Tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí để nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo luôn được Hội Nhà báo Việt Nam chú trọng nhằm hướng tới nền báo chí hiện đại chuyên nghiệp và nhân văn.

Trong gần 3 năm qua, mặc dù đại dịch Covid-19 đã đặt ra nhiều thách thức đối với việc tổ chức lớp học so với những năm trước đó, nhưng Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đã cố gắng khắc phục những khó khăn và đổi mới các phương thức tổ chức lớp học nên về cơ bản vẫn đáp ứng được các nhu cầu học tập của các hội viên, nhà báo trên toàn quốc.

“Trong 3 năm 2020-2022, trung tâm đã tổ chức được 333 lớp học dành cho hơn 10.000 lượt học viên trên cả nước. Đây là những con số hết sức ấn tượng và là động lực quan trọng tạo đà cho trung tâm tiếp tục bứt phá trong những năm tiếp theo”, bà Vân cho biết.

Theo bà Vân, bên cạnh những thành quả đã đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí hiện nay vẫn chưa đáp ứng được hết mọi nhu cầu phát triển của các cơ quan báo chí trước sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ thông tin.

Hơn nữa, trong bối cảnh qui hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, những người làm báo cần phải đổi mới cách thức thông tin nhằm đáp ứng sự phát triển của đất nước và thế giới trong tình hình mới, cũng như đòi hỏi ngày càng cao của công chúng. Chính vì vậy, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo cũng cần phải thực hiện một cách có tổ chức, có kế hoạch và luôn đổi mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung đánh giá về các khóa bồi dưỡng của trung tâm tổ chức, những điểm mạnh và những mặt hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Đồng thời đề xuất những kỹ năng cần thiết hiện tại mà các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí mong muốn bồi dưỡng cho phóng viên, biên tập viên trong bối cảnh báo chí hiện nay; các hình thức và phương thức tổ chức các khóa bồi dưỡng như nào cho hợp lý đối với các cấp Hội địa phương, các cơ quan báo chí.

Đối với các cấp Hội Nhà báo thì nên tổ chức đào tạo theo nhiều chủ đề theo từng khu vực; đối với các cơ quan báo chí nên đào tạo tập trung hay đào tạo tại chỗ.

Theo ông Nguyễn Bảo Lâm, Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Nguyên việc đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cần được cập nhật để đáp ứng được yêu cầu mới. Các trường đại học và các tổ chức đào tạo cần thiết lập các chương trình đào tạo phù hợp với các xu hướng và công nghệ mới, giúp sinh viên có thể nắm bắt được các kiến thức cơ bản cũng như có khả năng sử dụng công nghệ mới nhất để truyền tải thông tin một cách hiệu quả.

Hơn nữa, các chương trình đào tạo cần đặc biệt chú trọng đến khía cạnh đạo đức và độ tin cậy, giúp sinh viên hiểu rõ về tầm quan trọng của vấn đề đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí thời kỳ 4.0 trong quá trình hành nghề sau này…

Nhà báo Hoàng Lâm, Tổng Thư ký toà soạn Báo Lao động chia sẻ, hiện nay Báo Lao động cũng tạo điều kiện cho rất nhiều các bạn cộng tác viên, thực tập sinh còn rất trẻ. Các nhà báo trẻ hiện nay, không những được đào tạo bài bản mà khi về các cơ quan báo chí còn được tạo điều kiện hỗ trợ nhiều mặt như phương tiện, thiết bị làm việc. Các nhà báo trẻ còn có một môi trường làm việc khá thuận lợi không chỉ ở cơ quan mình công tác mà ngay cả phía cơ sở.

Theo nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, để đào tạo nghiệp vụ bồi dưỡng báo chí theo nhu cầu hiện nay cũng như đáp ứng với xu hướng báo chí quốc tế, các đơn vị báo chí cần đào tạo nội dung làm tin, bài cho các nhà báo tại các tỉnh, thành sao cho phong phú, sinh động, tạo được sức hút mạnh mẽ.

Đồng thời cần đào tạo dưới nhiều hình thức, phương tiện, từ đó trang bị về kiến thức, kỹ năng cũng như kỹ thuật, nghiệp vụ cho các phóng viên, biên tập viên một cách đầy đủ nhất, qua đó sẽ đáp ứng được nhu cầu cập nhật tin tức kịp thời, nhanh nhạy, chính xác và tạo hiệu ứng tốt nhất đến độc giả. 

Ngoài ra, tại tọa đàm các đại biểu đề nghị, thời gian tới các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cũng phải đổi mới nội dung để đáp ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển.

Cùng với đó, những khóa học cũng cần phải đa dạng hơn với nhiều chủ đề khác nhau, từ kỹ năng cho đến thực hành, dành cho nhiều đối tượng khác nhau, không chỉ phóng viên trẻ mà cả lãnh đạo, quản lý các cơ quan báo chí; thậm chí, cần phải đào tạo nhiều lần, chứ không phải một, hai lần…

Thái Hải