Ngày 5/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã họp trực tuyến với TP Hồ Chí Minh để triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Đầu cầu TP Hồ Chí Minh có Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham dự.

Xét nghiệm tiết kiệm, hiệu quả, không chạy theo số lượng

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, từ 6h ngày 4/7 đến 6h ngày 5/7, TP ghi nhận 711 ca mắc COVID-19, trong đó, 169 ca tầm soát trong các bệnh viện, 12 ca tầm soát trong cộng đồng, các ca còn lại phát hiện trong các khu cách ly, khu phong tỏa.

Theo lãnh đạo TP, trong bối cảnh dịch vẫn diễn biến phức tạp, cần có biện pháp để giảm nhanh sự phát tán của các mầm bệnh.

“Phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 10/CT-UBND về siết chặt và tăng cường biện pháp phòng, chống dịch là một trong những yếu tố quyết định giảm sự phát tán của virus”, ông Dương Anh Đức nêu.

TP thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 10/CT-UBND, có nghĩa, tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg trên toàn TP và tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên các khu vực hẹp bên trong.

Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định tinh thần chỉ đạo sâu sát, quyết liệt trong việc bảo đảm đời sống cho người dân, đặc biệt những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, tích cực triển khai nhiều biện phải đảm bảo an toàn cho Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021.

TP Hồ Chí Minh phân cấp, giao quyền cụ thể trong chống dịch COVID -19

Bí thư Thành uỷ TP Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, sau cuộc họp trực tuyến do Thủ tướng chủ trì hôm qua (4/7), TP chỉ đạo củng cố, kết nối thông tin, dữ liệu dịch bệnh với Trung ương để phân tích, đánh giá diễn biến dịch sát thực tế.

Ban Thường vụ Thành uỷ đã phân công mỗi Uỷ viên Thường vụ cùng phụ trách, chia sẻ với các quận, huyện, TP Thủ Đức… Đồng thời, giao Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hoà Bình phối hợp với các địa phương lân cận để kiểm soát người qua lại và bảo đảm lưu thông hàng hoá. Việc phân cấp, giao quyền cũng đã được phân định rạch ròi, để phát huy trách nhiệm của từng quận, huyện.

Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh đang tập trung chấn chỉnh, nâng cao công tác lấy mẫu xét nghiệm bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, trả kết quả ngay, tránh tồn đọng mẫu… Tất cả các bộ phận phải tập trung tối đa cho công tác truy vết, bởi truy vết càng nhanh, càng sớm phát hiện cách ly F0, F1 ngăn chặn lây lan ra xã hội. 

Sau khi nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, TP Hồ Chí Minh kết hợp các công nghệ xét nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, “trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả nhất, không chạy theo số lượng”, phục vụ công tác truy vết, phát hiện nhanh ca nhiễm.

“Tuyệt đối không để tình trạng lấy mẫu nhiều nhưng không xét nghiệm kịp do công suất xét nghiệm không đáp ứng được hoặc không có đủ thông tin. Kết quả xét nghiệm phải đầy đủ thông tin, bao gồm cả nồng độ virus, để phục vụ công tác truy vết”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Tích hợp kết quả xét nghiệm, tiêm vaccine vào mã QR cá nhân

Với người dân có nhu cầu đi lại, TP phải có phương án thông báo kết quả xét nghiệm cho người dân.

Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn cụ thể việc tích hợp kết quả xét nghiệm, tiêm vaccine của người dân vào mã QR cá nhân, tạo thuận lợi cho các điểm kiểm soát người ra, vào vùng dịch.

“Người được xét nghiệm âm tính không có nghĩa tuyệt đối an toàn, mọi người dân vẫn phải tuyệt đối cảnh giác, thực hiện nghiêm thông điệp 5K”, Phó Thủ tướng lưu ý.

leftcenterrightdel
Theo lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, trong bối cảnh dịch vẫn diễn biến phức tạp, cần có biện pháp để giảm nhanh sự phát tán của các mầm bệnh. Ảnh: Đ.Nam 

Cùng với việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 10/CT-UBND, TP Hồ Chí Minh phải khẩn trương thống nhất với Bộ Y tế, các địa phương lân cận để có hướng dẫn kiểm soát chặt chẽ người ra, vào TP, bảo đảm lưu thông hàng hoá không bị ách tắc. Những người thật cần thiết đến TP Hồ Chí Minh phải thực hiện xét nghiệm.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, về mặt công nghệ, tất cả người dân đều đã được cấp mã QR qua các ứng dụng như khai báo y tế hay Bluezone, NCOVI. Người dân chỉ cần quét điện thoại chứa mã QR khi đi qua các điểm kiểm soát.

Trong vòng 24 giờ tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với Bộ Y tế khẩn trương tích hợp kết quả xét nghiệm, tiêm vaccine, vào mã QR code cá nhân.

Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị tất cả những người có nhu cầu ra vào TP Hồ Chí Minh bắt buộc khai báo y tế, thực hiện xét nghiệm đầy đủ. Với công nhân ngoại tỉnh làm việc tại TP Hồ Chí Minh, TP sẽ có thỏa thuận cụ thể với các tỉnh lân cận.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ngày 4/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần tập trung cao nhất cho TP Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngoài phụ trách công tác phòng, chống dịch chung của cả nước, trực tiếp cùng Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại đây.

Hương Giang