Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho lĩnh vực báo chí phát triển và cũng là thách thức sống còn đối với người làm báo. Vì vậy, tại hội thảo, các vấn đề xoay quanh vai trò, cơ hội và thách thức của người làm báo trong bối cảnh hiện nay, những quan điểm, kinh nghiệm làm báo trong thời kỳ mới hay trong thời đại 4.0… được các đại biểu thảo luận.

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, dù ở bất kỳ thời kỳ nào, tinh thần cống hiến, chiến đấu của các nhà báo cũng không giờ thay đổi. Công nghệ số càng phát triển, trách nhiệm của nhà báo càng lớn hơn. Ngoài những thông tin thông thường, các nhà báo phải tự học hỏi, để thông tin của mình khác biệt, chuyên sâu. Các nhà báo sử dụng công nghệ thế nào để có thể vừa biết làm báo, biết chụp ảnh, biết làm postcard, dẫn hiện trường... Đây là áp lực lớn, đòi hỏi nhà báo phải làm chủ được báo chí đa phương tiện

Do đó, theo ông Lợi nội dung và công nghệ luôn phải song hành. Trong bối cảnh kỷ nguyên số, nội dung báo chí đương nhiên phải có chất lượng tốt để có bạn đọc, công chúng ở đâu thì báo chí có mặt ở đó, nội dung là vua, còn công nghệ là nữ hoàng, do đó không nên tách biệt giữa nội dung và công nghệ. Khi có nội dung tốt thì cần phương tiện truyền thông để giúp lan tỏa. 

Đồng quan điểm với nhà báo Hồ Quang Lợi về tinh thần cống hiến, chiến đấu của các nhà báo không bao giờ thay đổi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức cho rằng, với tính chiến đấu của người làm báo, những bài báo thời nào cũng phải cống hiến, phải truyền tải thông tin hữu ích tới độc giả. Trước đây, công cụ hỗ trợ ít, năng suất làm báo thấp, mỗi phóng viên, nhà báo trong một tuần có thể chỉ viết được 2 bài, hiện nay với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, một tuần có thể viết được 4 bài, năng suất làm báo hiện nay lớn hơn nhiều.

Nhà báo Nguyễn Minh Đức cho rằng, nếu nội dung báo chí là vua, thì công nghệ là hoàng hậu. Giữa rừng thông tin, nhà báo phải khẳng định được trình độ, năng lực của bản thân. Báo chí hiện nay không những đối mặt với nội dung, công nghệ, còn cả với kinh tế báo chí. Do đó, ngoài các thông tin miễn phí, báo có thể tiến tới thực hiện các sản phẩm, bài viết chuyên sâu, chuyên biệt, độc quyền để có thể thu phí đọc báo điện tử.

Ngoài ra, các đại biểu thảo luận những vấn đề thách thức trong thời đại 4.0. Theo đó, để thích nghi với thời cuộc, báo chí phải thường xuyên kiểm chứng thông tin nhanh nhạy, bám sát để đưa thông tin xác thực đến với nhân dân một cách nhanh nhất, nhưng vẫn phải giữ giá trị cốt lõi của báo chí, đó là định hướng xã hội, tính nhân văn, sự chia sẻ của nhà báo với đời sống xã hội.

Đặc biệt trong kỷ nguyên số đòi hỏi những người làm báo phải nhanh chóng thay đổi phương cách tác nghiệp để thích ứng, theo kịp sự biến đổi và phát triển của công nghệ thông tin thời kỳ mới.

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, công nghệ làm cho thế giới thay đổi, sự ra đời của các sản phẩm trí tuệ nhân tạo như ChatGPT đặt ra các vấn đề cần phải giải quyết. Đối với bản thân người làm nghề phải nhận thức rõ, báo chí gióng lên hồi chuông để công nghệ không "giết chết" cảm xúc của con người, nhà báo.

Trao đổi về giải pháp và kinh nghiệm trong thời gian tới, nhà báo Hồ Quang Lợi nêu rõ, với tất cả những người học nghề, làm nghề cần có 3 điều quan tâm: Học, lao động, sáng tạo. Nghề báo là nghề của sự sáng tạo, nếu không có sự sáng tạo cá nhân thì người làm báo khó có thể khẳng định được bản sắc của mình. Tính sáng tạo cũng là vấn đề lớn của tác phẩm báo chí đòi hỏi người làm báo phải rèn luyện, từ khi ngồi trên ghế nhà trường đến khi đi làm. Nghiệp vụ báo chí cần học từ thực tiễn, từ Nhân dân, không chỉ tập trung vào nội dung truyền thống, phải cần tìm tòi cả công nghệ số.

Theo nhà báo Nguyễn Minh Đức, phóng viên hiện nay rất áp lực về hiệu quả lan tỏa của thông tin. Nếu làm ra một sản phẩm báo chí không có người đọc thì bài báo đó chưa đạt hiệu quả.

Ông Đức dẫn chứng tại Báo Kinh tế & Đô thị chấm nhuận bút có 4 yếu tố, trong đó có tiêu chí view. 

Làm sao tin bài có lượng view cao mà vẫn đúng theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan, tòa soạn, đòi hỏi nhà báo phải trở thành chuyên gia ở lĩnh vực mình theo dõi. Trong đó, trách nhiệm của nhà báo khi thông tin về các sự kiện không chỉ nhanh, mà cần góc tiếp cận độc đáo, chia sẻ thông tin và áp dụng công nghệ. Các nhà báo phải học hỏi nhiều thứ, trong đó có công nghệ” - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.

Trước thách thức hiện hữu của báo chí hiện nay, nhà báo Nguyễn Minh Đức cho biết, báo Kinh tế & Đô thị đã tổ chức các lớp bồi dưỡng về công nghệ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên; cách viết báo các thể loại, làm báo đa phương tiện, quay phim, làm Podcast, dẫn chương trình tại hiện trường…

Đối với sinh viên theo đuổi nghề báo, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho rằng, cần phải làm chủ được báo chí đa phương tiện, biết làm infographic, dựng hình, làm podcast. Với những đề tài độc, chuyên sâu, người làm báo phải tác nghiệp trên cả báo in, báo điện tử, thực hiện phóng sự ảnh, làm podcast, truyền hình, tiếp cận chuyên sâu.

Đồng thời phải yêu nghề, có trách nhiệm với xã hội, yêu thương con người, phải bảo vệ người yếu thế, đấu tranh với cái sai, luôn luôn học hỏi tính sáng tạo trong báo chí, bổ túc công nghệ, xu hướng báo chí hiện nay.

Còn nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Báo Điện tử Dân Việt/Nông thôn Ngày nay chia sẻ, trước bối cảnh chuyển đổi số, các bạn trẻ đang gặp thách thức lớn. Đó là chuyển đổi số khiến nhà báo trượt theo thông tin thời sự, mạng xã hội cạnh tranh dẫn đến chưa đào sâu vấn đề, thông tin không còn mang tính độc quyền. Thách thức tiếp theo đó là nhà báo khó giữ được bản lĩnh trước những lợi ích khác.

Thái Hải