Kết luận thanh tra số 25 của Thanh tra Bộ Xây dựng cho thấy, tại dự án cầu cạn, hồ sơ lập dự án đầu tư xây dựng công trình thiếu nội dung phòng, chống cháy nổ.

Tại dự án sân bay, báo cáo nghiên cứu khả thi không có nội dung tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng để lập thiết kế cơ sở. “Trách nhiệm thuộc về nhà thầu tư vấn lập dự án đầu tư, nhà thầu tư vấn thẩm tra, Ban QLDA Thăng Long, cơ quan thẩm định, cơ quan phê duyệt là Bộ GTVT” - kết luận nêu.

Đáng chú ý, tại dự án sân bay, không phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi để xem xét quyết định đầu tư xây dựng. Trách nhiệm thuộc về Ban QLDA Thăng Long.

Tại dự án cầu cạn, thiết kế kỹ thuật (TKKT) không phù hợp với thiết kế cơ sở (TKCS) về lý trình điểm cuối của dự án (TKCS lý trình điểm cuối là km5+493, trong khi TKKT lý trình điểm cuối là 5+497,72).

Cũng tại dự án cầu cạn, bản vẽ thiết kế hệ xe đúc thi công bê tông bản mặt cầu, bê tông lan can; mặt bằng trạm trộn bê tông xi măng; bãi đúc dầm SuperT không đầy đủ thông số kích thước, dẫn đến tính toán khối lượng không có cơ sở. “Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và các cơ quan liên quan” - Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận.

Công tác lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt và tạm phê duyệt dự toán gói thầu xây dựng, thiết bị còn một số sai sót làm tăng giá trị dự toán gói thầu tại hai dự án số tiền trên 41,361 tỷ đồng, trong đó, tại dự án cầu cạn trên 27,288 tỷ đồng và dự án sân bay trên 14,073 tỷ đồng.

“Trách nhiệm thuộc về nhà thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật, nhà thầu tư vấn thẩm tra, Ban QLDA Thăng Long, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLCL&CLCTGT) và Bộ GTVT” - kết luận nêu.

leftcenterrightdel
Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều vi phạm, sai sót tại dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: TQ 

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã chỉ ra một số vi phạm, tồn tại tại hai dự án như: Bê tông bản mặt cầu, cốt thép bản mặt cầu, chủ đầu tư không tổ chức lập và trình phê duyệt định mức dự toán mới để làm cơ sở quản lý chi phí đầu tư xây dựng (tại dự án cầu cạn).

Việc tạm phê duyệt dự toán; sử dụng chứng thư xác định giá cát đã hết hiệu lực; dự toán áp giá thép vằn D36 cho toàn bộ khối lượng thép thanh truyền lực… tại dự án sân bay là không phù hợp.

Đáng chú ý, công tác lựa chọn nhà thầu, Ban QLDA Thăng Long không đăng tải công khai trên Báo Đấu thầu về kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu tư vấn thẩm tra dự án cầu cạn. Trách nhiệm thuộc về Ban QLDA Thăng Long.

Về hồ sơ quản lý chất lượng công trình, tại dự án sân bay, vật liệu xây dựng sử dụng tại công trình từ ngày 1/7/2020 không có giấy chứng nhận hợp quy; nhà thầu không thí nghiệm đối với vật liệu gỗ, Mastic chèn khe dãn… Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư.

Dự án cầu cạn có sử dụng nhà thầu nước ngoài nhưng Ban QLDA Thăng Long không thông báo cho cơ quan chủ quản và các cơ quan liên quan trong thời hạn 30 ngày trước khi chuyên gia kết thúc thời gian làm việc tại Việt Nam; không báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm về công tác quản lý, sử dụng chuyên gia…

Các nhà thầu nước ngoài thi công dự án như Công ty TNHH Xây dựng Sumitomo Mitsui; Công ty Tokyu Construction Co.,Ltd; Công ty Taisei Corporation; Công ty Oriental Consultants Global Co.,Ltd; Công ty Katahira & Engineers International vi phạm quy định, không báo cáo định kỳ với các cơ quan quản lý Việt Nam.

Đối với việc mua bảo hiểm cho người lao động trên công trường, Nghị định 119 năm 2015 quy định mức tối thiểu là 100 triệu đồng/người, nhưng các nhà thầu thi công dự án như Công ty Cổ phần 412, Công ty Cổ phần 423, Công ty Cổ phần Licogi 12, Công ty TNHH Hải Ánh chỉ mua bảo hiểm cho người lao động trên công trường với số tiền bảo hiểm 10 - 20 triệu đồng/người/vụ là sai hạn mức quy định. Về tiến độ thực hiện, dự án cầu cạn chậm tiến độ 3 tháng.

Dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai III TP Hà Nội có tổng chiều dài 5,36 km, quy mô 4 làn xe, chạy qua địa bàn quận Cầu Giấy và quận Bắc Từ Liêm. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 5.343 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Trong đó, nguồn vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 20,59 tỷ yên, tương đương 4.525 tỷ đồng; và nguồn vốn đối ứng của Việt Nam là 817 tỷ đồng.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (dự án nhóm B, loại công trình đặc biệt) tổng mức đầu tư 2.031 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Ban QLDA Thăng Long quản lý dự án. Thời gian thi công theo 2 bước, trong đó bước một là 6 tháng, bảo đảm khai thác được 3.200m đường cất hạ cánh 1B nhằm phục vụ Tết Nguyên đán năm 2021. Bước hai là 12 tháng, bàn giao đưa công trình vào khai thác trước Tết Nguyên đán năm 2022. 

Kỳ 2: Kiến nghị xử lý trên 41,361 tỷ đồng

Trần Quý