Văn phòng Công tố liên bang Bỉ ngày 25/5 cho biết, hoạt động của cựu Phó Chủ tịch EP Eva Kaili không còn cần phải giám sát 24/24 giờ nữa.

“Cuộc điều tra không còn yêu cầu giam giữ bà ấy nữa".

“Việc trả tự do này tuân theo các điều kiện thông thường trong những trường hợp như vậy”, theo tuyên bố của Văn phòng Công tố.

Khi được hỏi về các điều kiện mới áp đặt cho Kaili và liệu bà có thể ra nước ngoài hay không, người phát ngôn của Văn phòng Công tố cho biết, không thể giải thích chi tiết.

Luật sư người Bỉ của Kaili, Sven Mary, nói với tờ POLITICO rằng, ông không biết liệu còn bất kỳ điều kiện nào dành cho bà Kaili hay không.

“Nếu có những điều kiện ràng buộc với việc [trả tự do cho bà ấy], tôi sẽ đưa ra yêu cầu dỡ bỏ mọi điều kiện”, Sven Mary nói.

Eva Kaili là một trong những người đầu tiên bị giam giữ vào tháng 12 năm ngoái, khi cảnh sát Bỉ tiến hành các cuộc đột kích trong cuộc điều tra quy mô lớn về việc liệu các nước ngoài, bao gồm Qatar và Maroc, có hối lộ các nhà lập pháp EU hay không.

Sau khi bị kéo dài thời gian giam giữ nhiều lần, vào giữa tháng 4, bà Kaili đã bị chuyển từ nhà tù sang quản thúc tại gia với thiết bị giám sát điện tử, trong khi chờ xét xử.

Nhà lập pháp Hy Lạp đã bị cách chức Phó Chủ tịch EP sau khi bị bắt giam vào cuối năm 2022 với cáo buộc tham nhũng, rửa tiền và là thành viên của một tổ chức tội phạm. Tuy nhiên, Kaili phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Các công tố viên Bỉ nghi ngờ Kaili nằm trong số những người đã được Qatar và Maroc trả tiền để gây ảnh hưởng trong việc ra quyết định tại EP. Cả hai quốc gia phủ nhận các cáo buộc.

leftcenterrightdel
 Bà Eva Kaili bị cáo buộc nhận hối lộ để thúc đẩy lợi ích của Qatar. Ảnh: Twitter/Ministry of Labour/REUTERS

Vụ bê bối thu hút sự chú ý của dư luận vào cuối năm ngoái, sau khi cảnh sát tiến hành hơn 20 cuộc đột kích, chủ yếu ở Bỉ và Ý. Hàng trăm nghìn euro đã được tìm thấy tại một ngôi nhà và trong một chiếc vali tại khách sạn ở Brussels.

Theo POLITICO, sau khi được dỡ bỏ thiết bị giám sát điện tử, bà Kaili sẽ có thể di chuyển tự do, giống như Nghị sĩ EP người Bỉ Marc Tarabella.

Ông Tarabella gần đây cũng đã được dỡ bỏ sự giám sát theo lệnh của tòa án và được nhìn thấy xuất hiện trở lại EP vào tuần này.

Các luật sư của bà Kaili trước đó đã tuyên bố, cựu Phó Chủ tịch EP sẽ tìm cách tháo chiếc vòng giám sát để tiếp tục nhiệm vụ của mình với tư cách là một nghị sĩ.

Bê bối tham nhũng tại EP, hay còn được gọi là vụ “Qatargate”, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của cơ quan lập pháp EU.

Hồi đầu tháng này, các nhà lãnh đạo EU đã đề xuất các luật mới để tăng cường chống tham nhũng thông qua việc tiêu chuẩn hóa các định nghĩa và hình phạt đối với tội phạm tham nhũng trên toàn khối, cũng như đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với người nước ngoài tham nhũng.

Trong khi đó, chính quyền Bỉ khẳng định đã làm tốt trong xử lý vụ việc, trong bối cảnh có nhiều ý kiến chỉ trích và cuộc điều tra hiện nay đang gặp một số vấn đề về thủ tục.

Ngọc Anh