Kết luận thanh tra nêu rõ, Bộ Công thương đã nỗ lực tổ chức triển khai và chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp được giao; giai đoạn 2011 - 2017 đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phê duyệt theo thẩm quyền các đề án tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty (Cty) thuộc bộ. CPH và chuyển đổi 13 doanh nghiệp Nhà nước thành Cty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Theo Thanh tra Chính phủ, về cơ bản, nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp trọng tâm là CPH, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011 - 2017 đã được Bộ Công thương, các tập đoàn, tổng Cty chú trọng thực hiện, cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính; thoái vốn hầu hết đối với các khoản đầu tư ra ngoài ngành.

Tuy nhiên, việc rà soát, tái cơ cấu còn chưa kịp thời, thiếu toàn diện, chưa khắc phục được tình trạng một số tập đoàn kinh tế, tổng Cty hoạt động còn kém hiệu quả, một số dự án đầu tư lớn lâm vào tình trạng trì trệ chậm tiến độ, khó khăn, thua lỗ.

Về CPH, một số doanh nghiệp không hoàn thành theo đề án được phê duyệt, thậm chí sai quy định về xử lý tài chính, công nợ, đất đai... tiến độ thực hiện CPH chậm nhiều so với kế hoạch đã được phê duyệt, tỷ lệ vốn nhà nước bán được quá thấp so với phương án, không lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược cho mục tiêu huy động vốn và năng lực, kinh nghiệm quản lý tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các doanh nghiệp; công tác quản lý đất đai gắn với việc tái cơ cấu doanh nghiệp nói chung và đặc biệt là gắn với công tác CPH còn nhiều vướng mắc, thiếu chặt chẽ gây ra trở ngại lớn trong quá trình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nói chung và CPH nói riêng; công tác quyết toán CPH chậm trễ, vướng mắc kéo dài.

Theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Văn bản số 2219/TT-ĐMDN ngày 1/12/2011 và Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 Bộ Công thương chưa thực hiện CPH 9 tổng Cty, Cty theo đề án gồm: Tổng Cty Giấy Việt Nam, Cty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC; 7 Cty thuộc các tập đoàn, tổng Cty. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về việc chưa hoàn thành nhiệm vụ CPH theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ đang phải tập trung chỉ đạo xử lý tháo gỡ (12 dự án ngành Công thương).

Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ một số vi phạm trong quá trình thực hiện CPH, thoái vốn tại Tổng Cty Thép Việt Nam (Vnsteel). Tổng Cty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Cty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thực phẩm và Đầu tư (Fococev), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE)…

Trong đó, tại Vnsteel, việc xác định giá trị doanh nghiệp tại Cty Thép tấm lá Phú Mỹ và Cty Thép Miền Nam khi xác định giá trị doanh nghiệp CPH Vnsteel được thực hiện bởi Cty Cổ phần Định giá và Dịch vụ Tài chính Việt Nam (VVFC)

Qua kiểm tra việc xác định tỷ lệ chất lượng còn lại của máy móc, thiết bị để xác định giá trị tài sản khi CPH Vnsteel cho thấy VVFC xác định tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của 127 máy móc thiết bị của Cty Thép Miền Nam và Cty Thép tấm lá Phú Mỹ không đúng quy định, dẫn đến xác định giá trị tài sản không đúng, thiếu gần 345 tỷ đồng (tạm tính)…

Tại VEAM, Thanh tra Chính phủ chỉ ra việc Bộ Công thương phê duyệt giá trị doanh nghiệp CPH gồm hai khoản đầu tư góp vốn tại Matexim Hà Nội và Disoco không đúng thời điểm đã làm giảm giá trị doanh nghiệp. Việc xác định giá trị doanh nghiệp cũng chưa đối chiếu đầy đủ các khoản công nợ phải thu, phải trả lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Tại Fococev Việt Nam - đơn vị chuyên cung ứng tinh bột sắn, có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh - được xác định có vi phạm khi xử lý tài chính với khoản nợ phải thu quá hạn không có khả năng thu hồi nên không xác định vào giá trị doanh nghiệp CPH hơn 59,9 tỷ đồng, nhưng chưa xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. Thời điểm chuyển sang Cty cổ phần (tháng 5/2016), số nợ không xác định vào giá trị doanh nghiệp còn 5 khoản khoảng 1,17 tỷ đồng Fococev chưa bàn giao cho Cty TNHH Mua bán nợ Việt Nam…

Tại MIE, về CPH, MIE thực hiện theo Quyết định số 4873/QĐ-BCT ngày 30/5/2014 của Bộ Công thương. Theo đó, tiến hành CPH Cty mẹ - MIE đồng thời với 4 Cty TNHH MTV là: Hameco, QTmex, Mecanimex, Technoimport. Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ chỉ ra việc CPH MIE không đạt mục tiêu đề ra.

Về thoái vốn, sau khi CPH, MIE chuyển hình thức hoạt động sang Cty cổ phần, Nhà nước vẫn nắm giữ 141.384.680 cổ phần tương ứng 99,57% vốn điều lệ; theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Văn bản 9717/BCT-TC ngày 19/10/2017 và Văn bản 1256/BCT-CN ngày 09/02/2018 của Bộ Công thương, năm 2018 phải thoái 63,57% vốn Nhà nước tại MIE, năm 2019 thoái nốt 36% vốn còn lại. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra và đến nay, Bộ Công Thương và MIE chưa thực hiện được việc thoái vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Công Thương nêu trên.

Tại EVN, giai đoạn 2011-2017, EVN phải thực hiện CPH 4 doanh nghiệp. Đến thời điểm thanh tra, hoàn thành CPH 1 doanh nghiệp là Cty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi năm 2011. Tuy nhiên, sau CPH EVN vẫn nắm giữ 99,93% vốn điều lệ trị giá hơn 4,2 nghìn tỷ đồng (chỉ bán được 0,07% cổ phần cho cán bộ công nhân viên Cty và cổ đông bên ngoài).

Qua kiểm tra, xác minh một số nội dung CPH của Tổng Cty Phát điện 3 (EVN GENCO3) thuộc EVN, Thanh tra Chính phủ nêu vốn điều lệ hơn 20,8 nghìn tỷ đồng, bán được 0,81%/49% phương án, nhà nước còn nắm giữ 99,19% vốn điều lệ, không lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược…

Bài 2: Tổng Công ty Thép Việt Nam xác định giá trị tài sản thiếu giá trị thực tế
Song Phương