Cục Thuế đang thanh tra

Mới đây, trao đổi với Báo Thanh tra, ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM cho biết, hiện Thanh tra Cục Thuế đang thanh tra Công ty TNHH Grab (Grab) theo Quyết định số 909, gồm các nội dung: Việc chấp hành pháp luật thuế đối với thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và giá chuyển nhượng. Thời kỳ thanh tra từ 2017 - 2018.

Có thể thấy, một trong những vấn đề đáng chú ý trong lần thanh tra thuế này tại Grab là thuế thu nhập cá nhân của các tài xế và thương vụ nhận chuyển nhượng Uber.

Chia sẻ với báo chí về quyết định trên của Cục Thuế, Grab cho biết, đây là hoạt động nằm trong thẩm quyền của cơ quan chức năng. Về phần mình, Grab tuân thủ thuế, quy định pháp luật Việt Nam và khẳng định đây là một cam kết tuyệt đối của Grab.

Grab cho biết thêm, hơn 5 năm hoạt động tại Việt Nam, đã hoàn thành nghĩa vụ thuế. Số tiền thuế Grab đóng góp cùng với các khoản thuế thu hộ, nộp hộ đã tăng trưởng 3-4 lần mỗi năm. Tính đến kỳ thuế tháng 5/2019, Grab và các đối tác của mình đã đóng góp khoản nghĩa vụ thuế tổng cộng lên tới hơn 947 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.

Trước đó, việc điều tra vụ Grab mua lại Uber được cơ quan quản lý cạnh tranh tiến hành từ tháng 5/2018 tới tháng 12/2018, và đã công bố kết luận: Grab có dấu hiệu vi phạm hành vi không thông báo tập trung kinh tế và tập trung kinh tế bị cấm theo quy định tại Luật Cạnh tranh. Kết luận cũng xác định Grab đã chiếm hơn 50% thị phần trên thị trường sau khi mua lại Uber.

Tuy nhiên, phản hồi sau đó Grab cho rằng mình không vi phạm luật, mà do cách hiểu, giải thích của cơ quan quản lý cạnh tranh và Grab khác nhau về thị trường liên quan, cũng như đặc điểm cấu thành một thị trường cạnh tranh.

Trao đổi với Báo Thanh tra về việc Cục Thuế TPHCM đang thanh tra Grab, ông Đàm Quý Dân - nguyên thanh tra viên Tổng cục Thuế Việt Nam cho rằng, cần làm rõ khoản báo lỗ của Grab. 

Nhiều tài xế đề nghị cung cấp chứng từ Grab nộp thuế hộ

Liên quan tới việc Grab nộp thuế hộ tài xế, trước đó, Báo Thanh tra cũng đã có loạt bài về vấn đề này, phản ánh 2 vụ kiện tranh chấp hợp đồng dịch vụ/hợp đồng hợp tác của 2 nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Hưng (TP HCM) và ông Nguyễn Thế Thiện (Bình Dương) đối với Công ty TNHH Grab (quận 10, TP HCM).

Đơn khởi kiện thể hiện, tháng 1/2018, ông đăng ký tài khoản chạy Grab Car. Nhưng đến ngày 14/11/2018, Grab đơn phương ngừng hoạt động vĩnh viễn đối với tài khoản của ông, vì cho rằng ông Hưng có tỷ lệ hủy cuốc xe 25,17%, vượt mốc 25% theo quy định, là thỏa thuận giữa các bên.

Ông Hưng nêu, việc Grab ngưng hoạt động vĩnh viễn đối với tài khoản của ông là không đúng với với “bộ quy tắc ứng xử” của Grab đã cung cấp. Ứng dụng ghi nhận tỷ lệ hủy chuyến của ông Hưng từ ngày 5/11/2018 đến chuyến xe cuối cùng là 24,6%, thấp hơn tỷ lệ mà Grab đã quy định.

Ông Hưng yêu cầu Grab phải kết nối lại tài khoản trên ứng dụng gọi xe để ông tiếp tục làm việc bình thường; buộc Grab bồi thường thiệt hại cho ông hơn 37 triệu đồng được tính từ ngày Grab khóa tài khoản của ông đến cuối tháng 12/2018.

Tài xế này cũng đề nghị Grab cung cấp hóa đơn chứng từ mà công ty đã thu của ông Hưng và đóng hộ, thuế thu nhập cá nhân và thuế VAT là 4,5% trên tổng doanh thu của ông từ tháng 1/2018 đến nay.

Ông Hưng cho biết, Grab thu ngay từ đầu nguồn 4,5% trên từng cuốc xe. "Lần đầu, Cục Thuế TP HCM trả lời 'không có dữ liệu' việc đóng thuế, chỉ gần đây khi báo chí có phản ánh về vụ kiện, Cục Thuế TP HCM mới có công văn trả lời là thuế của tôi đã được Grab đóng. Nhưng không rõ là đóng khi nào", ông Hưng thắc mắc và cho biết không rút đơn kiện.

Tương tự, ông Nguyễn Thế Thiện là đối tác với Grab từ ngày 10/9/2018. Đến ngày 28/11/2018, Grab thông báo khóa vĩnh viễn tài khoản Grab Car của ông. “Grab cho rằng tôi vi phạm bộ quy tắc ứng xử Grab Car khi hủy cuốc xe hoặc yêu cầu khách hủy cuốc xe là không hợp lý”, ông Thiện nói.

Ông Thiện yêu cầu Grab phải kết nối lại tài khoản của ông trên ứng dụng gọi xe; buộc Grab bồi thường thiệt hại cho ông tạm tính 100 triệu đồng, được tính từ ngày ngưng ứng dụng (ngày 21/11/2018) đến khi kích hoạt lại tài khoản; yêu cầu Grab cung cấp hóa đơn chứng từ thể hiện Grab đã thu và đóng hộ thuế thu nhập cá nhân và thuế VAT 4,5% trên doanh thu, đồng thời ông Thiện cũng gửi đơn tố giác Grab lên Viện Kiểm sát vấn đề này.

Hàng loạt tài xế của Grab đang yêu cầu xác nhận Grab đã đóng thuế hộ

Trong khi hai vụ tài xế kiện Grab đã qua khâu hoà giải nhưng tài xế không rút đơn, đã có hàng loạt tài xế từng chạy Grab nộp đơn lên Cục Thuế TP HCM yêu cầu xác minh việc đóng thuế hộ của Grab đối với các trường hợp của họ.

Hiện nay, số tài xế đối tác của Grab bao gồm Grabike, Grabtaxi, Grabcar lên tới hàng trăm ngàn người, tập trung chủ yếu tại TP HCM và Hà Nội.

PV