Trao đổi tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã thẳng thắn chia sẻ với khán giả xoay quanh hiện tượng một bộ phận báo chí hiện nay tìm đến những thị hiếu tầm thường, nhằm tăng số lượng truy cập, thỏa hiệp tính trung thực, khách quan để đạt được mục đích kinh tế.

Trong bối cảnh đó, việc nâng cao nhận thức về văn hóa, tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, xây dựng cơ quan báo chí và người làm báo văn hóa là yêu cầu cấp thiết.

Các diễn giả cho rằng, để phong trào xây dựng văn hóa cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo cả nước cần thường xuyên thực hiện, lan tỏa phong trào ra xã hội; duy trì, tạo thành nền nếp, từ đó tạo nên nhiều những sản phẩm báo chí có chất lượng, giàu giá trị văn hóa tốt đẹp, góp phần khơi dậy, định hướng những dòng chảy văn hóa tích cực trong đời sống xã hội.

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà Báo Việt Nam, báo chí là một bộ phận của văn hóa. Những bài báo viết hàng ngày, sản phẩm báo chí mà các nhà báo sáng tạo ra hàng ngày chính là sứ giả đưa văn hóa ra xã hội. Báo chí có vai trò hết sức quan trọng trong việc chuyển tải văn hóa, lan tỏa văn hóa ra xã hội.

Mặt khác, báo chí là một sản phẩm có tính văn hóa do con người tạo ra, đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền, giáo dục... Bản thân tác phẩm báo chí chứa đựng tri thức văn hóa, thông điệp có sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ tới công chúng.

Năm 2022, Hội Nhà báo Việt Nam đã phát động phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” và đã được rất nhiều cơ quan báo chí tham gia hưởng ứng.

Trong đó, Hội Nhà báo Việt Nam công bố Bộ “Tiêu chí văn hóa của người làm báo Việt Nam”.

Tất cả những phong trào và tiêu chí này đều hướng đến chủ đề xây dựng văn hóa cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo. 

Đặc biệt, nền báo chí cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, tinh thông nghề nghiệp và có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nhân văn, nỗ lực phấn đấu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Những phẩm chất cao quý, kết tinh thành giá trị văn hóa luôn được giữ gìn, trao truyền, trở thành niềm tự hào của những người làm báo cách mạng.

Nhà báo Hồ Quang Lợi băn khoăn, bên cạnh những nhà báo có những cống hiến cho đất nước, cho sự phát triển của sự nghiệp báo chí, mang lại vinh quang cho nhà báo, nghề báo, hiện nay, trong hệ thống báo chí có hiện tượng rất đáng lo ngại. Đó là một bộ phận không nhỏ những người làm báo và mang danh báo chí đã không làm nghề để phục vụ cộng đồng, phục vụ đất nước, nhân dân, mà dùng nghề để vụ lợi, từ đó có những hành vi sai phạm trong nghiệp vụ báo chí.

Một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, sa đà vào thông tin mặt trái xã hội, thiếu tính nhân văn, phản giáo dục, phản văn hóa; một số ít người làm báo vụ lợi, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tham gia mạng xã hội thiếu chuẩn mực và thiếu trách nhiệm...

Còn PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, văn hóa trong báo chí không phải là điều gì đó cao siêu, trừu tượng. Báo chí nhân văn là báo chí thực hiện đúng chức trách, tôn chỉ mục đích, hoạt động theo pháp luật và có tính toán đến tác động của thông tin với độc giả và với chính nhân vật.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: HH

“Chỉ khi mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo có văn hóa sẽ ý thức được trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động, tác nghiệp vì mục đích tận hiến với nghề nghiệp; cho ra đời những sản phẩm báo chí chất lượng, tích cực, lan tỏa giá trị nhân văn, văn hóa” - bà Hằng nhấn mạnh.

Bên cạnh những thành tựu to lớn của báo chí cách mạng trong hơn 95 năm qua, báo chí Việt Nam đứng trước nhiều thử thách. Một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, sa đà vào thông tin mặt trái xã hội, thiếu tính nhân văn, phản giáo dục, phản văn hóa; một số ít người làm báo vụ lợi, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tham gia mạng xã hội thiếu chuẩn mực và thiếu trách nhiệm...

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh: Những tiêu cực trong hoạt động báo chí liên quan trực tiếp đến đạo đức nghề nghiệp - một phạm trù quan trọng của văn hóa. Khi nhà báo tác nghiệp với những hành vi không chuẩn mực, gắn với việc theo đuổi những lợi ích cá nhân, vụ lợi là hành vi phản văn hóa, để lại hình ảnh xấu. Cách làm nghề như vậy không chỉ làm tổn thương danh dự của người làm báo chân chính, làm suy giảm uy tín và vai trò của báo chí; nguy hại nhất là báo chí không còn giữ được bản chất văn hóa lành mạnh, tiến bộ, ảnh hưởng không tốt đến công cuộc xây dựng văn hóa và con người hiện nay.

Chính vì vậy, theo bà Hằng hơn lúc nào hết, chúng ta phải cảnh báo về sự suy giảm về văn hóa báo chí và việc phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” cũng không ngoài mục đích góp phần nhân lên những giá trị tiến bộ, nhân văn trong hoạt động báo chí; qua đó động viên, khích lệ mỗi tòa soạn báo phấn đấu trở thành những điểm sáng về văn hóa, đồng thời góp phần tăng cường, nâng cao “sức đề kháng” của cơ quan báo chí chống lại những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài xã hội.

Tại tọa đàm, các diễn giả đều cho rằng, chỉ khi mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo có văn hóa ý thức được trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động, tác nghiệp vì mục đích tận hiến với nghề nghiệp, sẽ cho ra đời những sản phẩm báo chí chất lượng, tích cực, lan tỏa giá trị nhân văn, văn hóa.

Có thể thấy, vấn đề xây dựng văn hoá báo chí trong các cơ quan báo chí và đối với người làm báo hiện đại là yêu cầu cấp thiết trong thực tiễn hoạt động báo chí hiện nay. Văn hóa báo chí được quan tâm, chú trọng sẽ góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; là vũ khí sắc bén của Đảng, chế độ ta trên mặt trận tuyên truyền.

Thái Hải