sát, công dân tiếp tục phát hiện ra sai phạm trong thi công cổ rãnh của dự án trên nên đã tố giác tội phạm đến Công an TP Hà Nội.

Thay vì giải quyết theo hình thức tố giác tội phạm, Công an TP Hà Nội lại chuyển nội dung này về cho quận Bắc Từ Liêm.

Một lần nữa, việc lập hồ sơ không đúng thực tế thi công để thanh quyết toán theo thiết kế được phê duyệt không được làm rõ nên công dân tiếp tục có ý kiến kiến nghị gửi báo chí và Công an TP Hà Nội.

Theo công dân, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm đang bao che một cách “thô thiển” cho một cá nhân có nhiều vi phạm quy định của pháp luật. Nguy hiểm hơn là ẩn đằng sau nó là lợi ích nhóm gắn với một công ty đã trúng thầu thi công rất nhiều dự án xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện Từ Liêm trước kia và sâu xa hơn còn là một hành vi vi phạm có tính lặp đi lặp lại tại nhiều công trình trên địa bàn để rút tiền Nhà nước.

Sai phạm từ đầu vẫn cố tình dựng hồ sơ nhiều hạng mục để thanh quyết toán toàn bộ dự án

Dự án nâng cấp đường, rãnh thoát nước liên thôn Đình, Hồng Ngự, Đông Sen thuộc xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội (nay là phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), do UBND xã Thụy Phương làm chủ đầu tư được UBND huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm) phê duyệt báo cáo kỹ thuật tại Quyết định số 5792/QĐ-UBND ngày 12/12/2008.

Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng, thương mại tổng hợp và kinh doanh bất động sản được nêu tên là đơn vị trúng thầu gói thầu xây lắp theo Quyết định số 5872/QĐ-UBND ngày 17/12/2008.

Dự án được triển khai thi công từ ngày 05/1/2009 và hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng ngày 16/4/2009.

Dự án được UBND huyện Từ Liêm phê duyệt quyết toán vốn đầu tư hoàn thành tại Quyết định số 12188/QĐ-UBND ngày 29/12/2009.

Ngay từ khi bắt đầu vào thi công, dự án đã có nhiều vi phạm bị cử tri và đại biểu HĐND cấp xã lúc đó có ý kiến  cả bằng văn bản và phát biểu góp ý tại kỳ họp của HĐND cấp xã.

Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn lập hồ sơ thanh quyết toán chót lọt như thể thách thức dư luận dù công trình thi công sai, chất lượng kém, thể hiện ngay khi nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Quyết định 11459/QĐ-UBND ngày 05/12/2011 của Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm cho rằng thanh toán không đúng thực tế thi công nhưng lại có đủ hồ sơ như thiết kế là “thanh toán thừa”

Từ ngày 16/6/2010 đến ngày 04/3/2011, công dân đã 3 lần gửi công văn tới đích danh Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm là ông Lê Văn Thư để nêu 7 vấn đề sai phạm tại dự án gồm: Không thi công theo bản vẽ được duyệt; dùng xi măng Hữu Nghị thay thế xi măng Bỉm Sơn, Bút Sơn, Hoàng Mai; không có nhựa đường trong khe co giãn, để nguyên gỗ và thậm chí dùng bao tải dứa làm khe co giãn; nhiều đoạn đường không có lớp lót là cát vàng 5cm; các tấm đan không có khe kỹ thuật; nhiều hố ga không đúng quy cách; chất lượng công trình nhiều chỗ không đảm bảo mác bê tông nên đã hư hỏng.

Phải đến lần thứ 3, khi công dân nêu vấn đề nếu Chủ tịch UBND huyện không giải quyết kiến nghị của cử tri thì công dân sẽ có đơn kiến nghị xem xét tư cách ứng cử đại biểu HĐND của Chủ tịch huyện Từ Liêm trong nhiệm kỳ bầu cử 2011 - 2016 đang tới. Lúc đó, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm  Lê Văn Thư mới giao cho Thanh tra xem xét thanh tra đột xuất và mời công dân làm việc với Thanh tra huyện vào ngày 28/4/2011.

Tuy nhiên, ngày 12/5/2011, Chánh Văn phòng UBND huyện thông báo cho công dân biết việc không tiến hành thanh tra đột xuất dự án nữa do dự án đã có quyết định thanh tra của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Các nội dung của công dân sẽ được chuyển cho Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Tại Kết luận số 02/KL-TTr ngày 27/6/2011, Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ một số tồn tại trong việc lập, thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật và dự toán, trong công tác đấu thầu và quyết toán khối lượng công trình, từ đó kiến nghị UBND huyện Từ Liêm chỉ đạo chủ đầu tư, các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát hồ sơ nghiệm thu và thanh quyết toán công trình để đảm bảo thực hiện đúng quy định.

Thiết nghĩ, nếu như Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm tiếp thu ý kiến của công dân đã gửi từ ngày 16/6/2010 thì các sai phạm tại dự án đã được phát hiện và xử lý từ 1 năm trước, không cần phải đợi đến kết luận của Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Mặc dù Thanh tra Sở đã kết luận nhưng UBND huyện Từ Liêm rất chậm chạp trong việc tiến hành xử lý và làm rõ sai phạm.

Phải gần 3 tháng sau khi có kết luận, trước yêu cầu quyết liệt của người tố cáo, Chủ tịch UBND huyện mới ra Văn bản số 1492/UBND-TCKT ngày 06/9/2011 giao Phòng Tài chính Kế hoạch huyện Từ Liêm phối hợp với Phòng Quản lý đô thị và UBND xã Thụy Phương  rà soát lại toàn bộ hồ sơ nghiệm thu, thanh quyết toán dự án.

Hơn hai tháng sau, ngày 18/11/2011, Phòng Tài chính Kế hoạch ra Báo cáo số 33/TC-KH chỉ ra một loạt vi phạm đã bị lập hồ sơ không đúng thực tế thi công như: Xi măng; nhựa đường và vật liệu làm khe co giãn; lớp cát đệm và bê tông mặt đường; tấm đan, hố ga, rãnh thoát nước; trát lan can, đào đất móng, vận chuyển khối lượng, bê tông lót móng, xây móng gạch. Tổng cộng là giảm trừ 98.373.000 mà sau này ông Lê Văn Thư - Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm cho là “thanh toán thừa”.

Tuy nhiên, từ Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư đến kiểm tra, rà soát toàn diện của các phòng chuyên môn vẫn tiếp tục bỏ lọt một phần lộ thiên sai phạm là cổ rãnh của công trình với mức giảm trừ chiếm đến 1/3 số tiền đã phát hiện ra năm 2011.

Như vậy, với các hạng mục sai phạm như nêu trên thì rất nhiều khoản mục công việc đã được nghiệm thu và quyết toán với những bộ hồ sơ không đúng thực tế. Vậy mà dường như cán bộ lại được nhẹ nhàng cho kiểm điểm rút kinh nghiệm, không làm rõ ai đã ký nghiệm thu thực tế và dựng lên các bộ hồ sơ với nhiều hạng mục thi công không đúng đó. Cuối cùng các sai phạm được “đậy lại” bằng một quyết định với một cụm từ bất hủ “thanh toán thừa” trong khi thực tế công trình đã quyết toán xong từ 2 năm trước chứ không phải đang trong quá trình đối khớp công nợ để quyết toán.

 

Bài 2: Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm có tiếp tục bao che cho sai phạm?