Chuyển đổi số cần có con người số

Phát biểu tại hội thảo, anh Nguyễn Ngọc Long, Bí thư Đoàn Thanh niên Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu khách quan diễn ra trên mọi mặt của đời sống xã hội. Xu thế này đang ngày càng phát triển ở khắp nơi trên thế giới và Việt Nam. Trong đó, con người chính là trọng tâm của hoạt động chuyển đổi số và thanh niên cần là lực lượng tiên phong, đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Theo anh Long, trên thực tế, việc triển khai chuyển đổi số trong tổ chức Đoàn hiện nay còn chậm và chưa đồng bộ nếu xét toàn diện trên phạm vi tổng thể cả nước và một phần nguyên nhân trở ngại là do cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn.

“Một bộ phận đoàn viên, thanh niên còn tư duy ngại thay đổi trong việc tìm tòi, học hỏi, ứng dụng công nghệ; chưa mạnh dạn nhận nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó để thể hiện vai trò, năng lực của tuổi trẻ” - anh Long cho hay.

Tọa đàm là cơ hội để chúng ta nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số, cũng như trách nhiệm của tuổi trẻ trong vấn đề chuyển đổi số.

Tại hội thảo, ông Trần Thái Sơn, Giám đốc Cổng Thông tin điện tử, Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ, chuyển đổi số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Động lực chính của xã hội số là công nghệ số, dựa trên sự tăng trưởng thông tin, dữ liệu một cách nhanh chóng, làm thay đổi mọi khía cạnh của tổ chức xã hội, từ Chính phủ, kinh tế cho tới người dân.

Theo ông Sơn, việc tiếp cận và tiếp thu chuyển đổi số cần có con người số, công dân số mà thanh niên là lực lượng dễ tiếp cận, tiếp thu nhất, là nguồn nhân lực trẻ, năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh. Chính vì thế, thanh niên với sức trẻ, nhiệt huyết, sáng tạo cần phát huy vai trò tiên phong, nòng cốt trong chuyển đổi số. Đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đáp ứng xu thế chung của thời đại, đưa nước ta hội nhập sâu rộng vào sự phát triển chung của thế giới. Trong quá trình đó, thanh niên là lực lượng có đầy đủ những phẩm chất cần thiết để tiên phong trong tổ chức thực hiện.

Ông Sơn cũng cho rằng, để thực hiện chuyển đổi số, chính đội ngũ đoàn viên thanh niên phải là nhân tố then chốt, được trang bị đầy đủ kỹ năng và khả năng sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, các trang thiết bị, phương tiện phục vụ chuyển đổi số. Do đó, các cấp bộ Đoàn, đặc biệt tại các đơn vị cung cấp dịch vụ công, cần tăng cường tổ chức tập huấn, hội thảo, tọa đàm, đề xuất đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đoàn viên thanh niên, bảo đảm thực hiện tốt yêu cầu công tác trong quá trình chuyển đổi số.

“Với lợi thế là lực lượng trẻ tuổi, đoàn viên thanh niên có khả năng tiếp cận nhanh các xu hướng mới, hiện đại thông qua các thiết bị công nghệ và môi trường mạng. Đây cũng là đội ngũ chính để tuyên truyền, vận động người dân áp dụng công nghệ số vào cuộc sống. Đồng thời, cần tăng cường các công trình, phần việc thanh niên về ứng dụng khoa học - công nghệ để phục vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, cũng như góp phần vào công cuộc chuyển đổi số của đất nước” - ông Sơn nhấn mạnh.

Chuyển đổi số là phải tạo ra những sản phẩm mới, văn hoá mới trong toà soạn 

Anh Nguyễn Hải Đăng, Đoàn Thanh niên Báo Nhân dân cho biết, trong năm 2023, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XII đã quyết định chọn chủ đề công tác năm 2023 là: “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”. Tương tự, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã lấy chủ đề công tác năm “Phát huy thanh niên trong chuyển đổi số, khởi nghiệp, lập nghiệp, phục hồi sau đại dịch”; năm 2023 lấy chủ đề là “Thanh niên tiên phong trong chuyển đổi số”.

Như vậy, có thể thấy sự biến chuyển lớn trong tư duy của những thủ lĩnh đoàn nhằm huy động, đóng góp công sức của lực lượng thanh niên tham gia Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia.

Tuy nhiên theo anh Đăng, Đoàn Thanh niên cũng cần trở thành một tổ chức hỗ trợ ý tưởng sáng tạo khoa học nói chung, khoa học công nghệ nói riêng bằng cách trở thành kênh kêu gọi các nguồn quỹ xã hội hóa, kết hợp những nguồn lực của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp trong việc hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo.

Tại Việt Nam, đây là thời điểm không thể tốt hơn để thế hệ trẻ thể hiện sự năng động, sáng tạo của mình trong sự vận động không ngừng, sinh động và đa dạng của nền kinh tế trí thức. Với tư cách là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải khẳng định rõ là lực lượng nòng cốt chính trị, đội tiên phong trong phong trào thanh niên và trong các tổ chức thanh niên Việt Nam trên hành trình chuyển đổi số.

 Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định: Chuyển đổi số là con đường khó khăn vô cùng. Chúng ta có thể tạo ra hàng trăm sản phẩm mới phát triển ứng dụng mới nhưng những sản phẩm đó chẳng giúp ích gì nếu chúng ta không có tư duy mới, nếu không giải quyết những vấn đền văn hoá cốt lõi, sự phối hợp, cách tương tác với độc giả và cả cách tương tác với nhau trong toà soạn thì chuyển đổi số không có tác dụng gì hết.

"Chuyển đổi số đến từ con người chứ không phải công nghệ. Nhiều cơ quan báo chí cho rằng chỉ cần mua một số máy móc, phần mềm là chúng ta chuyển đổi số xong. Một số cơ quan báo chí địa phương khi mà gửi đề án chuyển đổi số để tham vấn trước khi báo cáo lên tỉnh uỷ, chính quyền chỉ là kế hoạch mua thêm bao nhiêu máy tính, máy ảnh, máy quay, phần mềm - đó không phải chuyển đổi số", ông Lê Quốc Minh cho hay.

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chuyển đổi số là tạo thêm giá trị tương tác với người dùng và khách hàng, chuyển đổi số là thay đổi cách vận hành của doanh nghiệp. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục viết bài như thế, chụp ảnh như thế, làm chương trình phát thanh truyền hình như thế thì không gọi là chuyển đổi số, mà chuyển đổi số là phải tạo ra những sản phẩm mới, thậm chí là văn hoá mới trong toà soạn.

Tại các cơ quan báo chí, nếu không thay đổi quy trình làm việc, văn hoá công sở, cách trao đổi với nhau, cách xây dựng bộ máy, phân cấp trong toà soạn, mọi thay đổi tạo ra cũng chỉ nằm bên rìa mà thôi. 

Theo ông Minh, những yếu tố thành công của chuyển đổi số đó là, những đơn vị chuyển đổi số thành công thường sử dụng nhiều công nghệ phức tạp như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và công nghệ máy móc tiên tiến. Cùng với đó là lãnh đạo am hiểu công nghệ và có kế hoạch xây dựng năng lực cho đội ngũ nhân viên của tương lai;

Bên cạnh đó cần tạo điều kiện cho nhân viên làm việc theo cách thức mới, tăng cường sử dụng các công cụ digital, thường xuyên trao đổi thông qua các biện pháp thành công.

“Phát triển tài năng và kỹ năng trong toàn bộ công ty - một bước đi them chốt cho mọi quá trình chuyển đổi truyền thông là một trong những yếu tố quan trọng nhất để chuyển đổi số thành công” - ông Minh nhấn mạnh