Công an TP. Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn mới rất tinh vi. Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng các tài khoản ngân hàng có được từ mua bán để thực hiện giao dịch chuyển tiền của bị hại sau đó rửa tiền bằng nhiều phương thức khác nhau.

Theo đó, thủ đoạn của các đối tượng thường đăng tải thông tin trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội về việc mua, thuê tài khoản ngân hàng với giá từ 500.000 - 1 triệu đồng.

Hoặc lợi dụng danh nghĩa nhân viên ngân hàng đang cần đạt chỉ tiêu mở thẻ ngân hàng, tài khoản thanh toán để vận động học sinh, sinh viên hoặc công nhân, người lao động có thu nhập thấp, hiểu biết hạn chế về pháp luật để mở tài khoản miễn phí hoặc mức phí thấp. Sau đó, thỏa thuận mua hoặc thuê lại của chủ tài khoản, từ đó rao bán lại trên không gian mạng để kiếm lời bất chính.

Bên cạnh đó, đối tượng còn sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác (thu mua từ cửa hàng cầm đồ, nhà nghỉ hoặc nhặt được...), thay ảnh để mở tài khoản thanh toán tại các ngân hàng. Sau khi mở tài khoản, chủ tài khoản phải bàn giao thông tin đăng nhập Internet Banking, SIM điện thoại đăng ký tài khoản, thẻ ngân hàng… cho đối tượng.

Quá trình điều tra các vụ án liên quan đến hoạt động sử dụng không gian mạng, thiết bị công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan công an phát hiện các đối tượng tội phạm hầu hết sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ (thuê người khác mở, mua tài khoản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài khoản của người khác) để thực hiện và che giấu các hành vi vi phạm pháp luật, bao gồm nhận tiền lừa đảo, gian lận, rửa tiền, chuyển nhận tiền đánh bạc; hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác, gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, xử lý của lực lượng chức năng.

Trên thực tế, lực lượng công an đã triệt phá nhiều ổ nhóm đường dây chuyên mua bán tài khoản ngân hàng. Điền hình, tháng 4/2024, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an đã phối hợp với công an các tỉnh Phú Yên, Bình Dương cùng các đơn vị nghiệp vụ của công an các tỉnh Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bến Tre triệt phá đường dây chuyên thu thập, sử dụng thông tin cá nhân để mở hàng trăm nghìn tài khoản ngân hàng trực tuyến trái phép xảy ra tại các tỉnh khu vực phía Nam.

Ổ nhóm này hoạt động dưới vỏ bọc tư vấn vay vốn tín chấp miễn phí để mở tài khoản trái phép. Qua khám xét, lực lượng chức năng đã thu giữ hàng chục nghìn tài khoản ngân hàng trực tuyến, hàng ngàn sim điện thoại “rác” để mở tài khoản trái phép và nhiều tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động phạm tội của nhóm. Theo công an, trung bình mỗi tháng nhóm này tạo lập trái phép và đưa ra thị trường khoảng 20.000 tài khoản các loại, trong đó chủ yếu là tài khoản ngân hàng và một số tài khoản chứng khoán...

Để hạn chế những hành vi tiêu cực, tránh việc tiếp tay cho tội phạm hoặc liên đới đến các hành vi vi phạm pháp luật, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần hết sức lưu ý và cẩn trọng trong việc quản lý thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của mình. Cần có những biện pháp đảm bảo an toàn thông tin cá nhân, không chia sẻ thông tin cá nhân hoặc thông tin tài khoản ngân hàng với người lạ trên không gian mạng. Nói không với mọi lời đề nghị thuê hoặc mua bán tài khoản ngân hàng để hưởng lợi ích tài chính.

Liên quan đến những hành vi cho thuê, trao đổi mua bán tài khoản cá nhân mở tại các ngân hàng, luật sư Nguyễn Quang Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Hành vi cho thuê, hoặc bán tài khoản có thể đối mặt với nhiều hệ lụy về về mặt pháp lý. Trong một số trường hợp, người dân có thể bị điều tra, truy tố về hành vi liên quan đến các giao dịch vi phạm pháp luật ngay cả khi không tham gia trực tiếp vào hoạt động lừa đảo thì họ vẫn có thể bị coi là đồng phạm hoặc có thể coi hành vi đó là tiếp tay cho tội phạm. Tùy mức độ người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo Điều 291 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội “thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng” với mức phạt lên tới 200 triệu đồng hoặc phạt tù lên tới 7 năm.

Theo quy định tại Nghị định 143/2021/NĐCP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 88/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, phạt tiền 40 - 50 triệu đồng đối với những hành vi như thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản, mua bán, thông tin tài khoản thanh toán từ một tài khoản cho đến dưới 10 tài khoản thanh toán chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Phạt tiền từ 50 -  100 triệu đồng về hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán; mua bán tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản trở lên mà chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Bình An