Theo Hãng tin Reuters, dự thảo luật mới của EU sẽ có hiệu lực nếu được thông qua bởi tất cả 27 quốc gia thành viên, cũng như Nghị viện châu Âu (EP), vốn bị rung chuyển vào năm ngoái bởi vụ bê bối tham nhũng lớn liên quan đến nước chủ nhà World Cup Qatar (bê bối Qatargate).

Một cuộc khảo sát năm 2022 của Eurobarometer cho thấy, 68% công dân trên khắp EU tin rằng tham nhũng đang lan rộng. Chỉ khoảng 1/3 người dân tin tưởng vào các nỗ lực chống tham nhũng.

Bà Vera Jourova, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách về các giá trị dân chủ, cho biết: "Có 2 yếu tố lớn làm giảm lòng tin của người dân vào nền dân chủ. Đó là lạm dụng quyền lực và tham nhũng. Và, không có quốc gia nào ở EU hoàn toàn miễn nhiễm".

"Đó là lý do tại sao chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải hành động", bà Vera nói.

Theo đề xuất, tất cả quốc gia EU sẽ cần điều chỉnh bộ luật hình sự của mình để cân đối các định nghĩa về tội tham nhũng, ngoài nhận hối lộ ra, còn bao gồm biển thủ, lạm dụng chức vụ và làm giàu bất chính.

EC cho biết, việc tiêu chuẩn hóa các định nghĩa pháp lý và điều khoản phạt tù liên quan sẽ giúp ích cho các cuộc điều tra xuyên biên giới.

Các tình tiết tăng nặng được đưa ra sẽ bao gồm trường hợp tham nhũng giữa các quan chức cấp cao và những người thực thi pháp luật, cũng như hành động tham nhũng cho một thế lực nước ngoài, các quan chức EU cho biết thêm.

Các biện pháp phòng ngừa mạnh mẽ hơn bao gồm: thiết lập các quy tắc hiệu quả để báo cáo và xác minh tài sản, xung đột lợi ích trong khu vực công, cũng như liên hệ với khu vực tư nhân.

Ngoài EU, đề xuất này sẽ tạo ra một "danh sách đen" trừng phạt dành riêng cho những người nước ngoài bị coi là tham nhũng.

Quyết định đưa ai đó vào "danh sách đen" đòi hỏi sự nhất trí của 27 thành viên. Những người này sẽ bị cấm đến EU và sẽ bị đóng băng tài sản của họ trong khối theo một chính sách tương tự như Đạo luật Magnitsky của Mỹ.

leftcenterrightdel
 Bà Vera Jourova, Phó Chủ tịch EC phụ trách về các giá trị dân chủ. Ảnh: EC

Theo bà Vera, mua sắm công, các chương trình cư trú và quốc tịch của nhà đầu tư là những lĩnh vực đặc biệt có nguy cơ.

Các lãnh đạo EC hy vọng, khối có thể ban hành các quy định mới trước cuộc bầu cử toàn EU. Mặc dù coi các quan chức EU là công dân bình thường, nhưng dự thảo không nhắm cụ thể vào các tổ chức EU.

Về điều này, bà Vera cho biết, sẽ trình bày đề xuất của mình trong tháng này về một cơ quan đạo đức chuyên trách mới phụ trách 9 tổ chức của EU, bao gồm cả EP, nhằm đặt ra các tiêu chuẩn về việc nhận quà và các chuyến đi cũng như kê khai tài sản.

Theo EC, "các đề xuất chống tham nhũng được trình bày hôm nay đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng ở cấp quốc gia và EU. Ủy ban sẽ đẩy mạnh hành động của mình, dựa trên các biện pháp hiện có, tăng cường nỗ lực lồng ghép công tác phòng chống tham nhũng vào việc thiết kế các chính sách và chương trình của EU, đồng thời tích cực hỗ trợ công việc của các quốc gia thành viên nhằm đưa ra các chính sách và luật pháp chống tham nhũng mạnh mẽ. Thông qua chu kỳ báo cáo pháp quyền hàng năm, Ủy ban cũng giám sát các diễn biến chống tham nhũng ở cấp quốc gia, xác định thách thức và những vấn đề khuyến nghị cho các quốc gia thành viên".

Sau vụ bê bối Qatargate xảy ra năm ngoái, chính quyền Bỉ đã buộc tội 4 người có liên quan đến EP về cáo buộc Qatar chi tiền và quà để gây ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định. Qatar đã phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Ngọc Anh