Đó là nội dung đơn kiến nghị của  hơn 500 tài xế (xe máy, xe ô tô) là đối tác của Cty TNHH Grab (Grab).

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, Cục Thuế TP. HCM cho biết, hiện nay việc quản lý thuế đối với các cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn có số thu thuế chưa tương xứng với quy mô và mức độ hoạt động, nên Cục Thuế đã trình UBND TP. HCM “Dự thảo quản lý thuế đối với các cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn TP. HCM theo mô hình các xã viên trong hợp tác xã (HTX)”.

“Trước kia, chúng tôi chỉ thu thuế theo kê khai của doanh nghiệp, không đối chiếu được số lượng xã viên được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cấp phù hiệu, vì không có quy định” - đại diện Cục Thuế nói và cho biết thêm: Theo dự thảo, Cục Thuế sẽ phối hợp với Sở GTVT xây dựng dữ liệu dùng chung về các HTX, xã viên hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong đó cung cấp thông tin, chia sẻ dữ liệu và kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật. Cục Thuế sẽ cùng Sở GTVT và các sở, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, tình hình chấp hành pháp luật về thuế. Kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm quy định pháp luật của thuế của chủ phương tiện và các hành vi bao che thiếu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý thuế.

Ông Nguyễn Thế Thiện - đại diện ủy quyền hàng trăm tài xế trong đơn cho biết, đây là điều các tài xế quan tâm, thắc mắc (được nêu trong đơn): Chúng tôi ký kết thỏa thuận với đơn vị Grab kết nối ứng dụng công nghệ và đồng ý chi trả tiền chiết  khấu là: Đối với Grab Car là 28,6% (trong đó thu thuế thu nhập cá nhân và giá trị gia tăng (thuế TNCN và GTGT)  thu ngay đầu nguồn 4,5%). Đối với Grab Bike 24,5%  (trong đó 4,5% thuế, nếu doanh thu hơn 100 triệu/năm. Tuy nhiên, khoản tiền của chúng tôi mà Grab thay Cục Thuế thu hộ đầu nguồn (tức 100% đã nộp thuế), nhưng Grab không chủ động cung cấp chứng từ đến đối tác việc đã nộp. Vậy, Grab có nộp đúng, nộp đủ cho Nhà nước? Chúng tôi đang đặt câu hỏi, những đối tác như chúng tôi bây giờ muốn trích lục hồ sơ về việc hoàn thuế của mình ở những năm 2015 - 2018  sẽ đến đâu? Khoản tiền thuế của chúng tôi có được nộp vào ngân sách Nhà nước đúng kỳ hạn chưa, nếu chưa thì khoản tiền đó đi đâu? Liệu khoản tiền thuế của chúng tôi có bị chiếm dụng? 

Hơn 500 tài xế Grab đề nghị làm rõ khoản tiền thuế nộp hộ

Từ năm 2016 đến nay ứng dụng Grab vào thị trường Việt Nam, biết bao nhiêu đối tác tài xế chạy xe công nghệ chạy xe được một thời gian ngắn, không bằng lý do này, lý do kia, nửa chừng đột ngột bị ngắt ứng vĩnh viễn. Theo quy định Grab có trách nhiệm thông báo cho đối tác về việc quyền và nghĩa vụ liên quan tới khoản thuế TNCN của đối tác,  trong đó có việc đối tác có được hoàn thuế hay không, nhưng Grab không thực hiện việc này. Như vậy, đồng nghĩa Grab đã chiếm dụng khoản tiền thuế TNCN (1,5%/ doanh thu) thu từ đầu nguồn của tài xế (thu nhập dưới 100 triệu/năm).

Bên cạnh đó, còn khoản tiền thuế GTGT (3% /doanh thu) Grab thu đầu nguồn của những tài xế này, Grab có nộp cho Nhà nước?

Điều đáng nói, việc cắt app chỉ là Grab đơn phương còn tài xế thì không được đối thoại giải quyết và các tài xế rất bức xúc việc này.

Ngày 13/3, phản hồi với PV Báo Thanh tra, phía Grab đã không trả lời vào đúng những vấn đề mà các tài xế quan tâm, cần giải thích mà chỉ nêu vấn đề tài xế nộp thuế, chính sách thuế, theo quy định của Nhà nước (cần nói rõ, vấn đề này tài xế kiến nghị cơ quan Thuế, không kiến nghị Grab).

Ông Thiện cho biết thêm, ngày 28/8, hàng trăm tài xế đã trực tiếp đối thoại tại trụ sở của Grab đã đề nghị minh bạch khoản tiền thuế Grab đã nộp hộ tài xế, phía Grab nói tài xế lên mạng sẽ thấy.

Tuy nhiên, “nhiều tài xế đã lên mạng nhưng không thấy thông tin Grab đã nộp thuế (thu hộ) cho Cục Thuế TP. HCM” - ông Thiện khẳng định và cho biết, cụ thể trường hợp của tài xế Nguyễn Ngọc Tân đã nộp thuế cho Grab từ tháng 11/2017 - 12/2018 nhưng lên mạng không tìm thấy, và  gửi đơn xin xác nhận của Cục Thuế  từ ngày 6/8 đến nay chưa có kết quả.

Grab là đơn vị hạch toán chung với Nhà nước, nhưng Grab thu tiền của từng cá nhân tài xế, nên Grab phải có bản kê khai từng tháng cho tài xế.

“Chiều 6/9, trong buổi tiếp xúc với Cục Thuế, có đại diện Grab, tôi lại đề nghị Grab minh bạch khoản thuế của nộp hộ, tuy nhiên phía Grab chỉ nói tiếp thu ý kiến, trình lên lãnh đạo” - ông Thiện bức xúc.

Ông Thiện cho biết thêm: Hiện nay Grab đang nói rất nhiều việc các tài xế có nghĩa vụ phải nộp thuế cho Nhà nước theo quy định, mà Grab chỉ thu hộ, nhưng họ lại “lờ” đi việc tài xế thắc mắc, Grab có nộp đúng, nộp đủ (khoản tiền đã thu hộ) cho Nhà nước không, và tại sao Grab không minh bạch? Vì vậy, chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng phải thanh tra làm rõ vấn đề này.

Liên quan đến vấn đề thuế, và việc cắt app đột ngột, hai tài xế đang kiện Grab ra Tòa án nhân dân quận 10.

Theo đơn kiến nghị, các tài xế cho rằng, khoản tiền thuế (thuế TNCN và GTGT)  các tài xế phải nộp là chưa hợp lý vì: “Chúng tôi không được hỗ trợ hay đảm bảo một chế độ đáng có nào từ một doanh nghiệp cung cấp phần mềm như Grab hiện nay, nhưng chúng tôi lại phải đóng thuế TNCN như một người lao động đó là điều bất hợp lý mà chúng tôi không thể chấp nhận được.

Đối với Grab Car, chúng tôi đã phải mua xe trả góp, chuyển đổi thành xe kinh doanh, đưa vào diện hợp tác xã vận tải, chúng tôi tự chịu tất cả các khoản chi phí như, hàng tháng trả tiền góp ngân hàng, trả tiền chi phí vận hành, trả tiền bão dưỡng, trả tiền bến bãi, và phải chịu trách nhiệm về các va chạm không đáng có ở ngoài đường”.

Từ vấn đề trên, ông Thiện cũng cho rằng, việc thu thuế đối với tài xế công nghệ giống như người lao động và việc thu thuế TNCN chỉ dựa trên doanh thu một đầu mà không hề được khấu trừ phương tiện, chi phí (xăng xe, hao mòn..)  là bất hợp lý.

“Những người tài xế phải đóng tất cả các khoản thuế, phí dựa trên thu nhập của mình, nhưng chúng tôi lại không thuộc diện lao động chính thống. Vậy việc cơ quan Thuế chỉ tính doanh thu chúng tôi được thể hiện trên ứng dụng để thu tiền thuế, như vậy liệu có hợp lý hay không trong khi chúng tôi đã trả tiền dịch vụ trên mỗi chuyến đi cho Grab (cái gọi là chiết khấu %). Nhiều tài xế, chuyển đổi từ xe cá nhân thành xe kinh doanh và chịu trách nhiệm hoàn toàn cho phương tiện của mình. Vậy chúng tôi có được tính khấu trừ trong diện kinh doanh hay không, nếu được thì chúng tôi khấu trừ theo diện nào, nếu không thì tại sao không” - các tài xế thể hiện bức xúc trong đơn, và cũng mong muốn: Cơ quan Thuế, định hình tài xế công nghệ thuộc đối tượng chịu thuế nào và có chính sách, mức chịu thuế, hợp lý...

Đại diện Cục Thuế TP. HCM cho biết, đã ghi nhận kiến nghị trên của tài xế, và sẽ tổng hợp chuyển lên Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính để sửa  luật sao cho phù hợp với thực tế, như việc nâng mức thu nhập từ 150 triệu – 200 triệu đồng/năm mới phải đóng thuế, hoặc khấu trừ chi phí trước khi tính thuế.

PV