Hiệu quả hệ thống VMS tàu cá

Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh Quảng Trị đã có 184/192 tàu cá đã lắp hệ thống VMS, đạt 95,8%. Số tàu chưa lắp đặt gồm 3 tàu cá ngư dân do điều kiện kinh tế khó khăn, tàu cá hư hỏng đang nằm bờ không hoạt động khai thác thủy sản và neo đậu trên bờ. 5 tàu cá của Hải đội dân quân thường trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị quản lý đã lắp thiết bị hành trình nhưng chưa kết nối.

Theo quy định, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc phải lắp đặt hệ thống VMS và thuyền trưởng phải đảm bảo thiết bị hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng. Đồng thời, thông tin về vị trí tàu cá theo định kỳ 2 giờ/lần đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên, 3 giờ/lần đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m.

Với việc sử dụng thiết bị giám sát đã mang ý nghĩa quan trọng trong việc giúp các cơ quan quản lý, theo dõi, ngăn chặn tàu cá vi phạm trên các vùng biển. Đồng thời, là cơ sở xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác… góp phần thực hiện nhiệm vụ chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Thiết bị này còn hỗ trợ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, quản lý đội tàu cá của các cơ quan quản lý thủy sản các cấp từ Trung ương đến địa phương.

Nhờ việc lắp đặt hệ thống VMS, lực lượng chức năng có thể theo dõi trực tuyến vị trí và hành trình tàu cá trong suốt chuyến đi biển. Nếu phát hiện có tàu cá đang hải trình gần vùng biển giáp ranh với các nước xung quanh, lực lượng chức năng sẽ sử dụng các hệ thống thông tin liên lạc kêu gọi thuyền trưởng kịp thời điều khiển phương tiện quay trở lại.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Trị Nguyễn Hữu Vinh cho biết, trong thời gian qua UBND tỉnh Quảng Trị đã triển khai chỉ đạo quyết liệt về công tác chống khai thác IUU. Trong đó, tổ chức yêu cầu chủ tàu cá, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm hoạt động ở vùng biển nước ngoài; vận hành hệ thống VMS để theo dõi, giám sát chặt chẽ, ngăn chặn hoạt động tàu cá không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

“Sở chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch theo dõi các tàu cá thuộc đối tượng nguy cơ cao vi phạm hoạt động ở vùng biển nước ngoài để giáo dục, theo dõi, ngăn chặn. Nhờ vậy, đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị không có tàu cá và ngư dân khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ”, ông Vinh chia sẻ.

Lỗi nhà cung cấp, nhiều tàu cá nằm bờ

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, hiện có 184 tàu cá đã lắp đặt hệ thống VMS được cung cấp bởi các đơn vị Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội, Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông VNPT Vinaphone, Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam và của một số công ty khác. Tuy nhiên, một số thiết bị vẫn bộc lộ hạn chế, như: Không liên lạc được, hoạt động thiếu ổn định, lỗi mạng vệ tinh, oxi hóa…

Mới đây, từ ngày 15/4/2024, sự cố lỗi vệ tinh Thuraya T3 của VNPT VinaPhone gây mất kết nối tàu thuyền hoạt động trên biển ảnh hưởng đến công tác quản lý, theo dõi tàu cá hoạt động trên biển và tình hình sản xuất trên biển của ngư dân.

Tình trạng này xảy ra đã khiến 122 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) của nhà cung cấp VNPT Vinaphone gặp khó khăn, trong đó nhiều tàu cá vừa bỏ chi phí cả trăm triệu đồng chuẩn bị ra khơi hoặc đang ở ngoài khơi. Vì lí do an toàn và theo Luật Thủy sản 2017, các quy định về chống khai thác IUU, cơ quan chức năng không thể cho phép các tàu cá mất kết nối này rời cảng. Nhiều tàu cá đành quay trở lại nằm bờ, lỡ chuyến biển và thiệt hại rất nhiều chi phí khác.

Khi sự cố mất kết nối xảy ra, Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, đã thông báo, liên lạc với các chủ tàu, thuyền trưởng kiểm tra, duy trì kết nối trở lại, yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng thực hiện báo cáo vị trí về Chi cục Thủy sản qua trạm bờ theo quy định 6 tiếng/1 lần và phải đưa tàu về bờ trong vòng 10 ngày để sửa chữa, khắc phục.

leftcenterrightdel
 Hệ thống GSHT bị sự cố khiến nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Trị phải nằm bờ, thiệt hại lớn. Ảnh: Minh Tân

Các chủ tàu, thuyền trưởng đã chấp hành nghiêm túc báo cáo vị trí về Chi cục Thủy sản đúng quy định và đưa tàu cá về bờ. Tuy nhiên có một số tàu cá đang hoạt động ở vùng biển xa chưa đủ thời gian chuyến biển nên quá thời gian 10 ngày kể từ ngày thiết bị GSHT bị mất kết nối mới đưa tàu cá về bờ nhưng trong thời gian này các chủ tàu, thuyền trưởng thực hiện báo cáo vị trí về cho Chi cục Thủy sản đúng quy định.

Thế nhưng, hơn 1 tháng qua, sự cố mất kết nối vệ tinh Thuraya 3 của VNPT VinaPhone vẫn chưa khắc phục xong đã ảnh hưởng lớn đến ngư dân Quảng Trị khi sử dụng hệ thống GSHT của nhà cung cấp này. Trong khi đó, đây đang là vụ cá Nam là vụ khai thác thủy sản chính của năm và mang lại thu nhập chủ yếu cho bà con ngư dân. Sự cố này đã gây thiệt hại và bức xúc cho ngư dân Quảng Trị khi sử dụng hệ thống GSHT của đơn vị này.

“Để không gián đoạn hoạt động khai thác trên biển của bà con ngư dân, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo triển khai các giải pháp tạm thời. Dự kiến tuần sau, chúng tôi sẽ có phương án cụ thể”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị Nguyễn Hữu Vinh cho biết thêm.

Minh Tân