Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội tại Văn bản số 12347 ngày 25/12/2017 về việc xem xét đề nghị của UBND quận Bắc Từ Liêm về chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án Đề pô xe điện thuộc Dự án Tuyến đường sắt thí điểm TP Hà Nội (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội), ngày 20/4/2018, liên ngành gồm: Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng (GPMB) TP, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên & Môi trường và UBND quận Bắc Từ Liêm đã họp và thống nhất có Công văn số 180 về việc UBND quận Bắc Từ Liêm đề nghị xem xét chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án Đề pô xe điện thuộc Dự án Tuyến đường sắt thí điểm TP Hà Nội.

Trước đó, trong các ngày 12/1/2018 và 25/1/2018, Ban Chỉ đạo GPMB TP đã chủ trì họp cùng Sở Tài chính, Sở Tài nguyên & Môi trường, Thanh tra TP và UBND quận Bắc Từ Liêm để thảo luận về việc này.

Theo báo cáo đề xuất của quận Bắc Từ Liêm, Dự án Đề pô xe điện thuộc Dự án Tuyến đường sắt thí điểm TP Hà Nội đã hoàn thành công tác GPMB từ tháng 1/2015. Tuy nhiên, tại Dự án còn tồn tại nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm việc làm cần được tiếp tục xem xét, giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất bị thu hồi. UBND quận Bắc Từ Liêm báo cáo như sau:

UBND quận Bắc Từ Liêm đã rà soát lại toàn bộ các trường hợp sử dụng đất bị thu hồi tại dự án. Ngày 29/9/2017 và ngày 2/11/2017, Thanh tra quận có các Báo cáo số 268 và 309 về kết quả rà soát các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp được giao. Kết quả có 132 hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp được giao, trong đó có 50 hộ được UBND quận Bắc Từ Liêm phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ trước ngày Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 (NĐ 84) của Chính phủ có hiệu lực, 82 hộ phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ trong khoảng thời gian từ sau ngày NĐ 84 có hiệu lực.

UBND quận Bắc Từ Liêm đề nghị TP chấp thuận bổ sung chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm bằng hình thức giao đất ở hoặc bằng tiền theo quy định tại Quyết định số 33 ngày 9/6/2008 và Quyết định số 18 ngày 29/9/2008 của UBND TP Hà Nội.

Cơ sở đề xuất của UBND quận Bắc Từ Liêm là dựa trên quy định tại Điều 48 NĐ 84, Quyết định số 33 ngày 9/6/2008 của UBND TP Hà Nội, Văn bản số 1751 ngày 7/3/2013 của UBND TP Hà Nội (cho dự án khu đô thị Cổ Nhuế) và Văn bản số 5062 ngày 5/8/2013 (cho dự án xây dựng đường vào khu công nghiệp Nam Thăng Long).

Theo ý kiến của liên ngành, trong khoảng thời gian từ sau khi NĐ 84 có hiệu lực đến ngày 1/1/2008, UBND TP Hà Nội không quy định việc thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng hình thức giao đất ở. Chính sách này vẫn thực hiện theo quy định tại Điều 21, Quyết định số 26/2005/QĐ-UBND của UBND TP tại tất cả dự án thu hồi đất trên địa bàn Hà Nội. (theo số liệu thống kê sơ bộ, trong khoảng thời gian từ ngày 1/7/2007 đến 31/12/2007 tại địa bàn các huyện của TP có khoảng 67 dự án thu hồi mới (trong tổng số hơn 350 dự án phải thu hồi đất trong cả năm 2007) với diện tích đất nông nghiệp thu hồi mới trong giai đoạn này (không bao gồm các dự án chuyển tiếp) là khoảng 200ha/6.000 hộ sản xuất nông nghiệp).

132 hộ dân bị thu hồi đất tại Dự án Đề pô ở các phường Minh Khai, Tây Tựu được phê duyệt phương án trước và Quyết định thu đất kể từ sau khi NĐ 84 của Chính phủ đã có hiệu lực. 

Thậm chí, trong Văn bản số 225 ngày 6/4/2016 của Ban Chỉ đạo GPMB TP Hà Nội về xem xét việc UBND quận Bắc Từ Liêm đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho các hộ gia đình khi thu hồi đất thuộc giai đoạn 1 của dự án này đã khẳng định: “Liên ngành thống nhất, về pháp lý, theo quy trình thực hiện GPMB, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ được ban hành sau quyết định thu hồi đất. Các hộ dân được áp dụng chính sách bồi thường hỗ trợ và tái định cư tại thời điểm thu hồi đất”.

Nếu áp dụng theo nguyên tắc này thì đương nhiên 132 hộ dân ở đây phải được hưởng chính sách theo đúng quy định của pháp luật quy định tại NĐ 84. Vì NĐ 84 là của Chính phủ đương nhiên phải áp dụng cho người dân chứ không phải áp dụng Quyết định của TP Hà Nội. 

Để trả lời cho việc UBND TP Hà Nội ban hành Văn bản số 1751 ngày 7/3/2013 chi trả quyền lợi cho người dân tại dự án Khu đô thị Cổ Nhuế là do có sự chỉ đạo của Chính phủ về việc giải quyết khiếu nại của một số đông dân xã Cổ Nhuế, trong đó có nội dung thực hiện chính sách hỗ trợ, chuyển đổi nghề nghiệp đào tạo việc làm bằng hình thức giao đất ở (đất dịch vụ) hoặc bằng tiền đối với các hộ bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp được giao khi thực hiện dự án Khu đô thị Cổ Nhuế, liên ngành cho biết đây là chính sách đặc thù của UBND TP Hà Nội cho riêng dự án này. 

Văn bản 12347 ngày 25/12/2017 là văn bản thứ 4 mà TP chỉ đạo nhưng về nội dung thì không có gì khác so với Văn bản số 941 ngày 27/8/2015, Văn bản 8154 ngày 25/11/2015 và Văn bản số 6337 ngày 5/7/2017.

"Điệp khúc" được cất lên thêm lần nữa khi liên ngành đề xuất: "Đây là nội dung phức tạp kéo dài, liên quan đến nhiều hộ dân, có khả năng gây bất ổn tình hình an ninh tại địa phương. Liên ngành báo cáo và đề nghị UBND TP giao Thanh tra TP rà soát nội dung đề nghị của UBND quận Bắc Từ Liêm, tham mưu, báo cáo UBND TP".

Trong Văn bản 180 của liên ngành cũng nhấn mạnh "UBND huyện Từ Liêm đã thực hiện việc thu hồi đất đến từng hộ và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ xong trong năm 2007, các hộ dân cũng đã chấp hành bàn giao đất trong năm 2007". 

Trước thực trạng này nhiều người dân dí dỏm: "Sài Gòn đã có Thủ Thiêm! Thủ đô cũng có nỗi niềm Đề pô". 

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Nam Dũng