Hàng loạt cơ quan khẳng định khiếu nại của ông Thế không có cơ sở

Ngày 16/10/2012, ông Nguyễn Lương Thế, Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV), Giám đốc Công ty TNHH Kim Anh (Đống Đa, Hà Nội) cùng bà Nguyễn Kim Anh (vợ ông Thế) ký hợp đồng chuyển nhượng vốn góp 50% cổ phần tương đương 50 tỷ đồng cho ông Đoàn Minh Quân (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) để cùng thực hiện eự án khu nhà ở phố Wall, lô A, ô D4, khu đô thị mới Cầu Giấy, TP Hà Nội.

Các bên có giấy xác nhận về việc hoàn tất thủ tục chuyển nhượng và biên bản thanh lý hợp đồng đã nhận đủ tiền. Ông Thế đã trực tiếp gửi toàn bộ hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh (ĐKKD) lần 5 lên Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Hà Nội.

Ngày 31/10/2012, Công ty Kim Anh được cấp ĐKKD lần thứ 5 có tên ông Đoàn Minh Quân với 50% vốn điều lệ.

Từ ngày 31/10/2012 đến ngày 8/1/2015, sau gần 3 năm các thành viên công ty hoàn thành các thủ tục triển khai dự án nhà ở phố Wall và đã nộp được một phần nghĩa vụ tài chính đối với khoản tiền trúng giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho Nhà nước đủ điều kiện để xây dựng nhà ở của dự án.

Sau đó, ông Thế bất ngờ có kiến nghị cơ quan chức năng đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN) lần thứ 5 có tên ông Đoàn Minh Quân chiếm 50% vốn điều lệ của công ty với lý do hồ sơ giả mạo. Trong khi chính tay ông Thế là người đi nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận ĐKKD.

Trong khi ông Thế kiến nghị, ngày 29/05/2015, UBND quận Cầu Giấy ra Quyết định số 1920/QĐ-UBND về việc kiểm tra đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế đối với Công ty TNHH Kim Anh.

Ngày 18/6/2015, ông Thế đã ký Thông báo số 19/TB-KA yêu cầu ông Đoàn Minh Quân phải nộp đủ tiền trúng giá QSDĐ theo tỷ lệ vốn góp trong công ty.

Sau khi ông Quân đã nộp đủ tiền theo thông báo, ông Thế vẫn tiếp tục 3 lần kiến nghị, khiếu nại.

Sau đó, nhiều cơ quan chức năng đã vào cuộc giải quyết và có trả lời tới ông Thế.

Sở KH&ĐT Hà Nội, Bộ KH&ĐT, Văn phòng Chính phủ 2 lần có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đều khẳng định việc cấp giấy ĐKDN lần 5 của Công ty Kim Anh là đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, Công an TP Hà Nội; Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng, Bộ Công an đã nhiều lần khẳng định hồ sơ xin cấp giấy ĐKDN “chưa đủ căn cứ, cơ sở kết luận giả mạo”.

Đến ngày 12/8/2019, tại Bản án phúc thẩm số 13/2019/KDTM-PT, TAND Cấp cao tại Hà Nội (giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 07/2019/KDTM-ST ngày 06/03/2019 của TAND TP Hà Nội) đã tuyên xử: Không chấp nhận yêu cầu của ông Thế về việc tuyên bố các hợp đồng chuyển nhượng phần vốn đã ký chuyển nhượng cho ông Đoàn Minh Quân vô hiệu.

Tiếp đến, ông Thế cùng vợ là bà Nguyễn Kim Anh có đơn gửi TAND Tối cao để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm số 13/2019/KDTM-PT.

Qua nghiên cứu đơn đề nghị và tài liệu có trong số hồ sơ vụ án, TAND Tối cao có Thông báo số 295/TB-TA về việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm gửi ông Thế.

TAND Tối cao khẳng định những khiếu nại của Công ty Kim Anh, ông Thế và bà Kim Anh cho rằng các nội dung hợp đồng thỏa thuận nêu trên bị vô hiệu là không có căn cứ chấp nhận.

Cưỡng chế, thi hành án là đúng quy định của pháp luật

Không chỉ phải thực hiện bản án kể trên, đến ngày 9/5/2022, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội (THADS) có Quyết định số 78/QĐ-CTHADS về việc cưỡng chế giao tài sản, chuyển quyền giao tài sản đối với ông Thế và bà Kim Anh.

Quyết định này căn cứ vào Bản án số 478/2020/DS-PT ngày 23/12/2020 của TAND TP Hà Nội và Bản án số 63/2020/DS-ST ngày 31/8/2020 của TAND quận Ba Đình.

TAND TP Hà Nội đã tuyên buộc vợ chồng ông Nguyễn Lương Thế, bà Nguyễn Kim Anh cùng liên đới thanh toán trả nợ cá nhân cho vợ chồng ông Đoàn Văn Vinh, bà Đỗ Thị Kim Ngân (bố mẹ của ông Quân) có địa chỉ tại Tây Hồ, Hà Nội tổng số tiền trên 93,56 tỷ đồng.

Tính đến ngày 29/3/2022, vợ chồng ông Thế, bà Kim Anh phải trả cho ông Đoàn Minh Quân (người được vợ chồng ông Vinh chuyển giao quyền tài sản) là hơn 134 tỷ đồng.

Để thi hành án bản án, Cục THADS TP Hà Nội đã ban hành Quyết định cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản số 41/QĐ-CTHADS ngày 15/4/2021.

Cục THADS đã kê biên toàn bộ phần vốn góp của ông Thế và bà Kim Anh (chiếm 45% và 5% vốn điều lệ của Công ty TNHH Kim Anh) và thực hiện các thủ tục thẩm định giá, xử lý tài sản kê biên là phần vốn góp nêu trên để thi hành án.

Sau đó, Cục THADS TP Hà Nội đã có văn bản trao đổi với các cơ quan liên quan và xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp (Công văn 806/TCTHADS-NV1 ngày 18/03/2022), Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (Công văn 1323/VKSTC-V11 ngày 18/04/2022); Cục Đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT (Công văn 08/ĐKKD-NV ngày 13/01/2022), Viện Kiểm sát nhân dân Hà Nội (Công văn 852/VKS-P11 ngày 21/04/2022) đều cho rằng: Trong vụ việc cụ thể này, kết quả xác minh điều kiện thi hành án cho thấy tài sản của người phải thi hành là vốn góp. Do đó, chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý giá trị phần vốn góp của người phải thi hành án để bảo đảm thi hành án là phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời việc cho ông Đoàn Minh Quân là thành viên góp vốn duy nhất còn lại của Công ty TNHH Kim Anh nên được quyền ưu tiên mua phần vốn góp bị kê biên, xử lý để thi hành án theo Luật Doanh nghiệp năm 2020.

leftcenterrightdel

Ách tắc thủ tục hành chính: Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo Cục THADS TP Hà Nội: Trước khi thực hiện việc bán tài sản kê biên, Cục THADS TP Hà Nội cũng đã có thông báo gửi vợ chồng ông Thế, bà Kim Anh có quyền nộp các khoản tiền thi hành để nhận lại tài sản đã bị kê biên.

Tuy nhiên, hết thời hạn vợ chồng ông Thế đã không nộp tiền, không tự nguyện thi hành án nên cơ quan thi hành án đã phải áp dụng biện pháp cưỡng chế và bàn giao tài sản cho người mua được tài sản là ông Đoàn Minh Quân.

Ngày 13/05/2022, tại trụ sở Công ty TNHH Kim Anh, lực lượng cưỡng chế với sự tham gia đầy đủ gồm: Cán bộ, chấp hành viên, kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội, cán bộ lãnh đạo phường, tổ dân phố đã tổ chức thực hiện việc cưỡng chế, chuyển giao quyền tài sản là 50% vốn góp của vợ chồng ông Thế cho người mua được tài sản là ông Quân.

“Ông Quân trở thành thành viên duy nhất sở hữu toàn bộ phần vốn góp chiếm 100% vốn điều lệ của Công ty TNHH Kim Anh. Đồng thời, đơn vị này đề nghị Sở KH&ĐT Hà Nội, cơ quan ĐKKD có thẩm quyền xem xét, thực hiện thủ tục đăng ký, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp phù hợp, cấp giấy chứng nhận ĐKDN đối với ông Đoàn Minh Quân là thành viên duy nhất và sở hữu 100% phần vốn góp theo các quy định của pháp luật”- văn bản của Cục THADS nêu rõ.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh buổi cưỡng chế, chuyển giao tài sản tại Công ty TNHH Kim Anh 

Trao đổi về việc này, ông Đoàn Minh Quân cho biết: Hiện Công ty TNHH Kim Anh chưa thể thay đổi ĐKDN khiến rơi vào tình trạng “tê liệt”. Trong khi đó, từ ngày 13/5, tôi đã liên hệ với Sở KH&ĐT để thực hiện thay đổi hình thức doanh nghiệp, thay đổi giấy ĐKKD nhưng đơn vị này vẫn không có phản hồi, hướng dẫn cụ thể. Hiện nay, Công ty TNHH Kim Anh đang nợ ngân hàng và tiền thuế hàng trăm tỷ đồng. Vì vậy, công ty không thể nộp ngày nào thì số tiền nợ sẽ bị cưỡng chế 0,03%/ ngày nhân với ngày chậm nộp kèm các khoản phạt theo quy định. Ước tính số tiền công ty bị thiệt hại từ ngày 13/05/2022 đến nay là gần 10 tỷ đổng. Việc chậm trễ này khiến doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải “gánh” một khoản nợ, tiền lãi rất lớn với ngân hàng. Hiện toàn bộ dự án của doanh nghiệp đang triển khai phải đình trệ, người lao động hoàn toàn không có việc làm.

Tất cả các khoản thiệt hại của công ty do các cơ quan chậm trễ về thủ tục hành chính ông Quân không chịu trách nhiệm. Ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm khi xảy ra thiệt hại cho doanh nghiệp khi lỗi chậm về thủ tục hành chính thuộc về các cơ quan chức năng?

Phòng ĐKKD, Sở KH&ĐT Hà Nội ngày 03/06/2022 và ngày 17/06/2022 đã có văn bản gửi Cục Quản lý ĐKKD, Bộ KH&ĐT đề nghị hướng dẫn chuyên môn đối với đầu mục hồ sơ liên quan đối với trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp do thi hành án dân sự như của Công ty Kim Anh và việc ông Đoàn Minh Quân đứng ra triệu tập, tổ chức cuộc họp HĐTV với 2 tư cách (người có 50% vốn góp và mua được 50% vốn góp từ thi hành án - PV) để có cơ sở giải quyết.

Đến ngày 23/6/2022, Cục Quản lý ĐKKD tiếp tục có Văn bản số 127/ĐKKD-NV gửi Tổng cục THADS cho biết nhận được văn bản của Sở KH&ĐT Hà Nội về trường hợp của Công ty Kim Anh.

Cục Quản lý ĐKKD đề nghị Tổng cục THADS cho ý kiến về việc: Quyết định, biên bản cưỡng chế và biên bản bàn giao tài sản cưỡng chế có giá trị pháp lý tương đương hợp đồng chuyển nhượng hoặc giấy tờ chứng minh việc hoàn tất chuyển nhượng hay không.

Đơn vị này đề nghị Tổng cục THADS trả lời trước ngày 29/6.

Có thể thấy, chính từ việc, các cơ quan chức năng vẫn phải hỏi “vòng vèo” chưa có phản hồi khiến doanh nghiệp rơi vào trạng thái đình trệ và phải tiếp tục gánh một khoản lãi lớn theo cấp số nhân lên tới hàng chục tỷ đồng.

Chính Bình