Tính đến 10 giờ ngày 19/9, vị trí tâm bão khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển ven bờ từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất cấp 8-9 (62-88km/h), giật cấp 11. Tại huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 10, khu vực thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) có gió giật cấp 8.

Lượng mưa trên địa bàn tỉnh từ 19 giờ ngày 18/9 đến 11 giờ ngày 19/9 phổ biến từ 80-140mm, có nơi cao hơn, như: La Tó 223mm, Tà Long 195,8mm, Ba Nang 152,8mm… Dự báo từ sáng ngày 19/9 đến hết ngày 20/9 khu vực Quảng Trị có mưa to đến rất to và dông. Tổng lượng mưa phổ biến 100-220 mm, có nơi trên 300mm.

leftcenterrightdel
 Nhiều ngầm, tràn tại huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị bị ngập lụt, gây chia cắt giao thông. Ảnh: Minh Tân

Quảng Trị cũng đã phát đi cảnh báo từ ngày 19/9 đến ngày 20/9, trên các sông trong tỉnh xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2-5m, hạ lưu đạt từ 1-3m. Đỉnh lũ trên các sông lên mức từ báo động 1 đến báo động 2.

Mưa lớn đã khiến ngập lụt cục bộ tại một số ngầm, tràn gây chia cắt giao thông. Trong đó, tại huyện Đakrông: Cầu tràn A Ngo - A Bung, ngầm tràn Tà Rụt - A Ngo, ngầm tràn Ly Tôn, ngầm tràn thôn Làng Cát ngập khoảng 0,3-0,5m gây chia cắt giao thông. Tại huyện Hướng Hóa, tại các điểm: Tràn thôn Cooc, xã Hướng Linh; tràn thôn Loa, tràn thôn Trùm, xã Ba Tầng; tràn Bản Bù, xã Tân Lập; tràn xã Lìa đi xã Xy; tràn Húc Thượng, xã Húc ngập 0,5-1m.

leftcenterrightdel
 Cây xanh ngã đổ dọc các tuyến đường ở các huyện ven biển. Ảnh: Minh Tân

Chính quyền các địa phương đã cử các lực lượng chốt chặn tại các ngầm, tràn bị ngập lụt ngăn chặn người, phương tiện qua lại tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.

Tại các huyện ven biển, mưa lớn kèm gió giật mạnh cấp 8 khiến nhiều bảng hiệu của các hàng quán bị đổ, nhiều cây xanh dọc tuyến đường ven biển cũng bị gãy đổ.

Trước đó, trong sáng ngày 18/9, tại địa bàn thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) đã xảy ra lốc xoáy gây tốc mái, hư hỏng một số tài sản tại Trường Mầm non thị trấn Cửa Việt và hộ gia đình ông Trần Đình Học. Hiện các lực lượng chức năng tại chỗ đã hỗ trợ khắc phục.

leftcenterrightdel
 Một số cây xanh mới trồng tại bãi biển Cửa Việt cũng bị ngã do gió giật mạnh. Ảnh: Minh Tân

Sáng ngày 19/9, các điểm trường địa bàn huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh, Gio Linh, thị xã Quảng Trị đã cho học sinh nghỉ học; một số điểm trường địa bàn các huyện Hải Lăng, Đakrông, Hướng Hóa, Triệu Phong, thành phố Đông Hà đã cho học sinh nghỉ học. Đối với các điểm trường còn lại sẽ cho nghỉ học từ chiều ngày 19/9.

leftcenterrightdel
 Trưa ngày 19/9, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị kiểm tra công tác phòng, chống bão số 4. Ảnh: Minh Tân

Với các phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai xảy ra trên địa bàn, tỉnh Quảng Trị chia thành 5 vùng trọng tâm sau: Vùng trực tiếp bão, nước biển dâng thuộc các huyện ven biển Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ. Vùng ngập sâu ở trên các lưu vực sông Thạch Hãn, Ô Lâu, Bến Hải, sông Hiếu, Sê Pôn. Vùng lũ quét ở Hướng Hoá, ĐaKrông, gò đồi ở Cam Lộ. Vùng sụt lún, sạt lỡ đất ở Cam Lộ, ĐaKrông, Hướng Hoá. Vùng ngập cục bộ ở Hướng Hoá, ĐaKrông, Cam Lộ.

Các địa phương và các đơn vị chức năng đã chuẩn bị các phương án và sẵn sàng di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm khi có lệnh. Ở các vùng này tiến hành sơ tán dân tránh trú từ nhà tạm không đảm bảo phòng, chống thiên tai đến các nhà kiên cố như: Nhà dân cao tầng kiên cố, trường học, trụ sở cơ quan, trụ sở UBND, trạm Y tế, Đồn Biên phòng, nhà cộng đồng...