Bộ Y tế cho biết, trong những năm trở lại đây, nước ta cũng như thế giới ghi nhận nhiều trường hợp mắc đột quỵ khi tuổi đời còn rất trẻ. Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có 15 triệu người bị đột quỵ trên toàn thế giới, trong đó 5 triệu người chết và 5 triệu người bị tàn tật vĩnh viễn. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tử vong và tàn phế, để lại cho người bệnh, gia đình và xã hội những hậu quả nặng nề. Dù được cứu sống nhưng khoảng 30 - 50% người bệnh đột quỵ không thể có lại khả năng độc lập về chức năng và 15 - 30% trong tổng số người bệnh đột quỵ bị khiếm khuyết vĩnh viễn.

Còn theo báo cáo từ Hội Đột quỵ thế giới, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó, hơn 16% số ca xảy ra ở người trẻ 15 - 49 tuổi.

Tại Việt Nam, thống kê của Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm có khoảng 200.000 người đột quỵ, tỷ lệ tử vong khoảng 40%. Đặc biệt, số người trẻ bị đột quỵ đang có xu hướng tăng. Người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 30% tổng ca đột quỵ. Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới nhiều gấp 4 lần nữ.

Nếu như trước đây, đột quỵ não thường gặp ở những người trên 60 tuổi thì hiện nay căn bệnh này có xu hướng trẻ hoá. Các yếu tố làm gia tăng ca đột quỵ và trẻ hoá thường là tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… nhưng không được kiểm soát. Bên cạnh đó, hút thuốc, stress nặng cũng là nguyên nhân gây đột quỵ.

Đáng lưu ý, số người đột quỵ không chỉ ngày càng trẻ hóa mà còn có xu hướng gia tăng. Thống kê cho thấy, dịp Tết vừa qua, bệnh nhân đột quỵ vào các bệnh viện đều tăng. Bệnh viện 108 tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023, các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh như Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Nhân dân 115 cũng ghi nhận tương tự.

Thống kê của các bệnh viện cũng cho thấy, năm 2023 số lượng bệnh nhân dưới 40 tuổi bị đột quỵ tăng 20 - 25%, tăng gấp đôi so với các năm trước, 76% bệnh nhân nhập viện muộn sau 6 giờ khởi phát của bệnh. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu nhận biết.

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đột quỵ ngày càng có xu hướng gia tăng, cả ở người trẻ tuổi. Hằng năm, Trung tâm Đột quỵ của bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị hàng nghìn người bệnh đột quỵ của miền Bắc. Có thời điểm, đơn vị tiếp nhận gần 60 người bệnh trong ngày, trong đó có nhiều người trẻ.

Lý giải nguyên nhân tỷ lệ đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa và gia tăng, chuyên gia y tế cho rằng, trong nhiều nguyên nhân thì nguyên nhân chủ yếu do lối sống sinh hoạt không lành mạnh, trong đó thói quen về sinh hoạt, ăn uống, ít vận động; thường xuyên sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, ma túy; thức khuya nhiều là những nguyên nhân gây tỷ lệ người trẻ đột quỵ tăng cao.

Chuyên gia y tế cũng đánh giá, đột quỵ là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây tử vong tại Việt Nam. Trong số người sống sót sau đột quỵ, tỷ lệ bị khuyết tật do đột quỵ ở mức cao.

Nguyên nhân của tình trạng này là do sự trẻ hóa của các yếu tố nguy cơ như tình trạng xơ vữa mạch, tăng huyết áp, thừa cân béo phì, đái tháo đường… Các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ gồm tuổi, giới tính, chủng tộc, tình trạng tăng huyết áp, tăng mỡ máu và một số trường hợp bệnh nhân suy tim…

Khi bị đột quỵ, bệnh nhân có thể có các dấu hiệu như đột ngột ngã quỵ, liệt nửa người, méo miệng, nuốt khó, nói khó, hôn mê… Đa số bệnh nhân đột quỵ sẽ bị xuất huyết não hoặc nhồi máu não khiến bệnh nhân hạn chế khả năng vận động, giao tiếp, thậm chí bệnh nhân có thể nằm liệt giường. Bệnh đột quỵ rất nguy hiểm, gây tàn phế hoặc khiến bệnh nhân tử vong.

Thời gian vàng trong điều trị đột quỵ là 270 phút nếu sử dụng thuốc tiêu huyết khối làm tan cục máu đông, hoặc trong 6 - 8 giờ nếu lấy huyết khối cơ học trong trường hợp tắc động mạch lớn trong não. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân càng được điều trị sớm trong khoảng thời gian này, cơ hội phục hồi, ít để lại di chứng càng cao. Ngược lại, nếu càng điều trị muộn trong cửa sổ thời gian này, cơ hội phục hồi càng thấp đi. Do vậy, khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ não, cần đưa bệnh nhân vào viện ngay để điều trị càng sớm càng hiệu quả.

Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày Trung tâm Đột quỵ tiếp nhận đến 50 bệnh nhân đột quỵ nhưng trong đó chỉ khoảng 20% bệnh nhân đến viện trong "thời gian vàng".

Con số này đã tăng lên so với trước đó, nhưng so với nhiều trung tâm trên thế giới, tỉ lệ này còn thấp. Có nhiều trung tâm, bệnh nhân đến trong "thời gian vàng" đạt 50 - 75%.

Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều người vẫn tin các kinh nghiệm truyền miệng, sơ cứu sai như chích máu đầu ngón tay, chích máu tai, rồi cho người bệnh dùng các loại thuốc an cung... bỏ qua "thời gian vàng" đến viện.

Với những yếu tố huyết áp, mỡ máu, tiểu đường, béo phì, thói quen hút thuốc... đột quỵ cũng có nguy cơ xảy ra ở người trẻ. Đột quỵ ở người trẻ có thể tước đi sinh mạng và cuộc sống của người bệnh. Tình trạng này hết sức đáng báo động khi lực lượng lao động chính mắc bệnh ngày càng cao.

Để phòng ngừa đột quỵ ở cả người trẻ và các nhóm đối tượng khác, PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, khuyến cáo mỗi người nên thường xuyên tập luyện, vận động, kiểm soát cân nặng, từ bỏ thói quen hút thuốc, ăn uống không lành mạnh. Tầm soát các yếu tố nguy cơ của đột quỵ: Tim mạch, huyết áp, mỡ máu, tiểu đường… Khi có một trong các biểu hiện của đột quỵ (giảm thị lực, yếu tay chân, nói ngọng/nói khó, đau đầu, chóng mặt…. ) cần đưa người bệnh đến ngay các đơn vị điều trị đột quỵ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Phương Anh