Theo kế hoạch, ngày 5/9 các trường mầm non, phổ thông trên cả nước đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học 2024 - 2025. Trước đó, Bộ GDĐT đã có những lưu ý về khai giảng năm học mới trong văn bản gửi UBND cấp tỉnh về tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung chuẩn bị cho năm học 2024 - 2025 với tinh thần chung, tổ chức khai giảng theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của địa phương, nhà trường.

Năm học 2024 - 2025 có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và tiến tới Đại hội đảng các cấp.

Là năm học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12; cũng là năm học đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Với chủ đề “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”, năm học 2024 - 2025 ngành Giáo dục quyết tâm thực hiện hiệu quả các quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Chương trình Hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Trước năm học mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về việc tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GDĐT, các bộ, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 với phương châm: "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm; thầy cô giáo là động lực; nhà trường làm bệ đỡ; gia đình là điểm tựa; xã hội là nền tảng".

leftcenterrightdel
 Năm học 2024 - 2025 là năm học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12. Ảnh: LP

Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh Lào Cai có gần 236 nghìn học sinh theo học ở 598 trường, 8.354 lớp (giảm 12 trường, tăng 93 lớp, 3.370 học sinh so với năm trước). Có 16.735 người, trong đó, 1.484 cán bộ quản lý; 13.666 giáo viên; 1.585 nhân viên. Toàn tỉnh còn thiếu 627 biên chế giáo viên so với biên chế được giao. Năm học này, Lào Cai dự kiến rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học theo kế hoạch; tiếp tục thực hiện sáp nhập 20 trường (2 trường mầm non; 11 trường tiểu học và 7 trường THCS) thành 10 trường (1 trường mầm non; 2 trường tiểu học và 7 trường tiểu học - THCS); xóa bỏ loại hình trường mầm non - tiểu học.

Toàn tỉnh Khánh Hòa có 521 trường mầm non, phổ thông và trung tâm, trong đó, có 202 trường mầm non (gồm 159 trường công lập, 43 trường ngoài công lập); 160 trường tiểu học; 121 trường THCS; 34 trường THPT (gồm 29 trường công lập, 5 trường ngoài công lập) và 4 trung tâm. Có hơn 290.000 học sinh và hơn 20.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Chuẩn bị cho năm học mới, ngành Giáo dục Khánh Hòa đã đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất cho các trường với tổng kinh phí gần 675,4 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy gần 62 tỷ đồng, đồng thời sẽ tiếp tục mua sắm, bổ sung trong thời gian tới.

Bạc Liêu có hơn 161.000 học sinh (trong đó cấp mầm non có hơn 23.600; cấp tiểu học có gần 67.000 học sinh; cấp THCS có hơn 48.600 học sinh; cấp THPT có trên 20.400 học sinh; trung tâm giáo dục thường xuyên có hơn 1.800 học sinh. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 3.700 phòng học kiên cố (đạt 83,7%) và trên 740 phòng bộ môn kiên cố (đạt 84,6%), bảo đảm điều kiện thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non và Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Thừa Thiên Huế có tổng số 291.373 học sinh, trong đó cấp mầm non có 64.447 em; phổ thông có 223.055 em và giáo dục thường xuyên là 3.871 em. Chủ đề năm học 2024 - 2025 của ngành Giáo dục Thừa Thiên Huế được xác định là “đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”.

An Giang có hơn 402.000 học sinh của 714 trường học (nhà trẻ 3.080 cháu, mẫu giáo 49.830 học sinh, cấp tiểu học 160.340 học sinh; cấp THCS 128.565 học sinh; cấp THPT có 60.405 học sinh). Riêng huyện đầu nguồn biên giới An Phú, có 95 điểm trường, 895 phòng học với gần 31.000 học sinh từ bậc mầm non đến THCS, (trong đó, có hơn 10% là học sinh người dân tộc Chăm); huyện miền núi Tri Tôn có hơn 26.300 đến trường. Trong đó, có 245 cháu nhà trẻ, 4.150 cháu mẫu giáo, 12.591 học sinh tiểu học và 9.330 học sinh THCS với gần 40% học sinh dân tộc Khmer.

Điện Biên có 207.667 học sinh, 482 trường, trung tâm với 7.396 lớp. Hiện, toàn ngành thiếu 2.076 giáo viên (915 mầm non, 522 tiểu học, 406 trung học cơ sở, 233 trung học phổ thông). Để chuẩn bị nguồn nhân lực đảm bảo điều kiện đội ngũ, căn cứ chỉ tiêu số lượng người làm việc được giao, năm học 2024 - 2025 toàn ngành sẽ tuyển dụng mới 533 giáo viên (260 mầm non, 120 tiểu học, 119 THCS, 34 THPT); hợp đồng 434 giáo viên (208 mầm non, 93 tiểu học, 83 THCS, 50 THPT).

Đồng Nai có trên 750.000 học sinh (trong đó có 156,5 nghìn học sinh mầm non, gần 296,8 nghìn học sinh tiểu học, gần 210 nghìn học sinh THCS và trên 87,2 nghìn học sinh THPT). Toàn tỉnh có 911 trường (trong đó có 369 trường mầm non, 280 trường tiểu học, 186 THCS và 76 trường THPT).

Quảng Nam, cả tỉnh có 795 trường (725 trường công lập và 90 trường ngoài công lập) với tổng số hơn 372 nghìn học sinh (trong đó gần 81,5 nghìn học sinh mầm non, 138,5 nghìn học sinh tiểu học, 100 nghìn học sinh THCS, gần 52 nghìn học sinh THPT). Giảm gần 5.000 học sinh so với năm học 2023 - 2024. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành hệ công lập là 23.788 và ngoài công lập là 3.400.

Cà Mau có hơn 228 nghìn học sinh tại 491 điểm trường. Năm học 2024 - 2025, với nhiều nguồn kinh phí khác nhau, Cà Mau đã đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng 157 phòng học các cấp; sửa chữa, nâng cấp 210 phòng học. Đến thời điểm này, nhân lực, vật lực được đầu tư cho các trường cơ bản đáp ứng đủ các điều kiện bước năm học mới.

Hòa Bình có tổng số 18.426 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và hơn 176.000 học sinh (trong đó, cấp tiểu học có 3.082 lớp với 81.144 học sinh; cấp THCS có 1.940 lớp với 63.909 học sinh; cấp THPT có 735 lớp với 26.670 học sinh, khối giáo dục thường xuyên có 147 lớp với 4.807 học viên).

Cần Thơ có trên 255 nghìn trẻ mầm non, học sinh các cấp học, bậc học với 448 trường. toàn ngành có 13.769 cán bộ, giáo viên, nhân viên (trong đó có 11.908 giáo viên).

Gia Lai có 759 trường mầm non, phổ thông với 407.921 học sinh/12.045 lớp. Năm học 2023 - 2024 chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục dân tộc, giáo dục mũi nhọn đều tăng. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 98,84% (tăng 1,05% so với năm 2023); chất lượng mũi nhọn học sinh giỏi quốc gia đạt 42,22% (có 38/90 thí sinh dự thi đạt giải), tăng 2,5% so với năm học 2023 - 2024.

Quảng Bình có 248.171 học sinh, trong đó cấp mầm non có 52.309 học sinh, cấp tiểu học 91.812 học sinh, cấp THCS có 65.678 và cấp THPT có 34.326 học sinh.

Kon Tum có hơn 170.000 học sinh, tăng hơn 3.000 em so với năm học 2023 - 2024. Trong đó bậc mầm non có 40.058 trẻ em, tiểu học có 65.092 học sinh, THCS có 47.460 em và bậcTHPT có 17.504 học sinh. Năm học này, ngành GDĐT tỉnh Kon Tum có 348 trường mầm non và phổ thông. Toàn ngành hiện có 11.963 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Lê Phương