Về thực hiện phương án sử dụng đất đai khi CPH, Thanh tra Chính phủ cho biết, đến  thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp CPH (30/6/2015) Tổng Cty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) và đến thời điểm thanh tra, Cty TNHH MTV Diesel Sông Công (công ty con của VEAM) chưa hoàn tất thủ tục chuyển 38.968 m2 đất giao sang hợp đồng thuê đất hàng năm và 1.224m2 đất sử dụng làm công trình phúc lợi, không có hợp đồng thuê đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa thực hiện trả tiền thuê đất hàng năm là thực hiện không đúng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 52 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004; khoản 2 Điều 60 Luật Đất đai năm 2013 và điểm c khoản 6 Điều 1 Nghị định số 189/2013/NĐ-CP; gây khó khăn trong quản lý đất đai của VEAM, có nguy cơ Nhà nước không thu được tiền thuê đất, tạo sơ hở về quản lý đất đai trong CPH doanh nghiệp.

Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm thuộc, Cty TNHH MTV Diesel Sông Công, Ban Chỉ đạo CPH VEAM, Bộ Công Thương.

Đối với đất đai tại Cty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thực phẩm và Đầu tư (Fococev), Bộ Công Thương chưa thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước đối với diện tích 791.610,8 m2, vi phạm Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước. 

Phương án sử dụng trong đất phương án CPH đã được Bộ Công Thương phê duyệt theo Quyết định số 13980/QĐ-BCT chưa có ý kiến của UBND các tỉnh, thành phố đối các diện tích đất tổng cộng là 342.483,78/791.610,8 m2 tại TP Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Gia Lai là thực hiện không đúng quy định tại Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2013 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần.

Theo Thanh tra Chính phủ, tình trạng quản lý đất đai khi thực hiện CPH như trên là vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 52 Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ, khoản 2 Điều 60 Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 189/2013/NĐ-CP, gây khó khăn trong quản lý đất đai.

Trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Khánh Hòa.

Riêng việc quản lý và thực hiện phương án sử dụng đất đai của Bộ Công Thương, Fococev đối với khu đất tại số 38 Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, diện tích 1.124,7 m2 và khu đất tại thôn 2, xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắk diện tích 596 m là vi phạm quy định về quy trình lập phương án sử dụng đất và phê duyệt trong phương án CPH của doanh nghiệp quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ dẫn đến không quản lý được và không thực hiện được phương án sử dụng 2 khu đất theo phương án CPH Fococev, có nguy cơ thất thoát, lãng phí đất đai của nhà nước.

Tiếp đến là Cty Cổ phần Giao nhận kho vận Ngoại thương Việt Nam (Vinatrans) thuộc Vnsteel quản lý sử dụng 5 thửa đất với diện tích 44.513 m2 nhưng sau CPH 8 năm (tính đến thời điểm thanh tra), Vinatrans chưa hoàn thành thủ tục thuê đất theo phương án CPH nhưng vẫn sử dụng và cho thuê mặt bằng, vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 30 Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 và Điều 106 Luật Đất đai 2003. Trách nhiệm thuộc Vnsteel, Bộ Công Thương, UBND TP Hà Nội, UBND TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra nhiều vi phạm trong việc bán cổ phần, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; việc thu nộp tiền cổ phần, quyết toán cổ phần hóa hay như việc thoái vốn tại doanh nghiệp.

Đối với việc bán cổ phần, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, theo Thanh tra Chính phủ, hầu hết các công ty CPH đều bán cổ phần không đạt tỷ lệ theo phương án được phê duyệt, không lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là các công ty có quy mô vốn lớn như: Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, vốn điều lệ hơn 20,8 nghìn tỷ đồng, bán được 0,81%/49% phương án, nhà nước còn nắm giữ 99,19% vốn điều lệ, không lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược.

Tổng Cty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE) vốn điều lệ hơn 1,4 nghìn tỷ đồng, bán được 0,43%/100% phương án, Nhà nước còn nắm giữ 99,57% vốn điều lệ, không lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược.

VEAM vốn điều lệ hơn 13,2 nghìn tỷ đồng, bán được 11,25%/49% phương án, Nhà nước còn nắm giữ 88,47% vốn điều lệ... Các doanh nghiệp CPH bán cổ phần không đạt phương án được phê duyệt, không lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược, không hoàn thành mục tiêu cơ bản về CPH, phải trình cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cơ cấu vồn điều lệ…

Bài 4: Chuyển thông tin vụ việc vi phạm sang cơ quan điều tra Bộ Công an

Song Phương