Cần đưa giá vật liệu xây dựng về đúng thực tế

Có lẽ chưa lúc nào vấn đề giá vật liệu xây dựng (VLXD) cát, đất, đá tăng cao lại được đưa ra bàn luận như thời điểm này. Doanh nghiệp làm vốn Nhà nước càng làm càng lỗ, bất đắc dĩ phải phản ánh đến các cơ quan chức năng. Chính quyền tổ chức các hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp và các ban, ngành chức năng đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn về giá cả VLXD cho doanh nghiệp.

Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 21/3/2023, ông Mai Xuân Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa phát biểu: Trong quá trình thi công tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, nguồn VLXD trên địa bàn tỉnh bị “vỡ trận”, nguồn cung thiếu, các doanh nghiệp tự hại nhau, đẩy giá lên. Công ty chúng tôi làm một tuyến đường cao tốc mà lỗ tới hơn 200 tỷ đồng tiền mặt do giá VLXD tăng cao. Việc giá VLXD chênh lệch so với giá công bố thực tế của liên ngành Xây dựng - Tài chính, đây là quyền lợi, lợi ích của các doanh nghiệp nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn ngại nói, kiến nghị. Việc này, giám đốc các sở, ngành đều biết cả, do đó trách nhiệm phải báo cáo cấp trên làm sao cho đúng, đủ để tìm hướng tháo gỡ, giải quyết cụ thể cho doanh nghiệp. Tới đây, nếu các chủ mỏ không thực hiện đúng quy định về việc giá cả như đã báo cáo thì chắc chắn sẽ có nhiều bất chắc.

leftcenterrightdel
Giá vật liệu xây dựng tăng cao trong thời gian qua đã khiến nhiều công trình đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chậm tiến độ. Ảnh: VT 

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Lê Bá Hùng, Phó Trưởng ban Quản lý Dự án (QLDA) đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa khẳng định: Giá VLXD theo giá công bố của liên ngành Xây dựng - Tài chính hầu hết các doanh nghiệp đều có phản ánh là thấp hơn so với giá thị trường. Tuy nhiên, khi tổ chức họp không có cơ sở để thông báo giá cao vì khi cơ quan chức năng có văn bản hỏi giá bán đối với các chủ mỏ VLXD thì chỉ số ít chủ mỏ trả lời về vấn đề này nên liên ngành không có cơ sở để công bố.

Trong khi đó, việc áp dụng thu thuế cũng có bất cập vì không có cơ chế hai giá, ví dụ trong thuế tài nguyên Bộ Tài chính quy định thu 49.000 đồng/1 khối đất (giá cứng). Trên cơ sở này, UBND tỉnh cũng ban hành văn bản thu 49.000 đồng/1 khối. Do đó, chủ mỏ có bán giá thấp hơn thì vẫn phải nộp 49.000 đồng/1 khối, còn chủ mỏ có bán giá cao hơn thì trong hóa đơn cũng chỉ xuất ra 49.000 đồng/1 khối. Do đó, rất khó kiểm soát việc chủ mỏ, nhà xe mua bán, xuất hóa đơn thực tế một đằng, giá VLXD đến tận chân công trình lại một nẻo dẫn đến việc giá cả tăng cao.

Nhiều mỏ vật liệu xây dựng vướng các thủ tục hành chính

Thời điểm này nhà thầu nào đấu thầu trúng các công trình giao thông theo hình thức chọn gói, không điều chỉnh giá thì chắc chắn làm là lỗ. Đối với các gói thầu có điều chỉnh về giá, lại phụ thuộc vào việc công bố giá của liên ngành Xây dựng - Tài chính, nếu công bố giá không sát với thị trường thì các doanh nghiệp vẫn lỗ. Chúng tôi nhận được rất nhiều phản ánh của doanh nghiệp về vấn đề giá VLXD tăng cao, thế nhưng khi yêu cầu cung cấp hồ sơ, chứng từ để báo cáo với liên ngành thì lại không có hóa đơn tại mỏ mà chỉ có hóa đơn của các đơn vị vận tải vận chuyển đến tận chân công trình. Chúng tôi không có chức năng yêu cầu đơn vị vận tải xuất trình hóa đơn mua đất, đá, cát nên không có cơ sở để báo cáo liên ngành Xây dựng - Tài chính để điều chỉnh về giá - ông Lê Bá Hùng nói.

“Hiện nay, các dự án liên quan đến phần đường giao thông ít doanh nghiệp làm vì liên quan đến giá đất, cát, đá tăng cao nên tiến độ các công trình đều chậm do nhà thầu thi công cầm chừng. Chủ đầu tư chúng tôi cũng nhiều lần họp yêu cầu các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, đồng thời phê bình, cảnh cáo nhiều nhà thầu ở đường ven biển, các huyện Nga Sơn, thị xã Bỉm Sơn … những tiến độ vẫn không được cải thiện là mấy”,  Phó Trưởng ban QLDA đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa cho biết thêm.

leftcenterrightdel
 Nhiều mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh chưa được thuê đất do nhiều nguyên nhân dẫn đến một phần đã làm khan hiếm vật liệu xây dựng trên địa bàn. Ảnh: VT

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh tra, nguyên nhân khan hiếm VLXD, giá cả tăng cao trong thời gian qua ở Thanh Hóa có phần vướng mắc trong hồ sơ, thủ tục pháp lý của khoảng hàng chục mỏ đất, cát, đá chưa được tỉnh cho thuê đất để đưa mỏ vào hoạt động khai thác do nhiều nguyên nhân, trong đó có mỏ cát của Công ty Ngọc Tâm Bình, Công ty Đức Thúy, Công ty Cường Mạnh, Công ty Linh Nam Giang, Công ty Minh Thịnh… Do đó, nhiều đơn vị xây dựng, sản xuất phải mua cát ở tỉnh Nghệ An về phục vụ cho các công trình nên cước phí phát sinh nhiều, giá thành tăng cao.

Về việc này, ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định: “Đúng là có việc này, nguyên nhân là do các đơn vị chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản từ đơn vị này sang đơn vị khác nên việc thuê đất phải thay đổi chủ thể; có đơn vị thì nợ thuế, có đơn vị thì vướng chưa có trong kế hoạch sử dụng đất… nên không đủ điều kiện cho thuê đất. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 60 mỏ đất, đá, cát đang gặp phải tình trạng này”.

Tỉnh Thanh Hóa đang “lay hoay” tìm hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhiều vấn đề cho doanh nghiệp, trong đó có việc phòng cháy chữa cháy, giá cả VLXD tăng cao trong thời gian qua.

Văn Thanh