Núi Nưa và núi Ngọc đều là núi thiêng

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh tra, núi Ngọc, xã Thọ Cường từng được in vào trang bìa của cuốn "Lịch sử Đảng bộ xã Thọ Cường" (1954 -2015), đồng thời được nhân dân, các thành viên Ban Sưu tầm lịch sử Đảng bộ xã Thọ Cường coi là “hồn cốt” của địa phương vì có liên quan đến các yếu tố quá khứ của lịch sử.

Tại trang 30 của cuốn "Lịch sử Đảng bộ xã Thọ Cường" viết: “Tích truyền rằng, làng Quần Tín, xã Thọ Cường, trước làng có giếng nước thiêng do cô Tiên khi gánh một bên là núi Ngọc, một bên là núi Nưa, chẳng may bị sa chân mà thành giếng. Tương truyền dưới đáy giếng vẫn còn nguyên hình gót chân cô Tiên in trên khối đá tảng. Cả hai ngọn núi này đều trở thành núi thiêng. Núi Ngàn Nưa là nơi Bà Triệu luyện binh khởi nghĩa, có huyệt đạo Quốc gia linh thiêng; núi Ngọc của xã Thọ Cường là một nơi đầy huyền bí với bao huyền thoại về Bà Triệu, Lê Lợi, từng là địa điểm dã ngoại, huấn luyện tân binh của bộ đội thời chống Mỹ…”

Dẫn phóng viên đi điền dã, đồng thời cung cấp những tư liệu chứng minh, chứng tích về huyền thoại núi Ngọc ở địa phương, bà Nguyễn Thị Thanh, thành viên Ban Sưu tầm lịch sử Đảng bộ, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thọ Cường kể: Làng Quần Tín, có núi Ngọc, là đất địa linh, tương truyền vào thế kỷ 14, sau khi dấy binh ở Lũng Nhai, xã Ngọc Phụng, huyện Ngọc Lặc (nay thuộc huyện Thường Xuân) khi đi qua làng Quần Tín chiêu mộ thêm nghĩa quân để tiếp tục cuộc kháng chiến chống giặc Minh, Lê Lợi và đạo quân khởi nghĩa của mình đã nghỉ tại núi Ngọc, đuợc dân làng đón tiếp ân cần chu đáo, chu cấp lương thảo. Đêm hôm ấy, khi ngủ trên núi Ngọc, Lê Lợi được Thành hoàng làng báo mộng “sáng sớm nhà ngươi ra giếng làng, thấy làn khói bốc lên từ giếng bay về hướng nào thì tiến quân về hướng ấy, ắt sẽ thắng trận”. Quả nhiên, trận ấy nghĩa quân Lam Sơn thắng lớn. Sau này, Lê Lợi trở lại ban sắc phong và đặt tên làng là Quần Tín (nơi hội tụ đức tin và tín nghĩa) vào ngày 10 tháng Giêng. Từ đó, hằng năm, dân làng lấy ngày này làm ngày hội truyền thống của làng và làm lễ rước kiệu từ giếng Tiên lên núi Ngọc.

leftcenterrightdel
 Giếng Tiên ở làng Quần Tín, xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn được nhắc đến cùng núi Ngọc trong truyền thuyết. Ảnh: Văn Thanh

Năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Khu Bốn nói chung, Thanh Hóa nói riêng khi ấy là vùng tự do nên có nhiều cơ quan Trung ương và Hà Nội chọn làm nơi sơ tán. Làng Quần Tín là nơi tập hợp những văn nghệ sĩ lớn của cả nước và là một trung tâm đào tạo cán bộ văn hóa cho công cuộc kháng chiến kiến quốc sau này. Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta thời kỳ 1947 - 1954 như các đồng chí: Trường Chinh, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu… thường lui tới nhà ông Lê Đình Thao, trước đây là ngôi đình cổ của làng, để gặp gỡ và bồi dưỡng chính trị cho các văn nghệ sĩ.

Cũng tại nơi đây, Chủ tịch Xu Pha Nu Vông của nước bạn Lào từng dừng chân một thời gian trong kháng chiến chống thực dân Pháp và được đồng bào làng Quần Tín che chở, bảo vệ tại nhà cụ Thảo Chức (từ tháng 2/1950 đến tháng 2/1951).

Làng Quần Tín còn là nơi “cắm” trụ sở cơ quan của “lưỡng quốc Tướng quân” Nguyễn Sơn và là địa điểm “rèn cán chính quân” của Sư đoàn 320, Sư đoàn 308, đồng thời cũng là nơi tập kết của nhiều đơn vị quân đội đi làm nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Chính quyền và nhân dân kiến nghị không đấu giá núi Ngọc

Tại làng Quần Tín, nhân dân đã che chở, nuôi dưỡng nhiều tài năng văn nghệ cách mạng Việt Nam và là nơi mở lớp văn nghệ kháng chiến đầu tiên, còn gọi là Trường Đại học Văn hóa các khóa 1 và 2, thời kỳ 1947 -1954 do giáo sư Đặng Thai Mai phụ trách cùng với các nhà văn tên tuổi khác như: Nguyễn Tuân, Vũ Ngọc Phan, Trương Tửu, Trần Dần, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Thế Lữ, Hữu Loan, Minh Huệ, Hoàng Trung Thông; các họa sỹ nổi tiếng Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Sỹ Ngọc, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim… Riêng gia đình cụ Vũ Ngọc Phan có tới 12 người từng ở đây; gia đình giáo sư Đặng Thai Mai cũng có 7 người quây quần ở nhà ông Quạch, bà Vọng (nay là nhà bà Lê Thị Cúc).

“Núi Ngọc là nơi các nhà văn, nhà thơ, họa sỹ chọn làm nơi sáng tác những tác phẩm văn học, hội họa. Nhiều tài năng hội họa như Vũ Giáng Hương, Sỹ Ngọc… đều được ươm mầm từ đây.

Nhiều tác phẩm hội họa nổi tiếng như “Tình quân dân” bằng sơn mài của Nguyễn Sỹ Ngọc; “du kích Cảnh Dương”, tranh in đá của Nguyễn Văn Tỵ, Phạm Văn Đôn; “Hạnh phúc”, phù điêu của Nguyễn Thị Kim… đều được ấp ủ, hình thành từ núi Ngọc và làng Quần Tín. Ngoài ra, núi Ngọc còn đi vào thơ ca, hò vè, nhạc sỹ Mai Kiên đã sáng tác thành bài hát từ thập kỷ 80 của thế kỷ thứ XX “Đường rộng thênh thang đưa anh về thăm Thọ Cường - Đi bên núi Ngọc ngắm làng quê biết mấy đổi thay”, bà Nguyễn Thị Thanh, đưa ra minh chứng về lịch sử cho núi Ngọc và làng Quần Tín.

leftcenterrightdel
Danh sách chữ ký đại diện cho nhân dân xã Thọ Cường ký vào đơn gửi các cơ quan chức năng, không đồng ý quy hoạch, đấu giá mỏ đất núi Ngọc. Ảnh: Văn Thanh 

Ông Lê Minh Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Cường cho biết: Vào các năm 2017 đến năm 2019, UBND xã Thọ Cường đã có văn bản không thống nhất khai thác mỏ đất tại núi Ngọc, đến năm 2023, do khu vực mỏ đã nằm trong quy hoạch của tỉnh, được Thủ tướng phê duyệt nên UBND xã mới có văn bản thống nhất việc đấu giá khoáng sản mỏ đất nêu trên. Hiện nay, thể theo nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thọ Cường, UBND xã chúng tôi đề nghị không tổ chức đấu giá mỏ đất này nữa vì liên quan đến nhiều yếu tố truyền thuyết, lịch sử ở địa phương.

Nói về việc UBND tỉnh Thanh Hóa đưa núi Ngọc vào quy hoạch thành mỏ đất đưa ra đấu giá, các ông: Đặng Quyết Chí, Lê Khắc Kháng, Phạm Khắc Độ, Lê Văn Long, đại diện Ban Sưu tầm lịch sử Đảng bộ xã Thọ Cường quả quyết nói: “Làng Quần Tín và núi Ngọc được nhắc đến nhiều trong truyền thuyết, đồng thời trước đây là nơi sinh hoạt, họp chợ, huấn luyện quân sỹ từ thời Lê Lợi rồi đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Do đó, núi Ngọc có giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự và đã đi vào máu thịt, trở thành "hồn cốt" của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Thọ Cường. Ngoài ra, dưới chân núi Ngọc là nghĩa trang tâm linh của 4 thôn trong xã, Ban Sưu tầm lịch sử Đảng bộ và toàn thể nhân dân trong xã đã nhiều lần có đơn thư gửi các cấp có thẩm quyền đề nghị giữ nguyên trạng, không đấu giá, khai thác núi Ngọc linh thiêng này.

“Không hiểu vì sao núi Ngọc vẫn được đưa vào quy hoạch “biến” thành mỏ đất và tổ chức đấu giá như ngày hôm nay. Chúng tôi cương quyết không cho khai thác, không thể coi núi Ngọc là mỏ đất để đấu giá. Do đó, cần đưa núi Ngọc vào quần thể di tích cấp tỉnh đã được UBND tỉnh công nhận “Địa điểm Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam thời kỳ 1947 -1954” để đảm bảo an ninh, chính trị địa phương, đáp ứng tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân xã Thọ Cường. Việc năm 2023, lãnh đạo UBND xã Thọ Cường có văn bản thống nhất việc đấu giá khoáng sản mỏ đất núi Ngọc là không hiểu hết giá trị, ý nghĩa lịch sử, văn hóa, quân sự của núi Ngọc”, các thành viên Ban Sưu tầm lịch sử Đảng bộ xã Thọ Cường kiến nghị.

Kỳ III: Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần ưu tiên xem xét nguyện vọng chính đáng của người dân Thọ Cường
Văn Thanh