Khẩn trương thực hiện các trình tự chấm dứt hợp đồng đấu giá núi Ngọc

Sau khi Báo Thanh tra có loạt bài phản ánh liên quan đến núi Ngọc, xã Thọ Cường, cùng với sự tham mưu của các ngành chức năng, ngày 8/4/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã ký Văn bản số 4731/UBND-KTTC gửi Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Sở Tư pháp, UBND huyện Triệu Sơn, Công ty Đấu giá Hợp danh Nhất An Phú, thống nhất với đề xuất của Sở TNMT tại Công văn số 2681/STNMT-TNKS ngày 29/3/2024, dừng đấu giá mỏ đất núi Ngọc, xã Thọ Cường đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án đấu giá tại Quyết định số 4031/QĐ-UBND ngày 31/10/2023.

leftcenterrightdel
 Phóng viên Báo Thanh tra (áo trắng) trao đổi với người dân và Ban Sưu tầm lịch sử Đảng bộ xã Thọ Cường về những chứng tích lịch sử ở núi Ngọc và làng Quần Tín. Ảnh: Văn Thanh

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở TNMT chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, UBND huyện Triệu Sơn, Công ty Đấu giá Hợp danh Nhất An Phú và các ngành, đơn vị có liên quan, căn cứ quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, khẩn trương thực hiện các trình tự thủ tục chấm dứt hợp đồng dịch vụ đấu giá khai thác mỏ đất núi Ngọc, xã Thọ Cường, việc bồi thường thiệt hại (nếu có) và các vấn đề có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của các bên liên quan được thực hiện theo quy định của pháp luật.

UBND huyện Triệu Sơn, theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, căn cứ quy định của pháp luật, tổ chức quản lý, bảo vệ khu vực mỏ đất núi Ngọc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản, đồng thời chủ động tham vấn ý kiến các sở, ngành liên quan để thực hiện các quy trình nhằm gìn giữ, phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước của nhân dân xã Thọ Cường liên quan đến mỏ đất núi Ngọc, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Nhân dân Thọ Cường phấn khởi cảm ơn Chủ tịch UBND tỉnh và Báo Thanh tra

Không giấu nổi niềm vui khi nghe tin Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn ký văn bản đồng ý dừng đấu giá mỏ đất núi Ngọc, biểu tượng tinh thần cách mạng, "hồn cốt" của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Thọ Cường, ông Phạm Khắc Độ, 83 tuổi, cán bộ quân đội nghỉ hưu, thành viên Ban Sưu tầm lịch sử Đảng bộ xã Thọ Cường, phấn khởi cho biết: "Từ khi nghe tin Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản dừng đấu giá mỏ đất núi Ngọc, người dân làng trên, xóm dưới ai nấy đều phấn khởi vì quyết định đúng đắn này. Bao lo lắng, suy tư núi Ngọc bị biến thành mỏ đất và khai thác, bây giờ đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Cảm ơn Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân Thọ Cường chúng tôi.

Đồng thời, ông Phạm Khắc Độ "cảm ơn Báo Thanh tra đã vào cuộc, đồng hành, bảo vệ lẽ phải, đi sâu, đi sát cơ sở, lắng nghe, phản ánh nhiều kỳ báo truyền đạt được những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân Thọ Cường đến bạn đọc cả nước và lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa. Có được kết quả này, ngoài sự cố gắng của người dân, các thành viên Ban Sưu tầm lịch sử Đảng bộ xã Thọ Cường, còn có sự đồng hành, điểm tựa vững chắc là Báo Thanh tra trong suốt thời gian qua".

leftcenterrightdel
 Các đồng chí trong Ban Sưu tầm lịch sử Đảng bộ xã Thọ Cường vui mừng, phấn khởi, cảm ơn Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và Báo Thanh tra đã quan tâm đến nguyện vọng chính đáng, đồng hành phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ảnh: Văn Thanh

Bồi hồi, xúc động khi nhìn thấy văn bản dấu đỏ, mực đen trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký dừng đấu giá mỏ đất núi Ngọc, xã Thọ Cường, ông Lê Khắc Kháng, cựu Bí thư Đảng ủy xã Thọ Cường, nói: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Thọ Cường vui mừng, phấn khởi vì nhận được tin Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân Thọ Cường. Tâm thư gửi Chủ tịch UBND tỉnh là “đặt vấn đề” nói lên những kiến nghị, bức xúc, trình tự nguồn gốc, lịch sử về núi Ngọc. Nay vấn đề đã được Chủ tịch UBND tỉnh “giải quyết” thấu tình, đạt lý, quan tâm, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân.

“Tôi tâm đắc nhất với ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh là giao UBND huyện Triệu Sơn quản lý, bảo vệ núi Ngọc, chủ động tham vấn ý kiến các sở, ngành để thực hiện các quy trình nhằm gìn giữ, phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước của nhân dân Thọ Cường liên quan đến núi Ngọc. Đây là mấu chốt cốt lõi trong việc đấu tranh, bảo vệ núi Ngọc”, ông Kháng vui vẻ nói.

Viện Sử học sẽ về điền dã và tìm hiểu các yếu tố lịch sử về núi Ngọc

Không còn tâm trạng suy tư như trước đây, ông Lê Văn Long, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thọ Cường, cười vui cho biết: Trước đây bức xúc bao nhiêu, bây giờ vui mừng khó tả bấy nhiêu vì núi Ngọc từ trước đến nay được người dân địa phương coi là “hồn cốt”, “điểm tựa”, “niềm tin” và không bao giờ nghĩ núi Ngọc sẽ trở thành mỏ đất để khai thác bán lấy tiền. Từ chỗ đang “yên bình”, bỗng dưng trở thành tâm điểm búc xúc của người dân, vì nhiều năm trước đó, khi tỉnh chuẩn bị quy hoạch mỏ đất núi Ngọc, nhân dân trong xã đã phản đối quyết liệt và chính quyền xã có văn bản không đồng ý nhiều lần.

Chủ tịch UBND xã mới được luân chuyển về địa phương, chưa hiểu hết các yếu tố lịch sử, đã ký văn bản đồng ý cho đấu giá núi Ngọc, là hoàn toàn đi ngược lại với tâm tư, nguyện vọng của người dân. Tại cuộc họp mới đây do Sở TNMT chủ trì với các đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND xã Thọ Cường đã “xin lỗi” và có ý kiến bằng văn bản đề nghị tỉnh không tổ chức đấu giá mỏ đất núi Ngọc.

Giờ đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân. Núi Ngọc sẽ được nhân dân kiến nghị đến các cơ quan chức năng để sớm được công nhận là di tích, nhằm gìn giữ, giáo dục, phát huy giá trị lịch sử cho các thế hệ con cháu mai sau.

leftcenterrightdel
 Thời gian tới, Viện Sử học sẽ về điền dã và thu thập các chứng tích về núi Ngọc và lịch sử làng Quần Tín, xã Thọ Cường để viết thêm những trang lịch sử Đảng bộ địa phương. Ảnh: Văn Thanh

Bà Nguyễn Thị Thanh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thọ Cường, thành viên Ban Sưu tầm lịch sử Đảng bộ xã phấn khởi cho biết: "Quả thật là vui mừng. Đúng là không có báo chí vào cuộc thì không biết mọi việc sẽ đi về đâu. Khi có tin núi Ngọc được đưa vào quy hoạch mang đấu giá, nhân dân Thọ Cường trên khắp mọi miền Tổ quốc đều bày tỏ bức xúc, có lần đã bàn nhau chuẩn bị kéo đến trụ sở UBND tỉnh để phản đối. Thế nhưng, với tinh thần thượng tôn pháp luật, chúng tôi - những cán bộ đã được tôi luyện, trưởng thành từ Đảng - đã vận động, tuyên truyền nhân dân “kìm nén”, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, không tổ chức tụ tập đông người, tránh xảy ra việc gây rối trật tự công cộng, đồng thời chọn con đường viết tâm thư gửi đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Kết quả, nguyện vọng của người dân đã được Chủ tịch UBND tỉnh đáp ứng như mong đợi".

“Sắp tới đây, người của Viện Sử học sẽ về điền dã, tìm hiểu về các yếu tố lịch sử núi Ngọc và làng Quần Tín, để viết thêm những trang lịch sử Đảng bộ xã Thọ Cường trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Quả thật, núi Ngọc là núi quý, nằm trên đất xã Thọ Cường, “Thọ” là sống lâu, “Cường” là kiên cường. Do đó, hai lần tỉnh đưa ra đấu giá núi Ngọc nhưng không thành, do nhân dân kiên cường đấu tranh bảo vệ “hồn cốt” của địa phương”, bà Thanh nói.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Văn Thanh