Bắt “thổ phỉ” cát dưới sông

Trước tình trạng nhiều nơi diễn ra tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản đất, đá, cát trái phép, gây nhiều hệ lụy về môi trường và thất thoát tài nguyên khoáng sản, nguồn thuế của Nhà nước, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương cấp dưới thực hiện nghiêm việc giám sát và kiểm tra nghiêm túc những vụ việc vi phạm về khai thác tài nguyên trái phép nhưng vẫn không đủ sức răn đe. Do đó, lực lượng công an đã thành lập các chuyên án thực hiện điều tra các vi phạm, bắt “thổ phỉ” khai thác cát dưới sông và khai thác đá trái phép ở trên núi.

Giữa năm 2022, dưới áp lực của dư luận cùng với thông tin phản ánh của nhân dân, tổ công tác của Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện bắt quả tang 5 tàu đang có hoạt động khai thác cát trái phép ngoài khu vực mỏ cát 41 thuộc địa bàn thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác cho Công ty Cổ phần Thương mại Đức Lộc, đóng trên địa bàn TP Thanh Hóa. Xét thấy tính chất nghiêm trọng của vụ án, công an đã đề nghị Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hoá đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo. 

leftcenterrightdel
 Lực lượng Công an Thanh Hóa lập chuyên án bắt giữ các tàu khai thác cát trái phép ở khu vực mỏ 41 thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định. Ảnh: VT

Ngày 29/6/2022 Công an Thanh Hóa đã xác lập Chuyên án truy xét số 119R để tập trung để điều tra, làm rõ. Kết quả đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Thị Thoan, ngụ thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định; Trịnh Xuân Thành, ngụ xã Yên Trường, huyện Yên Định (là con rể bà Thoan) và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú Nguyễn Trọng Giang, ngụ xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc về tội “vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên".

Theo công bố của cơ quan công an, chỉ trong một thời gian ngắn từ tháng 1/2022 đến ngày 12/6/2022, các đối tượng nói trên đã chỉ đạo, điều hành hoạt động khai thác cát trái phép với số lượng lên đến 290.000m3, vượt gấp 3 lần tổng trữ lượng mỏ cát số 41 được phép khai thác trong 10 năm 10 tháng, vượt gấp 30 lần công suất mỏ 41 được phép khai thác trong năm 2022, thu lời bất chính số tiền lớn và gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước trong việc quản lý thu thuế tài nguyên. Đây cũng là vụ án điển hình của Công an tỉnh Thanh Hóa về việc bắt “thổ phỉ” cát dưới sông được dư luận đánh giá cao.

Trị “đá tặc” trên núi

Bên cạnh việc đối phó với nạn “cát tặc” trên sông, để răn đe các đối tượng khai thác đá trái phép ở các mỏ đá đã được cấp phép, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã tiến hành kiểm tra, xử lý hình sự và hành chính hàng loạt chủ mỏ vi phạm.

Tháng 1/2023, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can đối với Nguyễn Xuân Phượng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tân Hải và con trai là Nguyễn Minh Hải. Cả hai ngụ ở huyện Hà Trung về tội “vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên xảy ra tại mỏ đá thuộc địa bàn xã Hà Tân, huyện Hà Trung.

Kết quả điều tra của công an, từ năm 2017 đến nay đối tượng Nguyễn Xuân Phượng đã chỉ đạo con trai Nguyễn Minh Hải cùng với các công nhân khai thác khoáng sản không có giấy phép với tổng khối lượng 480.617,9 m3 trị giá khoáng sản theo quy định giá tính thuế sau nổ mìn, đá xô bồ của UBND tỉnh Thanh Hoá là hơn 33 tỷ 643 triệu đồng. Đây là khu vực núi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác, số lượng khoáng sản đá bị mất đi không hề nhỏ và số tiền doanh nghiệp thu lời bất chính rất lớn, khiến dư luận cực kỳ bức xúc.

leftcenterrightdel
 Cơ quan chức năng khám xét, kiểm tra tài liệu liên quan đến vụ án khai thác đá trái phép của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Tân Hải ở mỏ đá thuộc địa phận xã Hà Tân, huyện Hà Trung. Ảnh: VT

Ngoài Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tân Hải khai thác đá trái phép bị xử lý hình sự, cuối năm 2022 Công ty TNHH Hoàng Tuấn, trụ sở Khu Công nghiệp Hoàng Long, TP Thanh Hóa cũng bị công an đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt 800 triệu đồng vì đã thực hiện hành vi khai thác khoáng sản vượt công suất được phép khai thác hằng năm nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản từ 100% trở lên (vượt 119,59%) tại mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng ở xã Hà Tân, huyện Hà Trung.

Công ty Cổ phần Xây dựng Trường Sơn, trụ sở núi Vạc, thôn Tân Sơn, xã Thiệu Ngọc, huyện Thiệu Hóa bị UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt 120 triệu đồng vì khai thác khoáng sản vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp phép khai thác với diện tích 4.883m2 tại mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường và đất san lấp tại xã Thiệu Ngọc.

Mới đây nhất, ngày 31/1/2023, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại dầu khí Thành Phát cũng bị UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt hành chính 250 triệu đồng vì đã thực hiện khai thác khoáng sản vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản từ 25 đến 50% (vượt 40%) đối với mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn…

Ngoài những đơn vị nói trên, hiện nay Công an tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện kiểm tra, điều tra dấu hiệu vi phạm ở nhiều mỏ đá, mỏ đất trên địa bàn do liên quan đến việc khai thác tài nguyên trái phép, ngoài vị trí cấp phép, kê khai, xuất hóa đơn chứng từ không rõ nguồn gốc… để lập lại trật tự an ninh trên địa bàn.

Kỳ II:  Doanh nghiệp “dọa”trả dự án do giá đất cát tăng phi mã

Văn Thanh