Tôi gặp anh vào cuối năm 1981, khi tôi đang học ngoại ngữ để học đạo diễn tại Trường Đại học Điện Ảnh Liên Xô. Tôi đến thăm thầy Nguyễn Duy Quý, lúc đó cùng làm nghiên cứu sinh hai năm với các anh Nguyễn Phú Trọng, Tô Huy Rứa, Phạm Quang Nghị.

Thầy Nguyễn Duy Quý là người dễ mến, dễ gần, thầy mời chúng tôi sang Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô chơi, ăn cơm. Hầu hết các anh em đào tạo ở đây về nước đều trưởng thành. Nhiều vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Bí thư Trung ương Đảng và Bộ trưởng rất nhiều. 

Thầy Quý thường nấu cơm, anh Trọng đi mua thực phẩm đãi tôi - người học trò mới sang từ Việt Nam. 

Anh Trọng ăn uống từ tốn, thường gắp thức ăn cho thầy Quý và cho tôi. Hôm nào có anh Thép theo dõi lưu học sinh từ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô thì thường mua được món ngon và rẻ, chế biến theo khẩu vị Việt Nam. 

Lúc bấy giờ tập trường ca “Những lời ca chưa đủ” của tôi mới ra đời, thầy Hồng Như Mên viết thơ. Tôi mang tặng thầy Quý và anh Trọng. Thầy và anh đọc say sưa.

Anh nói với tôi: Lê vinh dự được gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu thế này thật đáng quý, là bước đầu phấn đấu trưởng thành trên con đường chinh phục thơ ca.

Anh hỏi tôi kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam chưa? Tôi thú thật với thầy và anh rằng, tôi là bộ đội đặc công chuyển ngành về học tại Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, phấn đấu mới là đối tượng Đảng thôi. 

Anh Trọng bảo Lê phải cố gắng lên, xứng đáng là sinh viên Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Lúc tôi mới sang, anh cũng nói sang còn nhiều bỡ ngỡ, nhờ thầy Nguyễn Duy Quý mà câu thuật ngữ khoa học xã hội viết bằng tiếng Nga chính xác hơn. Anh học hành chăm chỉ, khiêm nhường.

Thầy Quý nói với chúng tôi: “Anh Trọng chịu khó lắm, cậu và anh em cố lên”.

Rồi có trường hợp học viên vào học lớp 4 năm, có khuyết điểm, anh bảo chúng tôi khuyên anh ấy, tính nghệ sĩ thôi mà. Nhiều năm quen anh, không thấy anh giận và to tiếng với bạn và đàn em một chút nào. Thầy Quý nói: “Anh Trọng sinh ra đã có phẩm chất làm một nhà lãnh đạo lớn”. Điều tiên đoán của thầy Quý sau này hoàn toàn ứng nghiệm.

Là người chứng kiến quá trình học tập nghiên cứu tại Liên Xô, đến lúc trưởng thành lên Phó Tổng Biên tập, rồi Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, rồi Ủy viên Trung ương Đảng năm 1994 đến khi tham gia Ủy viên Bộ Chính trị năm 1997, làm Bí Thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội, rồi Tổng Bí thư, lúc nào cũng niềm nở, nhưng nguyên tắc, công bằng. 

Anh Nguyễn Phú Trọng là con một gia đình bình dân. Anh sống giản dị, không cầu kỳ, từ ăn mặc, xử lý công việc cho đến đi lại.

Anh Trọng không bao giờ xử lý công việc cảm tính nghệ sĩ, mặc dù thuở ban đầu anh từng làm thơ hồi cuối cấp III Nguyễn Gia Thiều, Gia Lâm, Hà Nội. Những câu thơ hào sảng của anh còn vang vọng đến hôm nay. 

“Ta còn đếm những mùa hoa phượng nở

Sẽ còn nghe rộn rã tiếng ve kêu

Trong nhịp bước đường đời đang rộng mở

Của ngày mai trên Tổ quốc thân yêu.”

(Bài thơ “Mùa hoa phượng”)

leftcenterrightdel
 

Năm 2017, chúc mừng 100 năm ngày sinh của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, đoàn tôi gồm anh Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng đầu tư nông lâm nghiệp Việt Nam, và tôi là Phó Chủ tịch cùng hai PGS.TS Triết học Trần Văn Sinh và Trần Văn Đoán, đến chúc mừng bác.

Được 15 phút bảo vệ lên báo có Đoàn Hội Nông dân Việt Nam lên chúc mừng bác. Sau một hồi chuyện trò vui vẻ, bác Đỗ Mười nhìn anh Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội và bảo: “Bác nghe dư luận nói dân Nam Định nhà các cậu bảo Nguyễn Phú Trọng là cháu ông Mười. Không có đâu nhé. Lần đầu tiên bác gặp Nguyễn Phú Trọng là năm 1984, khi ấy Vĩnh Quang Lê và GS Nguyễn Duy Quý lên chúc mừng sinh nhật bác. Anh nhớ các anh ấy tặng bác chiếc bàn là 6 rúp, hồi đó quý lắm. Tôi hỏi đáng 10 kg gạo không? Em Trọng gật đầu”.

Tôi nhìn anh Kính, trợ lý của Bác và bảo: “Trí nhớ của bác tuyệt vời thật, hơn 30 năm mà bác vẫn nhớ từng chi tiết”.

Từ đấy bác Đỗ Mười luôn quan tâm tới anh Trọng. Ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên đều coi anh là tài năng cần chăm sóc, đào tạo.

Đến năm 1997, bác xin nghỉ chức Tổng Bí thư, bác đề nghị anh Trọng vào chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị. 

Năm 2018, tôi lên đón lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ, chúc mừng năm mới. Anh nói Hội Chữ thập đỏ hoạt động vì dân, cần công khai minh bạch trên Truyền hình Nhân đạo, Báo Nhân đạo & Đời sống và thực hiện tốt khẩu hiệu “người người, nhà nhà, ngành ngành làm việc thiện” do Chủ tịch nước Võ Chí Công phát động trên Truyền hình Nhân đạo năm 1992.

Đối với sai lầm của cấp dưới, từ các ban của Đảng, từ các bộ, ngành, doanh nghiệp, nếu đã vi phạm thì phải xử lý, dù người ấy là ai. Anh đã tạo ra văn hóa từ chức ở nước ta từ năm 2021 đến nay.

Trọn 80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng noi gương Bác Hồ và các bậc tiền bối: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu…

Anh tiếp bước cùng các bậc tiền bối, đưa Đảng Cộng sản Việt Nam và đất nước Việt Nam từng bước đổi mới, chống tham nhũng, xây dựng đất nước, vươn xa ra thế giới.

Anh chính là lãnh đạo được nhân dân yêu mến và tiếc thương. Anh là người chồng mẫu mực của gia đình, chung thủy, hết lòng với gia đình. Bản thân chị Mận, vợ anh cũng là một tấm gương ích phu, lợi quốc. Chị sống giản dị, khiêm nhường. Mỗi lúc anh em chúng tôi lên thăm anh chị, chị thường tiếp nước, xong lên nhà, không can thiệp vào công việc của anh. Hai cháu Ngọc, Trường theo gương bố, sống mẫu mực tại cơ quan mình công tác. 

Anh Trọng mất đi là tổn thất lớn cho Đảng, cho dân, cho đất nước, cho bạn bè. Anh chống tham nhũng không có vùng cấm. Anh mãi là tấm gương cho các thế hệ học tập, noi theo.

Nhà thơ, PGS.TS Vĩnh Quang Lê