Vào cuộc quyết liệt, khiếu nại kéo dài

Báo Thanh tra đã có nhiều bài phản ánh về nội dung đơn thư của công dân cũng như quá trình giải quyết của cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An liên quan đến công tác bồi thường, GPMB dự án mở rộng, nâng cấp QL1A đoạn qua tỉnh Nghệ An từ năm 2016 đến nay.

Trong quá trình tham mưu, xử lý đơn và tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn vướng mắc, UBND tỉnh đã báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách.

Đáng lưu tâm, trong đó nhiều trường hợp đã được Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết khiếu nại lần 2 theo quy định, một số trường hợp tiếp tục khởi kiện ra toà án nhân dân.

Đặc biệt, vụ việc khiếu nại việc bồi thường, GPMB dự án nâng cấp, mở rộng QL1A được Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo và đôn đốc giải quyết (chỉ đạo thông qua các kỳ họp giao ban Khối Nội chính định kỳ hàng tháng), cũng như đang được ngành Thanh tra tập trung thực hiện theo chỉ đạo tại Kế hoạch 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013 của Thanh tra Chính phủ về giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài.

Qua tìm hiểu, trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Nghệ An, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã cấp bổ sung cho tỉnh Nghệ An 222,388 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ. UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương thực hiện chi trả cho các trường hợp đủ điều kiện bồi thường qua thanh tra, giải quyết khiếu nại từ năm 2020 về trước.

Đối với các trường hợp còn lại qua giải quyết đơn thư từ năm 2021 đến nay đã được kết luận đủ điều kiện bồi thường theo quy định pháp luật, tỉnh đã chỉ đạo các ngành và địa phương tổng hợp, đồng thời gửi nhiều văn bản báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương bố trí kinh phí để chi trả cho công dân (đến ngày 31/12/2022 là 1.282,52 tỷ đồng). Trong khoảng thời gian dài chưa có kinh phí cấp bổ sung, các địa phương đã gặp nhiều khó khăn trong giải quyết các đơn thư, khiếu nại của công dân.

Để chủ động hoàn thiện hồ sơ thủ tục, gần đây nhất, ngày 1/11/2023, UBND tỉnh đã ban hành Công văn 9312/UBND-BTD chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương nằm trong dự án gấp rút giải quyết các trường hợp vướng mắc còn lại, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục bồi thường cho các trường hợp đủ điều kiện xong trước ngày 30/11/2023 để phê duyệt ngay sau khi có kinh phí của Trung ương cấp bổ sung.

“Gặp khó” sau khi Trung ương đồng ý cấp bổ sung kinh phí 

Ngày 29/11, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết bổ sung 1.275 tỷ đồng chi đầu tư cho tỉnh Nghệ An từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 để giải quyết đền bù GPMB (bao gồm cả phần chậm trả theo phương án của UBND tỉnh trình tính đến hết ngày 31/12/2022) để chi trả cho các trường hợp đủ điều kiện bồi thường hỗ trợ GPMB dự án mở rộng, nâng cấp QL1A đoạn qua tỉnh Nghệ An.

Ghi nhận của PV, liên quan phương án chi trả bồi thường cho các hộ dân, giải ngân nguồn vốn được cấp bổ sung để thực hiện chi trả bồi thường GPMB dự án, hiện còn những khó khăn, vướng mắc.

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, dự án đi qua huyện có chiều dài trên 12,2km, qua 6 xã, 1 thị trấn với 1.718 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay, huyện đã lập phương án bồi thường GPMB và chi trả cho 409 hộ tại 3 xã với trên 131 tỷ đồng, số còn lại là 1.309 hộ tại 3 xã và thị trấn Cầu Giát chưa được giải quyết với trên 119 tỷ đồng.

Thời gian qua, đã có hàng trăm lượt công dân khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác bồi thường, GPMB QL1A, trong đó có trên 170 lượt khiếu kiện đông người, phức tạp. “Tình hình khiếu nại tố cáo và kiến nghị phản ánh liên quan đến dự án là hết sức phức tạp, có nơi, có lúc đã tạo thành điểm nóng trên địa bàn. Một số công dân thường xuyên gửi đơn và tập trung đông người lên cấp tỉnh, thậm chí cả Trung ương. Qua giải quyết cho thấy có một số khó khăn, vướng mắc”, UBND huyện Quỳnh Lưu đánh giá.

Sau khi Quốc hội thông qua bổ sung kinh phí để tỉnh thực hiện bồi thường, GPMB QL1A, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành sớm làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành để sớm có nguồn kinh phí phân bổ cho các huyện để chi trả cho các hộ dân chưa được nhận tiền bồi thường", ông Nguyễn Văn Quý cho biết.

leftcenterrightdel

 Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Đ.A

Tại thị xã Hoàng Mai, đây là địa phương có rất nhiều đơn thư đang trong quá trình giải quyết khiếu nại liên quan dự án. Hiện các tổ rà soát và đoàn xác minh đang thực hiện để trả lời đơn khiếu nại, vừa lập hồ sơ áp giá bồi thường, niêm yết công khai. UBND các phường đang tập trung xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng đất đối với các hộ đã thụ lý. Tuy nhiên, thị xã đang gặp vướng mắc trong việc xác định diện tích đất để thực hiện bồi thường đối với nhiều hộ dân tại xã Quỳnh Xuân do thiếu hồ sơ tư liệu, đang trong quá trình rà soát; có 18 trường hợp tại phường Quỳnh Thiện gặp khó khăn trong việc xác định diện tích đất ở trước năm 1980 và sau 21/12/1982. Sau khi có kinh phí bổ sung từ cấp trên, thị xã sẽ tiến hành các bước tiếp theo để chi trả cho các hộ dân đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ.

Mới đây, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với thị xã Hoàng Mai, các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và TP Vinh để đánh giá kết quả thực hiện và chỉ đạo hoàn thiện phương án bồi thường GPMB (bổ sung) của dự án.

Để đảm bảo việc giải quyết dứt điểm các đơn thư, hoàn thiện phương án bồi thường hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng đủ điều kiện theo quy định pháp luật, làm cơ sở phê duyệt, chi trả cho các hộ dân khi có nguồn kinh phí Trung ương cấp, yêu cầu các sở, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao.

UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND TP Vinh, các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc và thị xã Hoàng Mai tập trung nhân lực, khẩn trương rà soát, tổng hợp lại toàn bộ các đơn thư, khiếu nại, kiến nghị liên quan đến công tác bồi thường GPMB các dự án mở rộng, nâng cấp QL1A triển khai trong giai đoạn từ năm 2010 -  2015 đã được kiểm tra, xác minh để tránh bỏ sót, gây khó khăn cho công tác giải quyết, chi trả sau này. Ban hành ngay kết luận kiểm tra, quyết định giải quyết đối với những trường hợp chưa ban hành. Căn cứ các kết luận kiểm tra, quyết định giải quyết khiếu nại, bản án có hiệu lực pháp luật để lập, hoàn thiện, phê duyệt phương án bồi thường cho các trường hợp đủ điều kiện, đảm bảo việc thực hiện chi trả cho các hộ dân ngay sau khi có Quyết định cấp kinh phí của Trung ương. Quá trình tổ chức thực hiện cần tuyên truyền vận động nhân dân hiểu, ủng hộ chủ trương và phối hợp với cơ quan Nhà nước để sớm hoàn thành việc chi trả cho công dân. 

Đối với những trường hợp không đủ điều kiện được bồi thường, đã được giải quyết khiếu nại (lần 1) nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại thì cần hướng dẫn công dân khiếu nại (lần 2) đến Chủ tịch UBND tỉnh hoặc khởi kiện ra toà án để được giải quyết. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng chức năng vận động các hộ dân thực hiện các quyền khiếu nại đúng quy định pháp luật, không được lợi dụng đơn thư khiếu kiện để gây mất ổn định tình hình. 

UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải thực hiện xong các nhiệm vụ trên và gửi kết quả về UBND tỉnh, Sở TN&MT chậm nhất ngày 15/1/2024. Sở TN&MT chủ trì, phối hợp Thanh tra tỉnh, Sở GTVT, Sở Tài chính và Ban Tiếp công dân tỉnh theo dõi sát sao việc thực hiện của các huyện, thành, thị, giải đáp ngay những khó khăn, vướng mắc theo đề nghị của các địa phương, báo cáo tổng hợp kết quả UBND tỉnh trước 20/1/2024.

Xuân Thống