Quy hoạch núi Ngọc thành mỏ đất mang đấu giá

Mỏ đất được quy hoạch làm vật liệu san lấp ở làng Quần Tín, xã Thọ Cường có diện tích 5,8ha, nằm trong phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản của tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023.

Theo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2023, huyện Triệu Sơn được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2277/QĐ-UBND ngày 28/06/2023, khu đất núi Ngọc được quy hoạch là đất sử dụng cho hoạt động khai thác khoáng sản và có trong danh mục các công trình, dự án thực hiện trong năm 2023.

leftcenterrightdel
Núi Ngọc, xã Thọ Cường được quy hoạch thành mỏ đất đưa ra đấu giá, chính quyền, nhân dân phản đối vì liên quan đến yếu tố lịch sử địa phương. Ảnh: Văn Thanh

Ngày 24/7/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 2629/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đất san lấp xã Thọ Cường, phê duyệt phương án đấu giá tại Quyết định số 4031/QĐ-UBND ngày 31/10/2023 trên cơ sở tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) và ý kiến thống nhất của các ngành, địa phương, trong đó có Văn bản số 426/UBND-TNMT ngày 29/6/2023 của UBND xã Thọ Cường.

Trên cơ sở này, Sở TNMT đã thực hiện các thủ tục có liên quan để thực hiện đấu giá quyền khai thác mỏ đất này.

Theo quyết định phê duyệt phương án đấu giá mỏ đất xã Thọ Cường của UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở TNMT phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, UBND tỉnh và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các cơ quan liên quan về tính chính xác của số liệu tính toán, các nội dung tham mưu, đề xuất trong phương án đấu giá mỏ đất này.

Hai lần đưa ra đấu giá đều phải tạm dừng

Sở TNMT đã lựa chọn Công ty Đấu giá Hợp danh Nhất An Phú (Công ty Nhất An Phú) tổ chức thực hiện đấu giá quyền khai thác mỏ đất làm vật liệu xây dựng san lấp tại xã Thọ Cường.

Trong tháng 12/2023, đơn vị này đã thực hiện xong các thủ tục thông báo, bán hồ sơ, nộp hồ sơ, thu tiền đặt cọc, bỏ phiếu trả giá, thì bất ngờ ngày 27/12/2023, UBND huyện Triệu Sơn có Văn bản 7382/UBND-TNMT gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, đề nghị tạm dừng đấu giá mỏ đất ở xã Thọ Cường. Lý do, vào thời điểm trên, ngày 27/12/2023, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện có Văn bản số 123/VHTT-DT về việc đưa núi Ngọc, xã Thọ Cường vào không gian bảo tồn Di tích “Địa điểm Khu lưu niệm Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam thời kỳ 1947 - 1954.

Trên cơ sở văn bản của UBND huyện Triệu Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi đã có Văn bản 19669/UBND-KTTC, đồng ý tạm dừng đấu giá mỏ đất núi Ngọc, xã Thọ Cường. Đồng thời, giao UBND huyện Triệu Sơn khẩn trương rà soát, đánh giá cụ thể về các yếu tố lịch sử, văn hóa truyền thống liên quan đến khu đất quy hoạch làm mỏ đất làm vật liệu xây dựng.

Trên cơ sở kết quả thực hiện của UBND huyện Triệu Sơn, Sở TNMT chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp và các ngành, đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung công việc tổ chức đấu giá hoặc không tổ chức đấu giá theo thẩm quyền, tham mưu đề xuất những vấn đề vượt thẩm quyền với UBND tỉnh.

leftcenterrightdel
 Thông báo đấu giá mỏ đất núi Ngọc được niêm yết tại trụ sở UBND xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn. Ảnh: Văn Thanh

Sau khi rà soát, ngày 21/02/2024, Sở TNMT Thanh Hóa tiếp tục có Thông báo 1516/STNMT-TNKS gửi Cty Nhất An Phú cho đấu giá mỏ đất núi Ngọc tại xã Thọ Cường.

Ngay sau đó, đơn vị tổ chức đấu giá đã có thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc tổ chức phiên đấu giá.

Tuy nhiên, đến ngày 24/02/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa lại có Văn bản số 2377/UBND-KNTC yêu cầu tạm dừng tổ chức đấu giá mỏ đất xã Thọ Cường, vì nhận được tâm thư của các đồng chí trong “Ban Sưu tầm lịch sử Đảng bộ xã Thọ Cường” về việc không đấu giá, không khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp tại xã Thọ Cường.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cơ quan chức năng đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố lịch sử, văn hóa truyền thống, đồng thời phải ưu tiên tâm tư, nguyện vọng của người dân và đảm đảm bảo an ninh trật tự, chính trị địa phương.

Như vậy, đến nay, mỏ đất núi Ngọc, xã Thọ Cường được quy hoạch, đưa ra đấu giá đến 2 lần nhưng chưa thành công vì “vấp” phải sự phản đối của người dân, chính quyền các cấp từ xã Thọ Cường đến UBND huyện Triệu Sơn. Đa số người dân ở xã Thọ Cường đều cho rằng, việc đưa núi Ngọc là "hồn cốt" của xã quy hoạch thành mỏ đất san lấp để đấu giá là có yếu tố không tôn trọng lịch sử địa phương. Còn cấp tỉnh thì đã quy hoạch núi Ngọc thành mỏ đất san lấp để đưa ra đấu giá. Tuy nhiên, việc quyết định cuối cùng tiếp tục đấu giá hay không tiếp tục đấu giá vẫn phải chờ vào việc kiểm tra của các cơ quan chức năng và quyết định của lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa.

Kỳ II: Người dân và chính quyền “cương quyết” không đồng ý đấu giá núi Ngọc

Văn Thanh