Một báo cáo của EU trong tuần này sẽ cho biết, Ukraine đáp ứng 2 trong số 7 điều kiện để bắt đầu tiến hành đàm phán về tư cách thành viên, 2 quan chức cấp cao của EU nói với Hãng tin Reuters, nhấn mạnh việc ban điều hành khối chỉ ra những tiến bộ quốc gia này đã đạt được bất chấp có xung đột.

Trong một động thái mang tính biểu tượng cao, EU đã trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên gia nhập khối vào tháng 6/2022 - 4 tháng sau khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra.

Theo các chuyên gia, đây chỉ là một bước đi tiếp theo trong sự ủng hộ chính trị mà EU dành cho Ukraine, và chặng đường để Ukraine trở thành thành viên chính thức còn rất dài.

Sự dè dặt và thận trọng ban đầu từ phía EU là có lý do, khi Ukraine không chỉ là một quốc gia đang có xung đột mà còn vì trước khi cuộc chiến nổ ra, Ukraine cũng còn thiếu rất nhiều điều kiện để có thể đáp ứng yêu cầu làm ứng cử viên gia nhập EU, từ việc tham nhũng tràn lan cho đến thiếu các cải cách cần thiết về kinh tế, tư pháp, về môi trường hay quyền của người lao động.

EU đã đặt ra 7 điều kiện, bao gồm cải cách tư pháp và kiềm chế nạn tham nhũng, để khởi động các cuộc đàm phán về việc gia nhập.

Ukraine đã kêu gọi bắt đầu đàm phán trong năm nay.

Báo cáo của ban điều hành EU là một cột mốc quan trọng trong quá trình đó. Những người ủng hộ Ukraine nhanh chóng gia nhập EU hy vọng báo cáo sẽ dẫn đến quyết định của 27 quốc gia thành viên của khối vào tháng 12 để bắt đầu các cuộc đàm phán với Kiev.

2 quan chức cấp cao của EU, những người đã được thông tin về báo cáo chưa được công khai, cho biết Ukraine hiện đã đáp ứng 2 trong số các tiêu chí. Một quan chức cho biết những điều này liên quan đến cải cách tư pháp và luật truyền thông, đồng thời nói thêm rằng trọng tâm của báo cáo là về những mặt tích cực.

"Có tiến triển. Báo cáo là khá khả quan", một người nói với điều kiện giấu tên cho biết, “không phải là tô điểm cho thực tế mà là ghi nhận sự tiến bộ, có những vụ án tham nhũng nổi cộm được nêu tên chẳng hạn”.

Ukraine trong những tháng gần đây đã điều tra một số vụ án tham nhũng cấp cao, trong đó có việc bắt giữ người đứng đầu Tòa án Tối cao nước này vì nghi ngờ nhận hối lộ 2,7 triệu USD.

Ngoài những nỗ lực chống tham nhũng mạnh mẽ hơn, các tiêu chí khác bao gồm cải cách Tòa án Hiến pháp và thực thi pháp luật của Ukraine, các biện pháp chống rửa tiền cũng như luật để kiềm chế đầu sỏ chính trị và bảo vệ quyền của các dân tộc thiểu số.

Góc nhìn lc quan

Nguồn tin thứ ba của Reuters, cũng là một quan chức EU quen thuộc với các khuyến nghị của khối đối với Ukraine về pháp quyền, cho biết thêm:

"Về cải cách, góc nhìn khá lạc quan. Chúng tôi sẽ không áp dụng giọng điệu tiêu cực đối với Ukraine vào lúc này. Cải cách tư pháp đã đạt được một số tiến bộ, mặc dù vẫn còn những vấn đề quan trọng cần được thực hiện. Không phải tất cả đều đạt yêu cầu".

Quan chức này chỉ ra rằng, Ukraine đã bổ nhiệm những lãnh đạo mới của Văn phòng Công tố đặc biệt Chống tham nhũng và Cục Chống tham nhũng Quốc gia (NABU), theo yêu cầu.

Báo cáo - được coi là bản cập nhật tạm thời trước khi đánh giá chính thức vào tháng 10 - sẽ được gửi tới 27 đặc phái viên quốc gia EU tại trung tâm Brussels của khối vào ngày 21/6, và sau đó là cuộc họp của các bộ trưởng các vấn đề châu Âu tại Stockholm vào 22/6.

27 quốc gia thành viên có tiếng nói cuối cùng về việc có nên mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Kiev hay không và khi nào mở.

Để đủ điều kiện, Ukraine sẽ phải điều chỉnh luật với nhiều tiêu chuẩn mở rộng của EU, từ khí hậu đến lao động. Trên thực tế, con đường trở thành thành viên của Ukraine chắc chắn phải mất nhiều năm và ít người tin rằng nước này có thể gia nhập khi đang có xung đột.

Ngọc Anh