Không có dữ liệu ở Cục Thuế

Ông NVH (ở huyện Nhà Bè, TP HCM) đã hợp tác với Grab trong việc cung cấp dịch vụ Grabcar từ tháng 1/2018 đến 14/11/2018. Doanh thu khách hàng trong thời gian này là  205.488.000 đồng. Trong đó, anh Hưng hưởng 75% doanh thu, tương ứng 154,11 triệu đồng và Grab hưởng 25% doanh thu. Bên cạnh đó, Grab cũng thu thuế 4,5%/tổng doanh thu để nộp hộ cho cơ quan thuế. 

“Tôi đã rất nhiều lần đề nghị Grab cho tôi chứng nhận từ cơ quan thuế, tôi đã nộp khoản thuế 4,5% trên, nhưng Grab liên tục trì hoãn. Và đến nay Grab cũng chưa cung cấp cho tôi chứng từ trên”, ông NVH cho biết.

Đến ngày 18/6/2019, ông NVH đã nhận được chứng từ khấu trừ thuế TNCN kinh doanh số 0000193, do Grab phát hành ngày 12/4/2019, theo đó Grab xác nhận khoảng thời gian từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2018 đã nộp 4,5% cho khoản thu nhập chịu thuế là 154.116.000 đồng.

Để xác thực thông tin của Grab, ngày 19/6/2019, ông NVH đã gửi đơn đến Cục Thuế TP HCM yêu cầu xác nhận việc đã hoàn thành khoản thuế trên.

Tuy nhiên,  Văn bản 12092/TB-CT ngày 24/6/2019 của Cục Thuế TP HCM ghi rõ: “Không có dữ liệu về việc kê khai, nộp thuế của ông NVH, mã số thuế 8564914*** trong tờ khai quyết toán thuế TNCN năm 2018 của Công ty TNHH Grab mã số 0312650437 trên hệ thống của cơ quan thuế”.

“Như vậy, Công ty TNHH Grab đã thu thuế của tôi nhưng lại không nộp lên Cục Thuế”, ông NVH nói và cho biết thêm, đã gọi điện hỏi lại Cục Thuế thì được trả lời, trên hệ thống của Cục Thuế cũng không có thông tin cá nhân của ông NVH (không có: họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân).

Phía Grab cho biết, theo hướng dẫn của Cục Thuế TP HCM, cơ quan thuế đã ủy quyền cho Grab thu hộ, nộp hộ nghĩa vụ thuế cho các đối tác tham gia kinh doanh vận tải bằng ứng dụng với tỉ lệ tổng cộng là 4,5% doanh thu chia sẻ (trong đó 3% là tỷ lệ thuế giá trị gia tăng, 1,5% là tỷ lệ thuế TNCN).

Chứng từ xác nhận nghĩa vụ thuế hàng năm do Grab cung cấp cho đối tác NVH đã thể hiện rõ việc Grab đã thực hiện kê khai và đóng nghĩa vụ thuế cho đối tác thông qua mã số thuế nộp thay. 

Theo hướng dẫn tại công văn nói trên, đối tác NVH là cá nhân kinh doanh, là thành viên của hợp tác xã, nên nghĩa vụ thuế sẽ được thực hiện thông qua mã số thuế nộp thay. Dữ liệu nếu cần tra soát cũng cần đối chiếu tại mã số thuế nộp thay này. Việc tra cứu nghĩa vụ thuế cá nhân kinh doanh thông qua mã số chính sử dụng cho mục đích tiền công, tiền lương của Grab như cách thức đối tác NVH đang yêu cầu tra soát sẽ không thể phản ánh đúng thông tin về người nộp thuế.

Tuy nhiên, ông NVH khẳng định, đã đề nghị Cục Thuế TP HCM truy xuất dữ liệu trên mã số thuế nộp thay của Grab là 0313368*** (mã số này do Grab cung cấp khi ông NVH yêu cầu) và kết quả từ Cục Thuế: “Không có dữ liệu... ”.

"Như vậy cả mã số nộp thay (0313368***) và mã số thuế của tôi (8564914***) đều không có dữ liệu ở Cục Thuế", ông NVH nói.

Theo ông Đàm Quý Dân, nguyên thanh tra Tổng cục Thuế Việt Nam, tuy là nộp thay, nhưng cơ quan thuế vẫn có biên lai cho từng cá nhân, ghi rõ họ tên, số chứng minh nhân dân, mã số thuế và nội dung nộp thuế cũng được ghi cụ thể.

Có dấu hiệu trốn thuế sẽ thanh tra

Từ những vấn đề trên, mới đây, tài xế Grab NVH đã gửi đơn khiếu nại kèm các chứng cứ tới Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP HCM  đề nghị thanh tra, làm rõ 

Khoản 1.3.2 của Văn bản 11428/CT-TTHT ngày 23/11/2016 về chính sách thuế đối với hợp đồng hợp tác kinh doanh vận tải Grabtaxi của Cục Thuế TP HCM quy định:Grabtaxi có trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Để việc thực hiện được thuận lợi, định kì vào kỳ kê khai thuế, Grabtaxi lập 01 tờ khai chung để kê khai cho tất cả các cá nhân kèm theo hồ sơ khai thuế danh sách các cá nhân với các thông tin cụ thể về mã số thuế, doanh thu và các khoản thưởng cá nhân được nhận, thuế đã khấu trừ và các thông tin có liên quan khác.

việc Công ty TNHH Grab thu hộ, nộp hộ 4,5%/tổng doanh thu của cá nhân anh, cũng như các đối tác của Grab (bao gồm Grabcar, Grabbike, Grabfood, Grabexpress) trên cả nước trong giai đoạn 2016 - 2018.

Ông NVH cũng nêu: "Với con số lên đến 200.000 đối tác, Grab đã chiếm giữ 4,5%/tổng doanh thu khách hàng. Đây là số tiền lớn, khoảng 1.400 tỷ đồng/năm. Nếu số tiền trên không được hạch toán minh bạch, không chỉ ảnh hưởng tới ngân sách quốc gia mà còn đẩy hàng trăm ngàn tài xế, đối tác Grab có thể gặp rắc rối trên hồ sơ thuế trong tương lai".

Ngày 1/8, trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, Cục Thuế TP HCM cho biết, nếu có thông tin cụ thể Grab không nộp thuế hộ cho tài xế, lãnh đạo Cục Thuế sẽ chỉ đạo rà soát đơn vị, nếu có dấu hiệu trốn thuế sẽ thanh tra.

Được biết, Cục Thuế TP HCM đang trình UBND TP HCM dự thảo về việc quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn TP HCM, vì hiện nay, một thực trạng đang diễn ra là số lượng xe cá nhân kinh doanh vận tải có số thu thuế chưa tương xứng với quy mô và mức độ hoạt động.

Từ vụ việc này, cùng với một số thông tin khác, chúng tôi thấy cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc tiến hành thanh tra toàn diện việc chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của Grab và các đối tác, kịp thời chấn chỉnh quản lý và phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước theo quy định của pháp luật, đồng thời, thu về ngân sách nhà nước khoản tiền thuế đã trốn, bị chiếm đoạt. 

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc vụ việc này.

PV