Giá khởi điểm cao gấp 4 lần so với Nghị định 67

Mới đây, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa công bố kết quả trúng đấu giá đối với 10 mỏ khoáng sản, trong đó có 1 mỏ cát ở xã Cẩm Ngọc, huyện miền núi Cẩm Thủy, được Tập đoàn Hùng Sơn trả giá trúng tăng 156% đối với giá khởi điểm R = 20%. Nếu mỏ cát này đưa vào hoạt động, nộp đầy đủ các loại thuế, phí cho Nhà nước thì giá cát sẽ tăng cao đột biến.

Chỉ làm một phép tính sơ bộ, đối với giá cát bê tông, 1m3 cát phải nộp thuế tài nguyên bằng 245.000 x 15% = 36.750 đồng/m3; phí bảo vệ môi trường bằng 5.500 đồng/1m3; tiền trúng đấu giá R = 156% bằng 245.000 x 156% = 382.200 đồng. Cộng các loại thuế, phí, đấu giá 1m3 cát bằng 424.450 đồng, cộng với thuế VAT tại bãi tập kết bằng 10% là 466.895/1m3. Đây mới chỉ là tổng giá thành 1m3 cát bê tông tại bãi, chưa có thuế thu nhập doanh nghiệp, chưa có chi phí sản xuất, công hút, máy xúc...

leftcenterrightdel
 Tỉnh Thanh Hóa đưa ra đấu giá mỏ cát vật liệu xây dựng thu tiền cấp quyền khai thác ban đầu là R=20%. Ảnh: Văn Thanh

Tương tự, đối với cát xây dựng được tính là 100.000 đồng/m3, cộng với thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, giá trúng đấu giá thì giá gốc tại bãi tập kết đã có VAT là 194.150 đồng/m3, chưa tính thuế thu nhập doanh nghiệp, chi phí sản xuất, chi phí nhân công, máy xúc…

Với cách tính này thì giá cát bê tông, cát xây dựng sẽ tăng đột biến và cao hơn nhiều so với việc công bố giá hàng quý của Liên Sở Xây dựng - Sở Tài chính làm cơ sở cho các địa phương thanh quyết toán các công trình trong thời gian qua.  

Theo tìm hiểu được biết, sở dĩ trên địa bàn áp dụng R=20%, là do ngày 17/8/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 3029/2017/QĐ-UBND về quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh, trong đó, tại Điều 3, giá khởi điểm, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với cát làm vật liệu xây dựng (trừ cát nhiễm mặn) áp dụng R = 20%. Đây là mức giá quá cao, khiến các mỏ cát đấu giá trong thời gian qua bị đẩy giá lên cao, nhiều doanh nghiệp trúng đấu giá nhưng không dám đầu tư khai thác, phải trả lại mỏ cho Nhà nước.

leftcenterrightdel
Nhiều tỉnh, thành trên cả nước khi đấu giá các mỏ cát đều thực hiện theo Nghị định số 67/2019 của Chính phủ, thông báo mức giá cấp quyền khai thác mỏ cát áp dụng R=5%. Ảnh: Văn Thanh

Trong khi đó, Nghị định 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ quy định về phương pháp tính mức thu tiền cấp quyền khai thác khoảng sản vật liệu cát, sỏi lòng sông R = 5%. Như vậy, sau khi Nghị định 67 của Chính phủ được ban hành gần 3 năm, tỉnh Thanh Hóa vẫn không sửa đổi Quyết định số 3029/2017 về đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh mà vẫn áp dụng R = 20% để tính giá khởi điểm đấu giá các mỏ cát, cao gấp 4 lần so với quy định của Nghị định 67 để đấu giá mỏ cát ở xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy.

Cần sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định năm 2017 của UBND tỉnh

Theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ tỉnh Thanh Hóa đưa ra đấu giá lấy giá khởi điểm R=20% ở các mỏ cát. Một số tỉnh, thành khác khi đưa ra đấu giá mỏ cát đều lấy giá khởi điểm R=5% theo Nghị định 67.

Năm 2020, UBND tỉnh Quảng Bình đưa ra đấu giá mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại thôn Thọ Đơn, phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, diện tích 4,55ha, giá khởi điểm được xác định bằng mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (R) quy định tại phụ lục I, Nghị định số 67 với R = 5%.

Ngoài ra, một trường hợp khác ở tỉnh Bình Định, ngày 11/8/2020, UBND tỉnh có Quyết định số 3292/QĐ-UBND phê duyệt giá khởi điểm, tiền đặt trước để lập kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ cát tô tại thôn Xuân Bình, Xuân Phương, xã Mỹ An, huyện Phú Mỹ; mỏ cát tô tại thôn Chánh Thiện, xã Cát Thành, huyện Phù Cát; mỏ cát tô tại lô A1, Khu công nghiệp A của Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Nhơn Hội. Tất cả giá khởi điểm của các mỏ cát này đều được UBND tỉnh Bình Định xác định R=5% mức thu tiền cấp quyền khai thác theo quy định tại phụ lục I, Nghị định số 67…

leftcenterrightdel
 Tại tỉnh Bình Định, các mỏ cát vật liệu xây dựng khi đưa ra đấu giá đều có mức thu tiền cấp quyền khai thác R=5% theo đúng tinh thần Nghị định 67/2019 của Chính phủ. Ảnh: Văn Thanh

Mới đây nhất, ngày 29/12/2022, TP Hà Nội có Quyết định 5275/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn năm 2023. Theo đó, ban hành kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn, trong đó tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 điểm mỏ cát đợt 1, gồm mỏ Liên Mạc (Thường Cát), phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm; mỏ Tây Đằng, Minh Châu, thị trấn Tây Đằng, xã Minh Châu, huyện Ba Vì; mỏ Châu Sơn, xã Châu Sơn, huyện Ba Vì; mỏ Cổ Đô 1, Cổ Đô 2, xã Cổ Đô và mỏ Thanh Chiểu, xã Phú Cường, huyện Ba Vì. Tất cả các mỏ cát này đều được TP Hà Nội dự kiến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản quy định tại Điều 5, Nghị định 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ là R=5%.

Thiết nghĩ, tỉnh Thanh Hóa cần sớm sửa đổi hoặc hủy bỏ Quyết định số 3029/2017/QĐ-UBND cho phù hợp với Nghị định 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ.

Có điều chỉnh hoặc sửa đổi “đối với giá khởi điểm cấp quyền khai thác cát” thì việc đấu giá các mỏ cát trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mới đi vào quy củ, công bằng, khách quan, từ đây, giá cát mới thực sự đi về giá trị thực, góp phần làm giảm các điểm nóng, hạ nhiệt giá vật liệu xây dựng.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Văn Thanh