Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ II: Doanh nghiệp “dọa” trả dự án do giá đất cát tăng phi mã

Văn Thanh

Thứ hai, 13/02/2023 - 07:00

(Thanh tra) - Việc siết chặt quản lý về khai thác khoáng sản ở các mỏ đất, đá, cát đã giảm dần việc khai thác thổ phỉ. Thế nhưng, thời gian qua lại xuất hiện tình trạng giá cát, đất, đá tăng phi mã, khiến người dân phải gánh chịu. Doanh nghiệp làm không có lãi “dọa” trả dự án hoặc thi công cầm chừng, tạo không khí u ám trong ngành Xây dựng.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn chạy qua xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa cần lượng đất lớn để đắp đường. Ảnh: VT

Doanh nghiệp "dọa” trả dự án, việc chưa có trong tiền lệ

Giữa năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giá nguyên vật liệu đá, đất, cát phục vụ cho các công trình dân sinh và công trình Nhà nước bỗng dưng tăng phi mã. Nguyên nhân chính được xác định, cơ quan chức năng siết chặt quản lý dẫn đến nguồn cát, đất, đá không còn khai thác “thổ phỉ”, các điểm mỏ chỉ khai thác theo trữ lượng được cấp phép dẫn đến khan hiếm nguồn cung, không đủ cung cấp cho các công trình, tuyến đường giao thông trọng yếu, người dân xây dựng thông thường trên địa bàn.

Một phần nguyên nhân là do giá xăng dầu tăng, cơ quan chức năng tiến hành tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm việc kiểm soát tải trọng xe, các nhà xe phải cắt cơi thành thùng, chở đúng quy định được cấp phép.

Chỉ tính riêng trong năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã xử phạt 7.047 xe vi phạm tải trọng, thu nộp ngân sách Nhà nước 37,7 tỷ đồng. Đây cũng là con số xử lý kỷ lục từ trước đến nay. Do đó, đã dẫn đến việc giá vận chuyển tăng, giá đất, cát, đá cũng tăng theo do cung đường vận chuyển xa, cước xe tăng cao.

Giá đất, giá cát tăng phi mã và khan hiếm làm nhiều công trình ở Thanh Hóa chậm tiến độ theo kế hoạch đề ra. Ảnh: VT

Trong khi đó, bộ đơn giá xây dựng công trình tỉnh Thanh Hóa mới ban hành hồi đầu tháng 12/2022 lại thể hiện không phù hợp với thực tế. Đơn giá đất, cát Nhà nước đưa ra thấp hơn so với các giá các đơn vị trúng thầu phải mua thực tế. Khi thi công công trình này, doanh nghiệp phải mua và trả giá cao hơn đơn giá Nhà nước dẫn đến nhiều đơn vị, doanh nghiệp không mặn mà thi công hoặc chỉ làm cầm chừng, đã xuất hiện một số đơn vị ở thành phố Sầm Sơn “dọa” trả lại dự án ở các hội nghị hoặc trực tiếp làm đơn trả lại dự án đã trúng thầu cho chủ đầu tư vì càng làm càng lỗ.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh ra, ông Lương Văn Thịnh, Phó Giám đốc Ban Dự án thành phố Sầm Sơn xác nhận: Tại các hội nghị gần đây, có doanh nghiệp đã “dọa” trả một số dự án cho chủ đầu tư, vì thời điểm từ tháng 5 đến tháng 7/2022 bỗng dưng có biến động về giá cát, giá đất san lấp quá lớn, chênh nhau cao hơn so với bộ đơn giá xây dựng công trình của tỉnh ban hành. Có lúc gấp đôi dẫn đến các doanh nghiệp không tha thiết, mặn mà với các gói thầu đã trúng có sử dụng vật liệu đất, cát. Việc “dọa” trả lại các dự án ở các hội nghị hoặc viết đơn trả lại các dự án đã trúng thầu cho chủ đầu tư là chưa có trong tiền lệ từ trước đến nay. Thế nhưng, thực tế càng làm càng lỗ thì không doanh nghiệp nào lại dại đến mức bỏ tiền nhà ra để làm công không.

Đặc biệt, gần đây nghe nói lực lượng công an làm gắt việc truy xét các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trái phép và đã khởi tố, bắt nhiều doanh nghiệp liên quan đến xuất hóa đơn không chuẩn nên không đơn vị nào dám mua đất lậu, cát lậu để phục vụ cho công trình. Có mua thì các chủ mỏ cũng không có để bán vì trữ lượng các mỏ có hạn nên không ai dám khai thác vượt công suất và xuất hóa đơn “khống” dễ vướng vào vòng lao lý.

“Thành phố Sầm Sơn có nhiều dự án lớn cần gấp rút triển khai như các khu tái định cư, đường giao thông trọng điểm, dự án xây dựng hạ tầng BT đang rất cần nguồn đất và cát để san lấp nhưng rất khan hiếm và giá cao… Hiện các nhà thầu đã trúng các dự án chủ yếu làm cầm chừng hoặc không làm. Do đó, chúng tôi kiến nghị lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần xem xét kiểm tra thực tế, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong năm mới”, ông Lương Văn Thịnh nói.

Cơ chế cấp phép mỏ hình thức và đấu giá còn bất cập

Theo khảo sát của phóng viên, không chỉ ở thành phố Sầm Sơn mà hiện nay hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều thiếu nguồn vật liệu đất, đá, cát để phục vụ san lấp mặt bằng, đắp nền đường giao thông, trong đó chủ yếu là huyện đồng bằng và ven biển do chịu cước phí vận chuyển đất, cát từ các huyện miền núi về nên giá thành đội lên so với giá thanh toán thực tế từ 1,5 đến 2 lần.

Bên cạnh đó, vật liệu đất, cát khan hiếm là do nguồn cung không đủ cầu, các mỏ được cấp phép trữ lượng không đủ để cung cấp cho các dự án đã được phê duyệt trúng thầu, nhất là từ khi tuyến đường cao tốc Bắc - Nam được thi công, nguồn vật liệu đất, cát lại càng khan hiếm nên cung không đủ cầu, ảnh hưởng đến chi phí xây dựng, tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân vốn trên địa bàn. Nhiều dự án nhà thầu đang thi công bị bỏ dở dang, mưa xuống lầy lội, gây cản trở giao thông, bức xúc trong nhân dân, doanh nghiệp đau đầu.

Ông Phạm Văn Hoành, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Nguyên nhân giá đất, cát, đá tăng phi mã trong thời gian qua là do Nhà nước tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, quy hoạch khoáng sản khó khăn vì liên quan đến đất quốc phòng, đất rừng phòng hộ, công trình công cộng của Nhà nước … Thủ tục cấp phép dài dòng, mất thời gian từ bước quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đấu giá, cấp phép, đền bù giải phóng mặt bằng, thăm dò trữ lượng  phải mất 2 đến 3 năm mới ra được một mỏ. Để đưa mỏ vào hoạt động, có sản phẩm bán ra thị trường doanh nghiệp phải đầu tư cơ sở hạ tầng mất thêm khoảng 1 năm nữa.

Mặt khác, việc thiếu nguyên liệu đất, cát một phần do đường cao tốc Bắc Nam có khoảng 98 km chạy dọc từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh, tăng nhu cầu vật liệu xây dựng đất khoảng 11 triệu m3, cát khoảng 3 triệu m3, đá khoảng 3 triệu m3 dẫn đến tăng về cầu, thiếu hụt về cung.

Hiện nay, các mỏ đất, cát đã được cấp phép ở Thanh Hóa vẫn không đủ nguồn cung cho các dự án trên địa bàn. Sở Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu cho UBND tỉnh đấu giá các mỏ đất, cát để đưa vào hoạt động nhằm cung cấp nguyên vật liệu cho các công trình. Ảnh: VT

Ngoài ra, đất, cát, đá lấy ở các mỏ đã đươc cấp phép trữ lượng vừa phải, trong khi tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cơ sở hạ tầng phát sinh nhiều, nhu cầu vật liệu san lấp tăng cao dẫn đến thiếu hụt đất, cát cục bộ.

Các công trình đường giao thông, hạ tầng chủ yếu xây dựng ở miền xuôi, các mỏ lại phân bố ở các khu vực miền núi, cung đường xa, xăng dầu tăng giá, công tác quản lý giao thông nghiêm nên cước vận chuyển tăng cao dẫn đến đội giá thành vật liệu. Do số lượng mỏ được cấp phép chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, cung không đủ cầu, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm giá cả nguyên vật liệu san lấp tăng cao, khan hiếm.

“Để giải quyết vấn đề thiếu hụt vật liệu xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh tăng công suất cho một số mỏ đất, cát đã được cấp phép, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài biện phải tăng số lượng mỏ được quy hoạch để làm cơ sở đấu giá, cấp phép. Đầu năm 2023 tỉnh đang tổ chức đấu giá 10 mỏ đất, cát, trong năm 2023 dự kiến sẽ đấu 27 mỏ đất, cát, đá, nhưng quy trình phải đến năm 2025 mới có thể đưa các mỏ này đi vào hoạt động”, ông Phạm Văn Hoành nói.

Kỳ III:  Gỡ “nút thắt” để tạo động lực cho sự phát triển chung của tỉnh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lấn chiếm vỉa hè để bàn nhậu, quán nhậu Tự Do nói do khách tự kê bàn

Lấn chiếm vỉa hè để bàn nhậu, quán nhậu Tự Do nói do khách tự kê bàn

(Thanh tra) - Theo đại diện quán nhậu Tự Do, hiện trạng bàn nhậu lấn chiếm vỉa hè có thể do khách kê ra. Còn chính quyền thường xuyên nhắc nhở, có những thời điểm đã bị phạt hành chính. Ở khía cạnh khác, nếu nhìn vào con số tăng trưởng về nguồn vốn, tài sản, doanh thu của chủ sở hữu hệ thống quán nhậu Tự Do, có thể lý giải được phần nào việc đơn vị này thường xuyên vi phạm.

Thanh Giang - Trang Nhung

08:00 21/11/2024
Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm