Xác định trụ cột phát triển kinh tế

Nhằm cụ thể hóa những mục tiêu đề ra, Quảng Ninh đã hoàn thành việc lập và phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, sẽ đầu tư mạnh mẽ theo hướng xanh hóa, tăng năng suất, dịch chuyển sang các ngành công nghiệp công nghệ cao và tập trung phát triển kinh tế biển.

Tỉnh Quảng Ninh xác định, trụ cột phát triển kinh tế trong giai đoạn tới sẽ dựa trên các ngành: Chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao; du lịch bền vững, đẳng cấp; sản xuất năng lượng sạch hơn; khai khoáng thân thiện hơn với môi trường; dịch vụ vận tải, logistics…

Hiện nay, Quảng Ninh đang chuyển đổi từ quy hoạch phát triển khu công nghiệp theo tư duy truyền thống sang phát triển “hệ sinh thái công nghiệp” với yêu cầu gắn giữa công nghiệp hóa với dịch vụ hóa và đô thị hóa; giữa công nghiệp hóa với bảo vệ môi trường theo nguyên lý kinh tế tuần hoàn; giữa công nghiệp hóa, đô thị hóa với nâng cao chất lượng sống của người dân, nhất là dân nhập cư đô thị.

Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phát triển theo đúng quy hoạch, bước đầu đã hình thành chuỗi công nghiệp dệt công nghệ cao, cơ khí chế tạo, lắp ráp linh kiện, thiết bị điện, điện tử, ô tô, sản phẩm quang năng…

6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Ninh tiếp tục tăng trưởng cao, ước tăng 9,02%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 30.774 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nội địa ước đạt 21.324 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 9.450 tỷ đồng…

Một trong những kết quả nổi bật là tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1,549 tỷ USD, bằng 141% kế hoạch 6 tháng đầu năm, bằng 51,6% kế hoạch năm 2024 (thu hút 3 tỷ USD); ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 23,05%, cao hơn 10,3% so với cùng kỳ, tiếp tục là động lực tăng trưởng chính.

Trong lĩnh vực du lịch, đến nay, Quảng Ninh đã đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch cũng như đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đồng bộ, hiện đại, hấp dẫn để tạo ra những bước phát triển đột phá mang bản sắc riêng, như: Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Hạ Long; Công viên Đại Dương; Quần thể nghỉ dưỡng và sân Golf FLC; Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử; Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh; Bảo tàng - Thư viện tỉnh; Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh...

Cùng với đó, Quảng Ninh còn tăng cường mở rộng, thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược có uy tín, thương hiệu, có tiềm lực kinh tế lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, như Sun Group, Vingroup... với nhiều sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế, giúp nâng tầm du lịch Quảng Ninh.

Đặc biệt, thời gian gần đây, việc xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn cả 4 mùa trong năm với việc phát triển các sản phẩm du lịch mới, như: Festival áo dài, Yên Tử về miền đất Phật mùa Thu - Tưởng nhớ Phật hoàng Trần Nhân Tông, Carnaval mùa Đông... cũng đang là những định hướng phát triển du lịch hợp lý và mang lại hiệu quả.

leftcenterrightdel
 Quảng Ninh đang phấn đấu trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn cả 4 mùa trong năm. Ảnh: Trọng Tài

6 tháng đầu năm, ngành dịch vụ du lịch của Quảng Ninh tăng 13,85%, tổng khách du lịch đến với tỉnh ước đạt 10,4 triệu lượt. Trong đó, khách quốc tế ước đạt gần 2 triệu lượt, tăng 140% so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch ước đạt 22.285 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ; 64 sản phẩm du lịch mới được tập trung triển khai…

“Trái ngọt” từ sự nỗ lực…

Song song với việc phát triển kinh tế, Quảng Ninh còn làm tốt công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến nay, hầu hết các nhà máy trên địa bàn tỉnh đều có hệ thống xử lý nước thải, làm tốt công tác xử lý chất thải rắn. Tất cả khu công nghiệp đang hoạt động đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung bảo đảm thu gom toàn bộ nước thải phát sinh; có phương án ứng phó và khắc phục sự cố của hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Ngoài ra, Quảng Ninh cũng là một trong số ít địa phương ban hành quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản lồng, bè, giàn có sử dụng phao nổi. Tỉnh cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp; phấn đấu đến năm 2025 sẽ chấm dứt khai thác, đóng cửa toàn bộ mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường để hoàn nguyên môi trường.

Với những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng xanh vì sự phát triển bền vững, đầu tháng 5 vừa qua, tại Thủ đô Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); các doanh nghiệp và người dân vinh danh là tỉnh dẫn đầu Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) của cả nước.

Đây cũng là lần đầu tiên, Quảng Ninh đứng đầu bộ chỉ số danh giá này sau 1 năm chính thức VCCI tổ chức công bố. Việc đứng đầu cả nước về PGI là sự ghi nhận xứng đáng với những nỗ lực của Quảng Ninh trong công tác bảo vệ môi trường.

Đây là năm thứ 2 VCCI triển khai, công bố PGI, tiếp nối phiên bản thử nghiệm được giới thiệu lần đầu tiên vào tháng 4/2023. Năm 2023, Quảng Ninh có PGI cao nhất cả nước với tổng điểm của cả 4 chỉ số thành phần là 26 điểm. Đáng chú ý, 4/4 chỉ số thành phần đều tăng điểm so với năm 2022.

Nhằm thực hiện quyết tâm của tỉnh trong việc phát triển kinh tế xanh một cách bền vững, Quảng Ninh sẽ hướng tới mục tiêu tiếp tục duy trì nhóm dẫn đầu cả nước về PGI, tăng dần tổng điểm qua từng năm. Trong đó, năm 2024, tổng điểm phấn đấu được cải thiện từ 26 lên 30 điểm, ưu tiên tập trung cải thiện vượt bậc điểm số và thứ hạng của 2 chỉ số thành phần là giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thiên tai, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu…

Thực tế cho thấy, đường lối phát triển kinh tế xanh của Quảng Ninh đang được thực hiện quyết liệt và đã đạt được nhiều thành công. Thời gian tới, với quyết tâm và việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, tỉnh sẽ sớm hoàn thành mục tiêu trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về các chỉ tiêu bảo vệ môi trường cũng như phát triển kinh tế theo mô hình tăng trưởng xanh, bền vững. Qua đó, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, khách du lịch trong nước và quốc tế.

Trọng Tài