Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa ký chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành Thuỷ sản.

Phát hiện, xử lý vi phạm còn chưa nghiêm

Theo đánh giá của Ban Bí thư, những năm qua, ngành Thuỷ sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tổng sản lượng hằng năm đạt trên 9 triệu tấn, đóng góp khoảng 30% GDP của ngành Nông nghiệp.

Sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu đến 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ ba thế giới; giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Từ năm 2017 đến nay, các cấp, các ngành, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.

Hệ thống theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá được xây dựng. Các cấp, ngành cũng đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước. Nhờ vậy, số vụ vi phạm đã giảm dần.

Dù vậy, Ban Bí thư nhận định, ngành Thuỷ sản Việt Nam phát triển chưa bền vững, chưa gỡ được cảnh báo “Thẻ vàng” của Uỷ ban Châu Âu, chưa tuân thủ đầy đủ quy định chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Xử lý vi phạm còn hạn chế…

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, theo Ban Bí thư là do một số cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu còn chủ quan, buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, hiệu quả tổ chức thực hiện chưa cao.

Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận ngư dân, doanh nghiệp còn hạn chế; cơ sở hạ tầng nghề cá và việc kiểm soát hoạt động tàu cá, sản lượng khai thác, truy xuất nguồn gốc chưa đáp ứng yêu cầu.

“Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, phối hợp, phát hiện, xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa thường xuyên, đồng bộ”, chỉ thị nêu rõ.

Phải ngăn chặn ngay từ trong bờ tàu cá và ngư dân cố ý vi phạm

Vì vậy, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phải xác định công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành Thuỷ sản.

Các cấp ủy, người đứng đầu ở ngành, địa phương phải có trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2024 và duy trì kết quả bền vứng.

Ban Bí thư cũng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật; chú trọng công tác vận động, nắm tình hình, kịp thời phát hiện “từ sớm, từ xa”, ngăn chặn ngay từ trong bờ tàu cá và ngư dân cố ý vi phạm, nhất là khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Nhiệm vụ nữa là thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chủ trương của Đảng về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các quy hoạch, chiến lược, chương trình quốc gia liên quan đến phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ngành thuỷ sản.

Bên cạnh khẩn trương rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật, bổ sung chế tài xử lý nghiêm vi phạm, Ban Bí thư lưu ý phải có chính sách hỗ trợ hiện đại hoá nghề cá, cải thiện sinh kế, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển, nâng cao cuộc sống.

Không để sản phẩm thuỷ sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài

Công tác quản lý Nhà nước trong công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định phải được nâng cao.

Theo chỉ thị của Ban Bí thư, phải tăng cường quản lý tàu cá, tàu công vụ thuỷ sản, cảng cá, đội tàu, xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá không giấy phép, không đăng ký, không đăng kiểm; thực hiện nghiêm việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản khai thác.

Các cơ quan chức năng phải giám sát được 100% sản lượng thuỷ sản khai thác trên biển, tại cảng; không có sản phẩm thuỷ sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài.

Thêm nữa, lực lượng kiểm ngư và các cơ quan chức năng quản lý hoạt động thuỷ sản, thực hiện công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định phải được kiện toàn, nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm.

“Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, thực thi pháp luật, xử lý triệt để các hành vi vi phạm; kịp thời điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hợp thức hoá hồ sơ đối với các lô hàng xuất khẩu; tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát”, Ban Bí thư quán triệt.

Ban Bí thư cũng nêu rõ phải quan tâm đầu tư nguồn lực Nhà nước; khuyến khích xã hội hoá, hợp tác công tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng thuỷ sản; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong nuôi trồng, khai thác thuỷ sản, thiết lập chuỗi sản xuất bền vững, hệ sinh thái toàn diện.

Phát triển ngành thuỷ sản phải gắn với bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân và người lao động có liên quan; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tăng cường biện pháp ngoại giao để sớm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”

Theo Ban Bí thư, phải nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, nhất là với các nước Châu Âu và Liên minh Châu Âu, tăng cường biện pháp ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của các bên liên quan để sớm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”; không để tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài ảnh hưởng đến quan hệ với các nước.

Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước thu thập hồ sơ, tài liệu, bản án, quyết định xử lý của nước sở tại đối với tàu cá, ngư dân vi phạm để phục vụ công tác điều tra, xử lý và bảo hộ công dân.

Đồng thời, kịp thời đấu tranh ngoại giao đối với việc tàu cá, ngư dân Việt Nam không vi phạm khai thác bất hợp pháp bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, xử lý tại những vùng biển chồng lấn, tranh chấp, chưa phân định với các nước.

 
Hương Giang